📞

Australia-Trung Quốc: Phép thử

Nguyễn Nhật Linh 13:53 | 24/02/2022
Vụ việc tàu chiến của Trung Quốc chiếu laser quân sự vào máy bay tuần tra của hải quân Australia - một đồng minh của Mỹ trong khối ANZUS, Quad và AUKUS được cho là phép thử cho Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của hải quân Australia. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia)

Ngày 19/2, Bộ Quốc phòng Australia cho biết tàu chiến Type-052D của Trung Quốc đã chiếu laser quân sự vào máy bay tuần tra P-35 Poseidon của hải quân Australia đang bay trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, đồng thời cáo buộc đây là hành động không an toàn và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của phi công Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra toàn diện vụ việc này.

Ngày 21/2, Bắc Kinh cho biết cáo buộc của phía Australia là "không đúng sự thật" và cho rằng tàu của Trung Quốc hoạt động bình thường, "phù hợp với luật pháp quốc tế". Trước đó, vào năm 2019 và 2020, lần lượt Australia và Mỹ cáo buộc Trung Quốc chiếu laser vào máy bay quân sự của hai nước này tại Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Việc chiếu laser chưa vi phạm luật pháp quốc tế nhưng trong một số trường hợp, chiếu laser có thể được coi là một hành động cảnh báo mục tiêu trước khi khai hỏa tấn công.

Trong bối cảnh các nước ngoài khu vực hiện diện nhiều hơn tại các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động mang tính “đáp trả”. Ngoài ra, việc tăng cường hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã mang lại cho hải quân nước này những thiết bị quân sự có thể thực hiện các hoạt động ở mức độ cao hơn.

Vụ việc này một mặt thể hiện tầm mở rộng hoạt động của hải quân Trung Quốc, mặt khác thể hiện căng thẳng trên biển giữa Australia và Trung Quốc không chỉ còn ở khu vực Biển Đông mà còn xuống sát vùng biển gần Australia.

Vụ việc giữa Trung Quốc với đồng minh của Mỹ trong khối ANZUS, Quad và AUKUS được cho là phép thử cho Mỹ.

Về phía Australia, có ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng nước này sẽ có những biện pháp để kiểm soát vùng biển gần nhiều hơn hoặc tham gia các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) tại khu vực Biển Đông trong tương lai, điều mà cho đến nay Australia vẫn chưa tiến hành.