📞

Bầu cử Iran: Phép thử cho tương lai

15:10 | 26/02/2016
Hôm nay (26/2), cử tri Iran sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia nước này. 
Cử tri Iran trong cuộc mít tinh trước thềm ngày bỏ phiếu Quốc hội. (Nguồn: ibtimes)

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới và được cho là phép thử đối với phe cấp tiến của Tổng thống Hassan Rouhani.

Sự kiện lịch sử

Hàng nghìn ứng cử viên sẽ tham gia cuộc đua giành 290 ghế trong Quốc hội Iran. Ngoài chức năng thông qua các dự luật, các hiệp ước quốc tế cũng như dự thảo ngân sách, Quốc hội Iran có quyền luận tội Tổng thống và bãi nhiệm các Bộ trưởng Nội các thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Song song với bầu cử Quốc hội Iran là cuộc bầu cử Hội đồng Chuyên gia. 166 ứng cử viên sẽ tranh cử cho 88 ghế của Hội đồng Chuyên gia. Cơ quan này được bầu 8 năm/lần, có nhiệm vụ bầu chọn và bãi nhiệm Đại Giáo chủ cũng như giám sát hoạt động của lãnh tụ tinh thần Iran.

Cử tri Iran sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại hơn 52.000 khu vực bầu cử với hơn 120.000 điểm bỏ phiếu để bầu chọn đại diện của mình trong Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia. Hơn 500 phóng viên quốc tế đến từ 29 quốc gia tham gia đưa tin về các cuộc bầu cử này.

Diễn ra vào thời điểm quan trọng sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) vào tháng 7/2015, cuộc bầu cử tại Iran lần này được kì vọng sẽ lựa chọn ra Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia mới, giúp định hình tương lai của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong ít nhất một thập kỷ tới.

Phản ánh cán cân quyền lực chính trị

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng cuộc tranh cử lần này đã bị thao túng bởi những kẻ đã thực hiện âm mưu loại bỏ những ứng viên họ không mong muốn, tạo điều kiện cho các ứng viên được Lãnh tụ Tối cao Khamenei ủng hộ cạnh tranh lẫn nhau.

Theo ông Ali Alfoneh, một chuyên gia về Iran, kể từ sau khi Iran đạt được thoả thuận hạt nhân, ông Khamenei đã tiến hành những nỗ lực to lớn nhằm đảm bảo duy trì cách mạng. Việc các lệnh cấm vận được dỡ bỏ đã giúp cho lãnh tụ tối cao không còn cần tới Tổng thống Hassan Rouhani và giới kỹ trị cao cấp Iran nữa.

Điều đó lý giải vì sao phần lớn ứng viên theo phe của ông Rouhani đã bị gạt bỏ trong quá trình chuẩn bị cho bầu cử. Các tiêu chí để xem xét tư cách của một ứng viên cũng không rõ ràng. Ngoài ra, ông Alfoneh còn khẳng định cuộc bầu cử lần này sẽ bị chi phối bởi các ứng viên ủng hộ lực lượng Vệ binh Cộng hoà đang bảo vệ chế độ.

Còn ông Raz Zimmt, nhà nghiên cứu của Trung tâm Đồng minh trường Đại học Tel Aviv, lại cho rằng khía cạnh quan trọng nhất của cuộc bầu cử Iran tới đây ở chỗ nó là phép thử đối với tương lai và khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự của Chính phủ Rouhani. Bởi Quốc hội Iran không có ảnh hưởng gì tới chính sách đối ngoại của nước này nên cuộc bầu cử không có tầm quan trọng lớn, mặc dù vậy, nó sẽ phản ánh cán cân quyền lực chính trị hiện nay ở Iran.

Nền chính trị Iran hiện đang có sự hiện diện của 3 phe: phe bảo thủ, phe nền tảng và phe cải cách. Cả phe bảo thủ và phe nền tảng đều ủng hộ ý tưởng cách mạng và tuyệt đối trung thành với chế độ. Một nhóm trong phe bảo thủ ủng hộ việc có quan hệ hạn chế với phương Tây và cải cách một phần nền chính trị trong nước.

Phe nền tảng thì có hệ tư tưởng gần với những kẻ “diều hâu” hơn, phe này xem phương Tây là kẻ thù hàng đầu và tìm cách xây dựng xã hội Hồi giáo chính thống, loại bỏ mọi ảnh hưởng của phương Tây.

Phe cải cách thì chủ trương thúc đẩy quan hệ với phương Tây thông qua cải cách các chính sách đối ngoại và kinh tế. Họ cũng tìm cách tăng thêm quyền tự do trong các chính sách đối nội và văn hoá của Iran.

(theo Jerusalem Post và Haaretz)