📞

Bầu cử Mỹ: Mông lung cuộc chiến Tổng thống - truyền thông

Phan Quân 13:45 | 09/09/2020
TGVN. Điều mắt thấy, tai nghe từ các kênh truyền thông lớn ở Mỹ liệu đã phản ánh đúng thực trạng cuộc bầu cử Tổng thống nóng lên từng ngày tại Washington? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump tham dự một cuộc họp báo với giới truyền thông tại Nhà Trắng ngày 11/8. (Nguồn: AP)

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ sắp điểm. Đó cũng là lúc Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, những cuộc chiến đeo đuổi ông, từ đối đầu với đảng Dân chủ, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, những cựu quan chức và nhân viên dưới quyền như ông John Bolton, Michael Cohen hay tranh cãi về pháp lý xung quanh tờ khai thuế, xâm hại tình dục…thì chưa. Và có lẽ, cuộc chiến giữa ông chủ Nhà Trắng và giới truyền thông đại chúng tại Mỹ là dai dẳng hơn cả.

Ngay từ trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã gọi các kênh truyền thông lớn tại Mỹ như CNN, New York Times, The Washington Post… là “tin giả”. Khi đắc cử Tổng thống, ông đã nhiều lần chỉ đạo cấm cửa một số phóng viên từ các đài này tới họp báo. Những kênh truyền thông được “điểm mặt chỉ tên” cũng chẳng ngại đáp trả bằng một loạt bài xoáy sâu vào chính sách của Nhà Trắng, khai thác triệt để đời tư cá nhân trước và trong thời gian ông Trump làm Tổng thống.

Tuy nhiên, chiến tranh không có kẻ thắng, chỉ có người thua. Cuộc đối đầu giữa ông chủ Nhà Trắng và giới truyền thông Mỹ cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Người chịu thiệt hại đầu tiên, không ai khác chính là đương kim Tổng thống. Truyền thông đại chúng là một trong những cầu nối hữu hiệu giữa các cử tri và chính giới Washing. Khi cây cầu đó đứt gãy, mọi chuyện khó có thể tốt đẹp. Ông Trump đã gây chiến với giới truyền thông từ đầu nhiệm kỳ và khi bầu cử đang tới gần, hệ quả mà ông phải gánh chịu từ cuộc chiến ấy ngày một rõ.

Cử tri Mỹ, mong muốn tìm kiếm thông tin hữu ích để đưa ra lựa chọn cho cuộc bầu cử sắp tới thông qua công cụ tìm kiếm Google, sẽ chỉ thấy nhiều cái tên quen thuộc như CNN, New York Times, The Washington Post, Vox, với hàng loạt bài nhấn mạnh khoảng cách tỷ lệ ủng hộ giữa ông Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Ứng cử viên Joe Biden

Nhiều người sẽ thắc mắc: “Vậy ông Joe Biden có phải là người hưởng lợi từ cuộc chiến giữa giới truyền thông và ông Donald Trump?” Câu trả lời là không hẳn, mặc dù kể từ khi tham gia tranh cử Tổng thống, tần suất xuất hiện của ông Biden trên truyền thông đại chúng Mỹ tăng mạnh.

Nếu truy cập vào CNN ngày 8/9, người ta sẽ thấy một loạt bài tấn công ông Trump như tuyên bố vô căn cứ về ông Biden trong chiến dịch tranh cử, thị trường chứng khoán ảm đạm hay chỉ trích của một vị tướng về hưu dành cho đương kim Tổng thống. Tất cả thông tin này tạo cảm giác không tốt cho người đọc.

Trong khi đó, những bài báo đề cập ông Joe Biden thường mang giọng điệu tích cực, phần nào phóng đại ưu thế về tỷ lệ ủng hộ của ông so với đương kim Tổng thống Donald Trump, hay chính sách thu hút cử tri ở “hai mặt trận” của ông Biden như trong một bài báo ngày 8/9, dù bản thân sự chênh lệnh này không còn nhiều, đang dần thu hẹp và có thể bị đảo ngược vào bầu cử tháng 11 tới. Quan trọng hơn, điều này có thể tạo ra “cảm giác an toàn giả tạo” đối với đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden, một trong các yếu tố làm nên thất bại của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton năm 2016.

Một bài báo trên trang CNN ngày 8/9 về bầu cử Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Chụp màn hình)

Giới truyền thông Mỹ

Tuy nhiên, điều này cũng mang đến hệ quả không mong muốn với giới truyền thông Mỹ. Vai trò của truyền thông đại chúng trước thềm bầu cử là cung cấp thông tin trung thực, giúp cử tri xây dựng đánh giá, góc nhìn tổng thể về hai ứng cử viên, qua đó tìm kiếm sự lựa chọn phù hợp. Nếu ai đã từng xem bộ phim The Post (2017), chắc hẳn sẽ khó quên cách tờ The Washington Post, dưới Tổng biên tập nữ đầu tiên Katherine Graham và New York Times, dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập kỳ cựu Ben Bradlee đã đóng vai trò then chốt ra sao trong tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc về vai trò của Mỹ tại Đông Nam Á, cũng như phanh phui vụ Watergate, bất chấp áp lực từ Nhà Trắng, qua đó tác động đáng kể tới kết quả cuộc bầu cử Mỹ ngay sau đó.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, ngay cả hai tờ báo này cũng đang sa đà vào chỉ trích ông Trump, nhấn mạnh chậm trễ của Nhà Trắng trong xử lý đại dịch Covid-19 hay thông tin sai lệch về Hydrochloroquine, xoáy vào câu chuyện khai thuế hay đời tư của Tổng thống. Ngược lại, những thành tựu mà ông chủ Nhà Trắng đạt được trong 4 năm qua, dù là kinh tế hay chính trị, lại không được nhắc đến nhiều. Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến tính khách quan, toàn cảnh của truyền thông Mỹ về lâu dài.

Cử tri Mỹ

Quan trọng hơn, cuộc chiến giữa giới truyền thông và ông Donald Trump sẽ tác động tiêu cực tới quyết định của cử tri Mỹ. Như đã đề cập, truyền thông đại chúng là một trong những cầu nối hữu hiệu kết nối các cử tri với chính giới. Chọn lọc thông tin là bài toán khó với các quốc gia trong kỷ nguyên thông tin, công nghệ số hiện nay và tại Mỹ, vấn đề này đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Việc lạc giữa ma trận những chỉ trích, tâng bốc, trong khi thiếu vắng các thông tin khách quan, mang tính toàn cảnh sẽ khiến cho cử tri Mỹ phân vân trong lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo. Vì thế, tương lai của xứ cờ hoa sau tháng 11 tới sẽ ngày càng khó đoán định hơn.