📞

70 năm Hiệp ước ANZUS: Định hình thế trận Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương

Ngọc Hà 06:00 | 03/09/2021
Học giả Patricia A. O’Brien* có bài viết trên The Conversation nhìn lại 7 thập niên của Hiệp ước ANZUS giữa Australia, New Zealand và Mỹ.
Trong chuyến thăm Lầu Năm Góc năm 2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison dừng chân trước bức ảnh ký kết Hiệp ước ANZUS giữa Australia, New Zealand, Mỹ năm 1951. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Bà Patricia O’Brien cho rằng, 70 năm sau khi Australia, New Zealand và Mỹ ký kết Hiệp ướcANZUS cam kết bảo vệ lẫn nhau và cùng hợp tác để đảm bảo một khu vực Thái Bình Dương hòa bình, liên minh này đã khoác lên mình trọng trách mới. Đó là khi cả 3 nước đều phải đối mặt với những thách thức kinh tế, chính trị và ngoại giao từ Trung Quốc.

Hiệp ước ANZUS, được đặt theo tên viết tắt của ba quốc gia, được ký kết vào năm 1951 và đã trở thành một thành tố quan trọng trong quan hệ quốc tế sau Thế chiến II.

Giờ đây, khi khu vực Thái Bình Dương đứng trên bờ vực chiến tranh, liên minh trên một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế và những tranh đấu quyền lực ở khu vực này.

Quá khứ gắn kết chặt chẽ

Ngoài những mối liên hệ lịch sử giữa người Hawaii bản địa với người Maori ở New Zealand, lịch sử của 3 quốc gia Australia, New Zealand và Mỹ đã gắn liền với nhau trong nhiều thế kỷ.

Anh bắt đầu chiếm Australia làm thuộc địa vào năm 1788 sau khi để mất các thuộc địa tại châu Mỹ. Một số người ủng hộ muốn đưa những người trung thành với chế độ Anh tại Mỹ, cũng như những người hầu cận từng định cư ở Bắc Mỹ, đến Nam Thái Bình Dương.

Những người Anh trung thành lưu vong sinh sống rải rác khắp đế quốc này, trong đó chỉ một số đến được Nam Thái Bình Dương.

Đối với 160.000 người bị kết án tù, những thuộc địa ở Australia đã trở thành nơi giam giữ trong hơn 80 năm sau đó.

Vào cuối thế kỷ XVIII, những người săn bắt cá voi và hải cẩu từ New England bắt đầu đến New Zealand và Australia.

Những mối giao thoa phức tạp đã trải rộng khắp Thái Bình Dương trong những năm tiếp theo, từ lĩnh vực thương mại, các luồng tư tưởng cho đến các cuộc di cư, đặc biệt được thúc đẩy bởi các cuộc săn vàng ở Thái Bình Dương.

Sau đó, những mối giao thoa này đã đạt đến tầm cao mới trong Thế chiến II. Năm 1940, trước nguy cơ sắp xảy ra chiến tranh, Mỹ công nhận Australia là một quốc gia độc lập, tách biệt với Vương quốc Anh.

Hai năm sau, Mỹ cũng làm điều tương tự với New Zealand khi quân đội 3 nước tham gia chiến đấu chống lại đế quốc Nhật Bản.

Một thỏa hiệp "xoa dịu"

Cả 3 quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng năm 1945. Hơn 1 triệu lính Mỹ đã đóng quân tại Australia và New Zealand để bảo vệ các quốc gia này trước các cuộc xâm lược của Nhật Bản.

Khi khu vực Thái Bình Dương chìm vào Chiến tranh Lạnh, Australia và New Zealand khi đó vẫn còn cảm thấy bị đe dọa trước một Nhật Bản “hung hãn” và đã tái vũ trang.

Lúc đó, Mỹ vừa muốn nhanh chóng tái thiết Nhật Bản để giúp bảo vệ nền dân chủ và hòa bình ở Bắc Thái Bình Dương, nhưng lại mâu thuẫn về việc chính thức hóa các thỏa thuận an ninh riêng với Australia và New Zealand.

Khi Mỹ ký kết hiệp ước Nhật Bản vào năm 1951, Australia và New Zealand đã phản ứng với sự kiện này theo cách mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “sự nghi ngờ và không tán thành lớn”.

Vì vậy, 3 quốc gia đã đề xuất một thỏa hiệp để xoa dịu những lo ngại của Australia và New Zealand.

Sự thỏa hiệp đó đã dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước ANZUS nhằm đảm bảo an ninh của mỗi quốc gia và thiết lập sự hợp tác liên tục trong khu vực để bảo vệ hòa bình ở Thái Bình Dương.

Hiệp ước ANZUS được ký kết tại San Francisco vào ngày 1/9/1951, 7 ngày trước khi Hiệp ước Mỹ-Nhật được ký kết.

Logo kỷ niệm cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ-Australia-New Zealand vào năm 1984. (Nguồn: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ)

Bất đồng và sửa đổi

Ở Mỹ, ANZUS ít được biết đến. Nhưng tại Australia và New Zealand, hiệp ước này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia suốt 70 năm qua.

Sự quan tâm tới hiệp ước này đã thay đổi theo quan điểm của công chúng vào mỗi thời điểm.

Trong thập niên 1980, sự bất đồng sâu sắc về sức mạnh hạt nhân khiến Mỹ - bên ủng hộ hạt nhân - đình chỉ cam kết liên minh với một New Zealand phản đối hạt nhân.

Căng thẳng đã lắng dịu trong giai đoạn diễn ra các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, và mối quan hệ liên minh này, bao gồm cả hợp tác an ninh, được cải thiện rõ rệt.

New Zealand và Mỹ đã ký Tuyên bố Wellington vào năm 2010, tiếp theo là Tuyên bố Washington vào năm 2012, theo đó “củng cố quan hệ quốc phòng bằng cách cung cấp khuôn khổ và hướng dẫn chiến lược cho hợp tác an ninh và đối thoại quốc phòng”.

Tuy nhiên, những bước tiến này không thể khôi phục hoàn toàn liên minh.

Trong những năm gần đây, sự tập trung đã chuyển sang nhiều khía cạnh thống nhất giữa các quốc gia, hơn là những điểm khác biệt.

Vào năm 2021, những động thái của Trung Quốc đang giúp định hình lại liên minh ANZUS. Điều này đã được thể hiện rõ trong điểm nhấn mới về quan hệ thân hữu lâu đời, nền tảng văn hóa chung và quan hệ đối tác khu vực về các vấn đề quốc phòng.

Căng thẳng mới với Trung Quốc

Cả Australia và New Zealand đều là những nước hưởng lợi về kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của cả 2 quốc gia, trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Cán cân đã thay đổi vào năm 2020 khi Australia lên tiếng kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Phản ứng rất nhanh chóng sau đó của Trung Quốc là đình chỉ các cuộc đối thoại kinh tế, nhắm vào các đòn trả đũa thương mại đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Australia.

Mặc dù vậy, giá trị xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc thực tế đã tăng 33% trong năm qua, một phần nhờ giá quặng sắt của xứ sở chuột túi tăng cao.

Dù Australia đã một lần nữa liên kết chặt chẽ với Mỹ, nhưng hai nước vẫn tồn tại một bất đồng quan trọng khác.

Các chính sách “thân thiện” với nhiên liệu hóa thạch của Australia hiện nay được cho là trái ngược với chương trình nghị sự về khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden.

Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ không gây áp lực nào, ngay cả với Australia, để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Trong khi đó, New Zealand vẫn đang cố gắng cân bằng lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ.

Căng thẳng khu vực hiện đang gia tăng nhanh chóng xung quanh các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và việc Trung Quốc làm xói mòn nhân quyền và dân chủ, chưa kể đến cách hành xử với Canberra, cũng đang thách thức các nhà lãnh đạo của New Zealand.

Chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương

Trung Quốc là lý do khiến Mỹ tăng cường sự chú ý đến Thái Bình Dương ở mức độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II.

Trong các nỗ lực liên quan, quân đội Mỹ đã công bố kế hoạch xây dựng các căn cứ mới tại 3 quốc đảo có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương.

Các quốc gia gồm Liên bang Micronesia, Cộng hòa Marshall và Cộng hòa Palau từng được Liên hợp quốc giao quyền ủy trị cho Mỹ, hiện là các quốc gia độc lập và tự do liên kết với Mỹ.

ANZUS là nền tảng trong chiến lược này của Mỹ.

Cả Australia và New Zealand đều đang tăng cường đáng kể chi tiêu quốc phòng theo những cách giúp gắn kết hơn nữa quân đội 3 nước với nhau.

Bên cạnh ANZUS, 3 nước trên còn là thành viên của thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes" (Ngũ Nhãn) có từ thời Thế chiến II.

Ngoài ra, Mỹ và Australia còn là một phần của nhóm Bộ tứ, được xây dựng dựa trên các thỏa thuận an ninh thời Chiến tranh Lạnh để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi ANZUS bước sang tuổi 70, quá khứ gắn kết sâu đậm của New Zealand, Australia và Mỹ sẽ tiếp tục giúp định hình một cách cơ bản tương lai bất định của Thái Bình Dương.

Ngày 1/9, Australia và Mỹ đã tái khẳng định cam kết đối với liên minh giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp ước ANZUS.

Do các kế hoạch kỷ niệm trực tiếp cột mốc quan trọng này đã bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19, Thủ tướng Scott Morrison đã đánh dấu sự kiện này bằng cách đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Australia - Mỹ ở thủ đô Canberra.

Trong một đoạn video đăng lên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Australia vẫn quan trọng như 70 năm trước. Ông Biden nói: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với các giá trị, chuẩn mực dân chủ, an ninh toàn cầu và sự thịnh vượng chung trong 70 năm tới và lâu hơn nữa”.

Hai nhà lãnh đạo Australia và Mỹ dự kiến sẽ tham dự một loạt sự kiện vào cuối tuần này, trong đó có một hội nghị trực tuyến ở thành phố Sydney với các bài phát biểu của hai cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard và John Howard.

*Patricia A. O’Brien là giáo sư trợ giảng tại Chương trình Nghiên cứu châu Á, Đại học Georgetown (Mỹ), giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia, và là

(theo The Conversation)