📞

8 năm trước và lời hứa thay đổi

20:00 | 10/11/2016
8 năm trước, ứng cử viên Barack Obama đã đại thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với 365/538 phiếu đại cử tri cùng  ‎69.498.516 phiếu cử tri phổ thông nhờ vào khẩu hiệu “Thay đổi, chúng ta tin như thế!” và câu hò tranh cử “Đúng thế, chúng ta có thể!”.

Lúc đó, thay đổi không chỉ là một khẩu hiệu tranh cử mà là một nhu cầu đích thực sau 8 năm dài đằng đẵng của “W” (cách gọi tắt cựu Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush) đã đưa nước Mỹ sa lầy vào những cuộc chiến tranh mới cùng gánh nợ không đáy mới sau hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Bill Clinton. Thắng lợi của Thượng nghị sĩ Obama trong cuộc bầu cử 2008 không chỉ do ý nghĩa lịch sử là thắng lợi đầu tiên của một ứng cử viên da màu, mà còn do nhu cầu thay đổi của dân Mỹ...

Nguồn: theverge.com

4 năm sau, tức năm 2012, Tổng thống Barack Obama lại chiến thắng, với ‎332 phiếu đại cử tri cùng 65.915.795 phiếu cử tri phổ thông. Đã có chút suy giảm số phiếu cử tri, cả đại cử tri lẫn cử tri quần chúng song vẫn có thể xem là thắng lớn. Dẫu sao, nhiệm kỳ hai này của Tổng thống Obama cũng đã được dân chúng Mỹ chọn một cách rõ rệt, chứ không “mông lung” như vào năm 2000. Năm đó, ứng cử viên chiến thắng là George W. Bush đã thua đến nửa triệu số phiếu phổ thông (chỉ 47.9% so với 48.4% của ứng cử viên Al Gore) song lại hơn ông Gore chỉ 4 phiếu đại cử tri (271/267) nhờ “hốt” được hết số phiếu đại cử tri của bang Florida (mà người em trai Jeb Bush đang là thống đốc) theo quy định “người thắng hốt hết” - vừa đủ để vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết!

Nói tóm lại, từ 2009 đến 2012, cử tri Mỹ đã chọn sự thay đổi. Song, sự thay đổi được kỳ vọng đó dường như đã không làm hài lòng các cử tri, ngoại trừ một điểm tốt là đạo luật Obamacare cho người nghèo (mà người giàu không thích vì phải trả thêm thuế). Bởi thế 8 năm sau – năm 2016 - cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã diễn ra không chỉ trong mỗi một ngày thứ Ba 8/11/2016, mà từ trước đó, bắt đầu bằng chính sự xuất hiện của đối thủ Donald Trump với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cùng cách phát ngôn bỗ bã, chê bai thậm tệ thành tích của tổng thống sắp mãn nhiệm Obama...

Trong một chừng mực nào đó, khi chọn khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ứng cử viên Trump đã chạm trúng vào tâm tư bực bội và bức xúc của một bộ phận cử tri Mỹ vốn quan niệm nước Mỹ trên hết/ trước hết. Muốn hay không muốn, bảng thành tích của ông Obama, mà ông Trump không ngớt chỉ trích, cũng tác động một cách “tự nhiên” đến số phiếu của bà Clinton, người cùng đảng Dân chủ với ông Obama. Chính vì thế mà ứng cử viên Trump đã không ngớt phán rằng bỏ phiếu cho bà Clinton chính là bỏ phiếu cho “sự tiếp tục 8 năm của ông Obama”! Và cũng chính vì thế mà Tổng thống Obama đã cố “trưng” ra thành tích tỉ lệ việc làm tháng 10 tạo ra là bao nhiêu, hai năm qua là bao nhiêu, rằng nay ông rất cương quyết ở Iraq với trận tái chiếm Mosul.... Song không đủ để che lấp những điểm yếu mà ông Trump đã cố “moi” ra khi so sánh ông Obama với Tổng thống Nga Putin!

Khai thác bảng thành tích của tổng thống sắp mãn nhiệm luôn là một đòn tấn công quen thuộc trong mọi cuộc tranh cử. Ngược lại, che dấu bảng thành tích đó cũng là đòn thủ thế của đảng cầm quyền hầu tránh một khả năng thất cử đang chờ đợi.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 lần này phản ánh một sự thất vọng vào lời hứa hẹn “Thay đổi” của ông Obama, một tâm tư bực dọc khi thấy đất nước không còn “vĩ đại” như trước, đặc biệt khi nay bị các đối thủ trước kia bị cho là “dưới cơ” lấn lướt. Còn tương lai sẽ như thế nào, có lật ngược được tình thế vào phút cuối, như câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” hay không, hạ hồi phân giải.