Ngày hôm nay (29/9), bầu cử Chủ tịch LDP sẽ đi đến hồi kết. Trong bối cảnh liên minh cầm quyền giữa đảng LDP và Komeito kiểm soát Hạ viện, người chiến thắng với đa số phiếu sẽ thay ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng vào ngày 4/10 và lãnh đạo chính phủ, ít nhất là tới bầu cử toàn quốc tháng 11.
Điều này khiến cuộc bầu cử trên nhận được công chúng và giới quan sát đặc biệt quan tâm.
Ông Kono Taro (trái) và ông Kishida Fumio là hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch đảng LDP. (Nguồn: Reuters) |
Cạnh tranh từng lá phiếu
Trước hết, bầu cử nội bộ LDP chứng kiến cạnh tranh quyết liệt giữa hai cựu Ngoại trưởng kỳ cựu.
Là con trai cựu Chánh Văn phòng Chính phủ Kono Yohei và tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ), với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, ông Kono Taro, 58 tuổi từng giữ nhiều cương vị quan trọng như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng. Hiện ông là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Covid-19 của Nhật Bản.
Với tính cách hòa đồng, bộc trực và thường xuyên tương tác trên mạng xã hội, ông Kono nhận được sự ủng hộ lớn từ giới trẻ Nhật Bản. Tài khoản Twitter của ông có hơn 2,3 triệu lượt người theo dõi.
Cựu thành viên LDP, nhà nghiên cứu chính trị Atsuo Ito nhận định: “Khi bầu cử toàn quốc tới gần, đảng có xu hướng lựa chọn người có hình ảnh tốt với công chúng, đặc biệt là với giới trẻ của LDP”.
Trong khi đó, tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng và cũng từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, ông Kishida Fumio lại được biết đến với nỗ lực xây dựng quan hệ với Nga bằng rượu sake cùng vodka hay đàm phán vấn đề “phụ nữ mua vui” với Hàn Quốc năm 2015.
Khác với đối thủ cạnh tranh, chính trị gia 64 tuổi là người điềm đạm và không phải nhân vật của công chúng.
Hiện cuộc đua giữa hai nhân vật này vẫn hết sức gay cấn.
Theo thể lệ bầu cử, tổng số phiếu bầu là 764, một nửa từ nghị sĩ và nửa còn lại từ đảng viên thông thường. Trong 382 lá phiếu ban đầu, ông Kishida dự kiến được hơn 30% ủng hộ, còn ông Kono là 25%. Tuy nhiên, khi tính số phiếu bầu của đảng viên thông thường, ông Kono lại là người chiếm ưu thế.
Nếu không ai giành đủ đa số trong vòng 1, cuộc bầu cử sẽ bước sang vòng 2, nơi sự lựa chọn nằm trong tay các nghị sĩ LDP. Đây rõ ràng là một lợi thế cho ông Kishida.
Nguời kế nhiệm ông Suga sẽ có nhiều việc phải làm để đưa Nhật Bản tăng trưởng nhanh trở lại sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFS) |
Những bài toán khó
Dù ai trở thành Chủ tịch LDP và theo đó, tiếp quản vị trí Thủ tướng, người đó đều phải đương đầu với hàng loạt vấn đề đối nội, đối ngoại đầy thách thức.
Đầu tiên, đó là hàn gắn bất đồng, củng cố nội bộ đảng.
Trang Nishin Nippon cho rằng ông Suga Yoshihide chỉ từ bỏ tranh cử Chủ tịch LDP sau khi đánh mất sự ủng hộ từ người tiền nhiệm Abe Shinzo và Phó Thủ tướng Aso Taro, lãnh đạo hai trường phái lớn trong đảng.
Khác biệt giữa các trường phái này thể hiện rõ nét hơn qua tỷ lệ ủng hộ sít sao cho hai ứng cử viên hàng đầu, với phong cách và quan điểm đối lập. Trong bối cảnh đó, tân Chủ tịch LDP cần đoàn kết nội bộ, vì tương lai đảng và vị trí lãnh đạo của mình.
Thứ hai, về đối nội, Nhật Bản cần thận trọng kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Sau nhiều nỗ lực của Tokyo, số ca mắc Covid-19 đã giảm từ 25.000 ca hồi tháng 8 xuống 1.128 ca ngày 27/9. Tỷ lệ tiêm đủ vaccine Covid-19 ở xứ sở hoa anh đào là 58%.
Ngày 28/9, Thủ tướng Suga Yoshihide tuyên bố sẽ không kéo dài hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người sau ngày 30/9.
Một lý do khiến tỷ lệ ủng hộ ông Suga giảm mạnh là cách phản ứng của Tokyo với đại dịch.
Vài tháng trước, khi chưa kiểm soát tình hình, Nhật Bản đã sớm nới lỏng biện pháp phòng dịch, để rồi phải áp đặt trở lại lúc số ca nhiễm tăng mạnh, gây khó khăn cho người dân. Đây là điều người kế nhiệm ông Suga không mong muốn.
Điều quan trọng không kém với Nhật Bản lúc này là hồi phục sau đại dịch. Hai cựu Ngoại trưởng đều cho rằng cần giảm nợ công, thúc đẩy tăng trưởng. Họ cũng nhận định Abenomics không còn phù hợp và Nhật Bản cần chính sách phát triển mới, song cả ông Kono lẫn ông Kishida chưa cho thấy phương án của mình.
Hiện nợ công của Nhật Bản năm tài khóa 2020 đạt 11.032 tỷ USD, tương đương 88.100 USD/người, cao nhất trong số các nước phát triển.
Tốc độ hồi phục kinh tế vẫn ở mức chậm so với nhiều nước khác: Tăng trưởng GDP tháng 4-6 của Nhật Bản đạt 1,9%, song chưa thể bù đắp mức giảm tới 4% hai tháng trước đó.
Tokyo cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn riêng về đối ngoại, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Đây là lĩnh vực cả hai cựu Ngoại trưởng Kono Taro lẫn Kishida Fumio không còn xa lạ. |
Thứ ba, nhà lãnh đạo mới cần định hình vị thế của Nhật Bản, với chính sách đối ngoại rõ nét hơn.
Tiếp nhận chức Thủ tướng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, ông Suga không để lại dấu ấn đối ngoại như người tiền nhiệm Abe Shinzo trong hơn một năm cầm quyền.
Hầu hết động thái của Tokyo, dù là ủng hộ lập trường của Washington hay phản ứng trước thay đổi chính sách của Trung Quốc, không chủ động hay dựa trên chiến lược hay tầm nhìn cụ thể nào.
Khi đó, một mặt, người kế nhiệm ông Suga cần củng cố vị thế Nhật Bản như cường quốc quan trọng trong chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặt khác, Tokyo cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn riêng về đối ngoại, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
May mắn thay, đây là lĩnh vực cả hai cựu Ngoại trưởng Kono Taro lẫn Kishida Fumio không còn xa lạ.
Song kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế hay xây dựng vị thế đều đòi hỏi tân Chủ tịch đảng LDP giữ ghế Thủ tướng với một liên minh mạnh tại Hạ viện sau bầu cử toàn quốc.
Cuộc bỏ phiếu ngày 29/9 có thể là bài kiểm tra đầu tiên, song chắc chắn không phải cuối cùng dành cho người chiến thắng.
| Bầu cử Chủ tịch đảng LDP: Nhật Bản sắp có Thủ tướng mới, quan hệ Tokyo-Seoul sẽ đi về đâu? Cả hai ứng cử viên nặng ký cho cuộc đua giành chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản - Bộ trưởng phụ trách vaccine Taro Kono ... |
| Vụ Triều Tiên thử tên lửa: Mỹ nói vi phạm, Hàn Quốc họp khẩn, Nhật Bản lo ngại Trong phản ứng sau vụ Triều Tiên phóng vật thể không xác định ra biển Nhật Bản sáng 28/9, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên ... |