Việt Nam có mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả, nhưng bị thế giới phần nào lãng quên. (Nguồn: Reuters) |
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có ba nơi được truyền thông quốc tế ca ngợi về khả năng dập dịch hiệu quả. Đầu tiên đó là Hàn Quốc, quốc gia 52 triệu dân và tính đến ngày 25/4 ghi nhận 10.718 ca mắc và 240 ca tử vong. Tiếp theo, câu chuyện của Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông vì mối quan hệ “gai góc” với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng số lượng các ca nhiễm của Đài Loan còn thấp hơn cả Hàn Quốc.
Cuối cùng là Singapore, với dân số 5,5 triệu người và ghi nhận 12.075 ca mắc nhưng chỉ có 12 ca tử vong. “Đảo quốc sư tử” được coi là hình mẫu phòng chống dịch của thế giới cho đến tuần trước, khi số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới bùng phát với tốc độ chưa từng thấy. Bộ Y tế Singapore cho biết phần lớn những ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống trong các nhà ở tập thể, chiếm hơn 3/4 trong tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này. Sự thiếu sót rõ ràng trong danh sách này chính là Việt Nam.
Hình mẫu chống dịch hiệu quả
Có thể nói, Việt Nam đang có mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay. Gần 3 tháng kể từ khi phát hiện ra ca mắc bệnh đầu tiên (ngày 23/1), đến nay, Việt Nam ghi nhận 270 ca nhiễm Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử vong. Đó là con số rất ấn tượng khi Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch và dân số của Việt Nam là 95 triệu người, lớn hơn cả Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại.
Thế nhưng, theo tờ The Nation, Việt Nam lại không nhận được nhiều sự chú ý từ truyền thông Mỹ. Nếu lấy tờ New York Times làm chuẩn, ngoài việc cập nhật những thông tin từ hãng thông tấn Reuters, tờ báo nổi tiếng của Mỹ chỉ đưa duy nhất một bài báo về ảnh hưởng của Covid-19 lên ngành thời trang cách đây 6 tuần.
Bài báo trên tập trung nói về bệnh nhân số 17, một nữ công dân 27 tuổi đã tham dự một sự kiện thời trang của Gucci ở Milan và của St.Laurent ở Paris cuối tháng 2, sau đó đã khai báo không trung thực để không phải cách ly tập trung. Hành vi của cô gái này đã bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội, lên án và nhiều ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật cũng như chính sách nhân đạo của Việt Nam, việc điều trị bệnh, cứu chữa cho bệnh nhân được ưu tiên hàng đầu, quan trọng.
Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Phản ứng nhờ kinh nghiệm
Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam đã có sự khởi đầu về tâm lý mạnh mẽ. Năm 2003, quốc gia này đã ghi nhận một trong những ca nhiễm dịch SARS sớm nhất thế giới và được cộng đồng y tế quốc tế khen ngợi vì công tác dập dịch thành công và nhanh chóng. Với Covid-19, Việt Nam cũng đã đặt cảnh giác cao hơn hầu hết các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Cách tiếp cận của Việt Nam không dựa trên xét nghiệm hàng loạt mà theo The Nation khác phản ứng hoảng loạn và không thỏa đáng của Mỹ và các nước phương Tây. Việt Nam thực hiện phương pháp này là một chiến lược phòng ngừa có chủ ý để giảm thiểu các ca nhiễm mới.
Ngoài ra, việc tính tỷ lệ xét nghiệm/dân số cũng không thể hiện điều gì. Điều mà chúng ta nên quan tâm là tỷ lệ xét nghiệm/số lượng ca nhiễm và tỷ lệ đó ở Việt Nam cao hơn gần 5 lần so với bất kỳ các quốc gia nào khác (đến nay, Việt Nam thực hiện khoảng hơn 200.000 xét nghiệm Covid-19). Sau xét nghiệm, Việt Nam cũng theo dõi dịch tễ và cách ly nghiêm ngặt đối với những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh và nhanh chóng tạo cơ sở dữ liệu theo thời gian thực cùng với 2 ứng dụng khai báo y tế.
Tất cả điều này được hỗ trợ bởi sự huy động hàng loạt của quân đội, công an, hệ thống y tế và công chức. Cùng với đó là một chiến dịch giáo dục cộng đồng năng động và sáng tạo bao gồm phim hoạt hình, mạng xã hội và bức tranh cổ động theo phong cách truyền thống,...
Không những vậy, Việt Nam đã rất minh bạch và thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh cho người dân và quốc tế. Theo ông Todd Pollack, giáo sư tại Trường Y Harvard, người chỉ đạo chương trình Đối tác vì Sự tiến bộ Y tế tại Hà Nội nhận định: “Phản ứng của Việt Nam rất nhanh và quyết đoán. Nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với báo cáo chính thức, chúng tôi sẽ các chuyến thăm phòng cấp cứu và nhập viện gia tăng bất thường. Nhưng chúng tôi không hề thấy điều đó xảy ra.”
Tờ The Nation nhận xét, do sự huy động hàng loạt tất cả các nguồn lực, không gì lạ khi chính phủ gọi chiến dịch chống dịch Covid-19 là “Cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 2020”, ý liên tưởng đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trong chiến tranh chống Mỹ, với việc truy cùng đuổi tận virus nguy hiểm này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng trao quà gồm 50.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ gửi Văn phòng Nhà trắng. |
Tâm thế luôn luôn sẵn sàng
Vậy điều tiếp theo với Việt Nam là gì? Điều đáng chú ý là trong suốt hơn 1 tuần kể từ ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Đương nhiên, điều này sẽ không kéo dài bởi ngày 24/4 đã có 2 ca nhiễm mới nhưng là người từ nước ngoài trở về và được đưa đi cách ly tập trung từ đầu.
Sớm muộn gì Việt Nam cũng phải mở cửa lại nền kinh tế, vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa các sân bay vào hoạt động trở lại. Các biện pháp giãn cách xã hội được kéo dài thêm 1 tuần, nhưng được nới lỏng hơn.
Tuy nhiên, những gì Việt Nam đã đạt được trong ba tháng đầu tiên chống dịch nhằm mua thời gian quý giá và đã sử dụng khoảng thời gian đó rất tốt. Việt Nam sản xuất và vận chuyển 450.000 bộ hazmat của Dupont sang cho Mỹ, trao tặng 550.000 khẩu trang cho các nước bị ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu, 730.000 chiếc cho các nước láng giềng là Lào và Campuchia và trao tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Với ngành công nghiệp may mặc, một trong những nền tảng chính của nền kinh tế, Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất trong nước lên 7 triệu khẩu trang vải mới và 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày. Tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup hứa sẽ sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng.
Nhằm chuẩn bị cho những tình huống không ngờ tới, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cho biết 1 bệnh viện ở gần TP. Hồ Chí Minh mới được mở và được trang bị 10 phòng cách ly áp lực âm. Cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập thêm 200.000 bộ xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc và cũng đã tự sản xuất được bộ kit của riêng mình và mới được WHO chấp thuận.
Vì vậy, nếu làn sóng nhiễm bệnh thứ 2 ập tới, Việt Nam chắc chắn có nhiều khả năng tiếp tục dập tắt nó như lần đầu tiên. Thành công phi thường của quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ đem lại nhiều bài học cho các quốc gia khác, có thể với một số, đã là quá muộn.