Chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ thành phố Vũ Hán - tâm dịch virus corona được Chính phủ giao phó cho Vietnam Airlines thực hiện. |
Sáng ngày 10/2, chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines đã hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 30 công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) về nước. Là người đã trực tiếp tham gia vào “chiến dịch” này, xin Tham tán cho biết sơ lược về công tác bảo hộ công dân của ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua, nhất là việc đưa công dân Việt Nam về nước?
Ông Nguyễn Văn Phong, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phụ trách công tác cộng đồng người Việt. |
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, từ giữa tháng 1/2020, ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh đã nhận thấy tình hình diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của công dân Việt Nam đang học tập, du lịch, thăm thân tại Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan sang Việt Nam. Đại sứ Phạm Sao Mai đã chỉ đạo các bộ phận của Đại sứ quán theo dõi sát tình hình, báo cáo hằng ngày về nước diễn biến dịch bệnh, lập đường dây nóng 24/7, liên hệ chặt chẽ với các Tổng Lãnh sự quán và các Chi bộ, Hội Lưu học sinh Việt Nam tại các tỉnh, thành của Trung Quốc để rà soát và kịp thời có hỗ trợ cần thiết cho công dân, lưu học sinh đang ở tại Trung Quốc.
Rất may là hầu hết lưu học sinh Việt Nam đã về nước nghỉ Tết và số lượng công dân đi du lịch, thăm thân tại Trung Quốc cũng không quá lớn. Tuy nhiên, tại tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, giao thông bị phong tỏa hoàn toàn, tâm lý lo lắng của công dân Việt Nam ngày càng tăng lên. Sau khi tiến hành các biện pháp động viên tinh thần và hỗ trợ phần nào từ Quỹ bảo hộ công dân, Đại sứ quán đã kiến nghị Chính phủ phương án di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Hồ Bắc.
Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan hết sức quan tâm đến công dân Việt Nam đang ở tại Trung Quốc và đã chỉ đạo thực hiện chuyến bay riêng đưa công dân ta tại Hồ Bắc về nước, kết hợp vận chuyển vật tư y tế Chính phủ ta viện trợ cho Trung Quốc. Đại sứ quán đã khẩn trương liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc và các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thủ tục, xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để đưa công dân Việt Nam về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp sở tại.
Hơn 1h sáng ngày 10/2, chuyến bay mang số hiệu HVN68 của Vietnam Airlines đã hạ cánh tại sân bay Thiên Hà (thành phố Vũ Hán) mang theo hàng viện trợ của Việt Nam và chở 11 công dân Trung Quốc về Hồ Bắc. Đến 3h50 phút cùng ngày, máy bay HVN68 rời Vũ Hán, đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Hồ Bắc về nước (bao gồm 20 lưu học sinh cùng người nhà và 10 công dân đi du lịch thăm thân, trong số đó có 4 trẻ em và 1 phụ nữ mang thai 8 tháng), thực hiện thành công toàn bộ kế hoạch đề ra. Để hỗ trợ công dân khi về đến Việt Nam, Đại sứ quán đã có nhiều Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để thu xếp tốt việc tiếp nhận, cách ly và chăm sóc đối với công dân Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được biết toàn bộ 30 công dân và phi hành đoàn, tổ y tế đã về nước an toàn và đều đang mạnh khỏe.
Các công dân Việt Nam vui mừng trở về quê hương sau những ngày dài thấp thỏm, âu lo tại Vũ Hán và gửi lời cảm ơn đến Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao... đã giúp họ có mặt trên chuyến bay trở về quê hương này. |
Xin ông cho biết một số khó khăn trong quá trình đưa công dân về từ Hồ Bắc lần này?
Trước khi nói về các khó khăn, tôi xin khẳng định là chúng ta có những thuận lợi rất căn bản, trước hết là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Vietnam Airlines đối với công dân ta tại khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh lần này. Bên cạnh đó là sự đoàn kết, chia sẻ của chính những công dân, lưu học sinh Việt Nam và tiếp nữa là thiện chí, sự phối hợp của các cơ quan chức năng của Trung Quốc và tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp không ít khó khăn rất lớn, có thể kể đến là:
Trước hết, chúng ta phải chạy đua với thời gian. Sau khi đánh giá dịch bệnh là nghiêm trọng và đưa ra quyết định đưa công dân về nước, ta phải thực hiện việc này càng sớm càng tốt. Đồng thời, việc vận chuyển kịp thời vật tư y tế để viện trợ cho nước bạn càng kịp thời, nhanh chóng bao nhiêu thì ý nghĩa càng thiết thực bấy nhiêu. Có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cũng như các cơ quan trong nước đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian rất ngắn.
Thứ hai, thử thách lớn nhất vẫn là có được giấy phép bay. Sân bay Vũ Hán khi đó ưu tiên cao nhất các chuyến bay chở y, bác sỹ và vật tư y tế chi viện cho tỉnh Hồ Bắc. Do vậy, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan của Trung Quốc không thể bảo đảm khi nào giấy phép bay sẽ được thông qua. Rất nhiều chuyến bay của các nước đến đón công dân đã phải hoãn, hủy, thay đổi kế hoạch. Giấy phép bay của Việt Nam cũng chỉ được thông qua 3 giờ đồng hồ trước khi máy bay cất cánh tại sân bay Nội Bài.
Thứ ba, tỉnh Hồ Bắc có diện tích rất rộng và đang nằm trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, công dân của Việt Nam phân tán, di chuyển đến sân bay gặp nhiều khó khăn. Đại sứ quán đã huy động toàn bộ cán bộ Đại sứ quán, giao từng người phụ trách từng công dân, xử lý từng khó khăn cụ thể khi di chuyển.
Trong số các công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Hồ Bắc, có 6 người di chuyển từ các địa phương khác nhau, có nơi cách Vũ Hán gần 400 km, để đến được Vũ Hán phải đi qua nhiều chốt phong tỏa. Không chỉ khắc phục, hỗ trợ bà con về thủ tục đi lại, việc tính toán làm sao để những người từ các địa điểm khác nhau đến tập kết cùng một thời điểm cũng là một thách thức lớn.
Một số khó khăn khác là có công dân Việt Nam cần chăm sóc đặc biệt như thai phụ trên 8 tháng, trẻ nhỏ; tại sân bay Vũ Hán công dân ta cần qua rất nhiều thủ tục, kiểm duyệt…
Kết quả đáng mừng là, không một công dân nào có nguyện vọng về nước đợt này bị kẹt lại vì các khó khăn phát sinh. Chúng ta đã vượt qua tất cả mọi khó khăn đó để có một chuyến bay thuận lợi với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Đại sứ Phạm Sao Mai (ngoài cùng bên trái), Tham tán Nguyễn Văn Phong (thứ tư từ phải) cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc họp bàn kế hoạch đưa công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. |
Vậy tình hình công dân Việt Nam còn ở tại Trung Quốc và Hồ Bắc hiện nay là như thế nào, thưa ông?
Ở thời điểm đầu tháng 2/2020, khi Chính phủ có kế hoạch đưa máy bay chở công dân về nước kết hợp vận chuyển vật tư y tế viện trợ cho Trung Quốc, có 26 lưu học sinh cùng người nhà và 60 công dân Việt Nam du lịch, thăm thân tại Hồ Bắc đã liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán. Trong số 26 lưu học sinh và người nhà đã có 20 người về trên chuyến bay ngày 10/2, 6 người đến nay vẫn tự nguyện ở lại Vũ Hán vì lý do cá nhân. Trong số 60 công dân thì có 16 người có đơn nguyện vọng về nước nhưng cuối cùng chỉ còn 10 người xác nhận. Toàn bộ 10 công dân này cũng đều đã lên máy bay về nước.
Một số bà con ban đầu có nguyện vọng về nước nhưng sau xin rút vì nhiều lý do, có người vì nơi ở cách sân bay Vũ Hán quá xa (trên 600 km), những khu vực này cũng chưa phải tâm điểm của vùng dịch, có người vì vướng chồng, con là người Trung Quốc hoặc nước ngoài, chính quyền sở tại chưa cho di chuyển khỏi tỉnh Hồ Bắc. Theo tổng hợp mới nhất, đến nay Đại sứ quán đang duy trì liên hệ trực tiếp với 470 công dân Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó tại Hồ Bắc có 83 người.
Chúng tôi xác định, công tác hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho công dân còn lại của ta tại Trung Quốc là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, việc hỗ trợ 30 công dân ta về nước vừa qua chỉ là hoàn thành một nhiệm vụ mang tính giai đoạn, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc luôn duy trì liên hệ chặt chẽ với công dân và lưu học sinh. Hiện nay, sức khỏe và đời sống của bà con ta đều ổn định.
Tuy nhiên, gần đây công tác phòng chống dịch ở vào giai đoạn quyết liệt, chính quyền sở tại tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại, kể cả với người Trung Quốc hay người nước ngoài để phát huy xu thế tích cực của công tác phòng chống dịch bệnh, một số bà con còn ở tại Hồ Bắc tỏ ra lo ngại và tiếp tục liên hệ với Đại sứ quán; một số người trước đây không có nguyện vọng về hoặc đã đăng ký nhưng xin rút nay lại bày tỏ mong muốn được về nước.
Việc hỗ trợ 30 công dân ta về nước ngày 10/2 chỉ là hoàn thành một nhiệm vụ mang tính giai đoạn, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. |
Xuất phát từ tình hình thực tế và sau khi trao đổi với các cơ quan của sở tại, Đại sứ quán đã thông tin cho bà con về những dấu hiệu khả quan của công tác kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các biện pháp hạn chế đi lại của chính quyền sở tại để tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc lây lan cho người khác; khẳng định trước mắt chưa thể thực hiện được việc di chuyển bằng đường bộ từ Hồ Bắc đến cửa khẩu biên giới Việt - Trung cũng như có thêm chuyến bay do các quy định chặt chẽ của sở tại; động viên bà con kiên nhẫn, tránh hoang mang, thực hiện tốt các biện pháp cách ly, phòng chống dịch bệnh, thông tin thường xuyên cho Đại sứ quán về tình hình sức khỏe và đời sống; khi chính quyền địa phương nới lỏng việc hạn chế đi lại, Đại sứ quán sẽ kịp thời thông báo cho bà con.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là: +86 13120363638; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải là: +86 13661537498; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh là: +86 13099948529; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh là: +86 18587897059; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu là: +86 13247675268; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong là: +85 225914510; hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: +84 981 848484. |