Học giả Richard Javad Heydarian, Giáo sư Khoa học Chính trị Đại học La Salle De, Philippines đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trên The Nikkei Asian Review vừa qua. Báo TG&VN xin lược dịch bài viết.
Thiện chí từ hai phía
Triều Tiên hiện đang trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân với sự tăng lên đáng kể của các cuộc thử tên lửa hạt nhân. Trong bối cảnh một số nước có xu hướng đối đầu trực tiếp với Bình Nhưỡng, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một chiến lược thay thế và hiệu quả hơn.
Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đang tập trung vào hai cách tiếp cận vừa can dự trực tiếp nhưng vừa tăng cường ngăn chặn. Seoul cũng đang công khai tìm kiếm sự trợ giúp của trung gian hay các cường quốc tầm trung, đặc biệt là ASEAN, trong việc tạo ra một giải pháp mới có hiệu quả cho cuộc khủng hoảng.
Những hành động của Triều Tiên đang khiến thế giới phải lo ngại. (Nguồn: AP) |
ASEAN có thể đóng vai trò chủ động trong việc giải quyết các vấn đề hóc búa bởi hiệp hội này đã duy trì các kênh giao tiếp với cả hai miền Triều Tiên và được coi là một bên trung gian tạo thuận lợi cho việc khôi phục đối thoại giữa các bên tranh chấp.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu được cho là hiếu chiến chống lại Triều Tiên, Tổng thống Moon đã tuyên bố vào giữa tháng Tám vừa qua rằng chỉ có Hàn Quốc mới có thể quyết định có hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên hay không và không ai có thể quyết định hành động quân sự này mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc.
Song song với đó, Tổng thống Moon đã tìm cách khôi phục "Chính sách Ánh dương" - Sunshine Policy đối với Triều Tiên. Ông Moon đã cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế để hoàn thành tầm nhìn của ông về hòa bình. Ông Moon coi ASEAN - đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc như một đối tác chiến lược quan trọng trong kế hoạch này.
Để chứng minh cam kết về mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN, Seoul đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về Quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc vào cuối tháng 8 với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Hai bên đã thảo luận về nhu cầu cần tăng cường liên kết chiến lược, kinh tế và thể chế. Hàn Quốc cũng đã khánh thành Nhà Văn hoá ASEAN tại Busan vào ngày 1/9.
Hợp tác Hàn Quốc - ASEAN được nhận định là đang có triển vọng mạnh mẽ. Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) vừa qua, các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm các vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên. Tuy nhiên, ASEAN vẫn giữ thông tin liên lạc mở với Bình Nhưỡng, giúp ASEAN có vai trò trung gian hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Điều này phản ánh thực tế rằng ASEAN duy trì quan điểm đối thoại bền vững và sự tham gia xây dựng.
Không chỉ riêng ASEAN
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một nền tảng chính để thảo luận về cấu trúc an ninh khu vực, đã từng là khuôn khổ chính cho đối thoại ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán sáu bên, bao gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga với mục tiêu thảo luận về phi hạt nhân hoá Triều Tiên, đã khiến cho tình hình trở nên cấp bách hơn và biến Diễn đàn ARF trở thành một trong số ít những diễn đàn quan trọng mà ở đó Triều Tiên tham gia những hoạt động ngoại giao với phần còn lại của thế giới.
Để giải quyết khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên cần sự phối hợp từ nhiều phía. (Nguồn: AP) |
ASEAN dường như đang “gật đầu” với trách nhiệm độc nhất này bằng một niềm tin mãnh liệt. Trong năm Philippines làm Chủ tịch, ASEAN đã tích cực thảo luận với các đối tác châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Đầu tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano đã thảo luận sâu rộng mang tính xây dựng với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Manila. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã gặp gỡ ông Ri và chân thành chia sẻ rằng Bình Nhưỡng là "một đối tác đối thoại tốt".
Đáp lại, Triều Tiên dường như cũng đánh giá cao nỗ lực của ASEAN cũng như những cố gắng khôi phục lại cuộc đối thoại giữa các bên tranh chấp. Tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Triều Tiên đã gửi Tổng thống Philippines Duterte một lá thư nhiều thông điệp, kêu gọi Chủ tịch ASEAN góp phần ngăn ngừa "sự tàn phá hạt nhân" trên bán đảo Triều Tiên và đưa ra "một đề xuất thích hợp" để giải quyết cuộc khủng hoảng. Sau đó, Tổng thống Duterte đã chủ động điện đàm với Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Phải thừa nhận rằng ASEAN vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở phía trước, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng của khu vực như vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, ASEAN khá đồng thuận, các thành viên Hiệp hội đều nhất trí về sự cần thiết phải ngăn ngừa xung đột bằng cách tạo điều kiện cho đối thoại giữa các bên.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ASEAN cần tăng cường về năng lực thể chế. Đồng thời, Hiệp hội phải tự tin khẳng định vai trò của mình trong cục diện địa chính trị khu vực và phối hợp trong các diễn đàn đa phương do mình làm trung tâm để giải quyết các vấn đề an ninh quan trọng.