Liên minh chính trị do đảng Fdl của bà Giorgia Meloni được đánh giá có khả năng cao giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Italy ngày 25/9. (Nguồn: Getty Images) |
Từ nhiều năm nay, Thụy Điển được xem là “ngoại lệ” khi các chính đảng truyền thống luôn thành công trong việc ngăn chặn các lực lượng cực hữu lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc bầu cử hôm 11/9 đã đặt dấu chấm hết cho ngoại lệ đó.
Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) cực hữu đang đứng trước cơ hội lớn để điều hành quốc gia Bắc Âu này trong bốn năm tới. Dù chỉ chiếm 20,6% phiếu so với 30% của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, song liên minh do SD dẫn dắt với sự góp mặt của đảng Trung hữu (Moderate), Dân chủ Thiên chúa giáo (CD) và đảng Tự do (Liberal) có thể chiếm đa số tại nghị viện.
Tuy nhiên, sự đột phá của đảng cực hữu SD tại Thụy Điển không phải là biến động duy nhất trên chính trường các nước châu Âu trong thời điểm này.
Sau khi Tổng thống Italy Sergio Mattarella giải thể nghị viện ngày 21/7, mọi sự chú ý tại Rome được dành cho bầu cử ngày 25/9. Hiện “liên minh trung hữu” gồm đảng cánh hữu Forza Italy của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cùng hai đảng cực hữu là Liên đoàn phương Bắc của cựu Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini và đảng Fratelli d’Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni đang chiếm ưu thế.
Nghiên cứu của Viện Cattaneo (Italy) cho thấy liên minh này có thể chiếm ít nhất 258/400 ghế tại hạ viện và có 91,5% xác suất giành đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ mới. Còn theo Viện Ipsos (Pháp), đảng FdI sẽ chiếm nhiều phiếu nhất (25,1 %), vượt qua đảng PD (20,5 %) và Phong trào năm sao (14,5%).
Có hai điểm tương đồng rõ nét trong chiến thắng của SD và FdI.
Trước hết, cả SD và FdI đều xuất thân từ các đảng cực hữu, vốn ở bên lề của sân khấu chính trị. SD dần có chỗ đứng tại Stockholm khi chuyển sang lập trường bảo thủ, bảo vệ các truyền thống văn hoá dân tộc. Năm 2005, ông Jimmie Akesson đã giành quyền lãnh đạo SD và có nhiều điều chỉnh. Dù ông cam kết loại bỏ nguồn gốc phân biệt chủng tộc và bạo lực, song luận điểm lập trường chống người nhập cư từ ngoài châu Âu đã góp phần giúp đảng này liên tục giành kết quả khả quan gần đây với tỷ lệ ủng hộ đã tăng dần qua các cuộc bầu cử, từ 5,7% (2010) tới 12,9% (2014), 17,5% (2018) và 20,6% (2022).
Tương tự SD, đảng FdI tự nhận là đảng kế tục Phong trào xã hội Italy (MSI) cánh hữu, tân phát xít thành lập năm 1946. Sau khi chính thức ra đời năm 2012, FdI tạo dựng hình ảnh riêng theo xu hướng tân bảo thủ, dân tộc, chống nhập cư. Nhờ đó, đảng này từng bước nhận được ủng hộ của cử tri và lần đầu giành ghế tại nghị viện năm 2013 với 2,0% phiếu bầu. Năm năm sau, FdI giành được 4,4% phiếu bầu, 32/630 ghế tại hạ viện, 18/315 ghế tại thượng viện và trở thành đảng lớn thứ năm tại Italy.
Sự nổi lên của các đảng cực hữu, hậu dân tuý là biểu hiện của “sự bình thường hoá chính trường tại châu Âu”. Các lực lượng mới này có thể sẽ cho phép tái cấu trúc lại tính lưỡng phân tả - hữu truyền thống, vốn bị phá vỡ trong 10 năm qua do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý. |
Bên cạnh đó, cả SP và FdI không lặp lại lập luận thường thấy của các đảng dân tuý về chống EU. Hai đảng này có thái độ rõ rệt với Nga và xung đột tại Ukraine: Nếu ông Matteo Salvini chỉ trích biện pháp trừng phạt với Nga, bà Giorgia Meloni lại ủng hộ nhất quán với Ukraine.
Theo ông Thibault Muzergues, Giám đốc International Republican Institute (Pháp), cả hai đảng SP và FdI đang chuyển hoá từ chủ nghĩa cực hữu sang hậu dân tuý (postpopulism). Nhờ thế, họ đang hoà nhập thành công vào đời sống chính trị. Ông nói: “Họ đã nghiêm túc hơn. Họ không còn bông đùa như ông Silvio Berlusconi, hay ăn pizza trực tiếp trên truyền hình như ông Matteo Salvini…”.
Đặc biệt, sự trỗi dậy của hai đảng này diễn ra vào lúc các đảng dân tuý truyền thống thoái trào. Tại Nghị viện châu Âu, tiếng nói của các lực lượng này đang suy giảm. Ở Anh, ông Boris Johnson đã từ chức. Tại Italy, ông Matteo Salvini không còn vị thế như khi ông vừa là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ.
Cuối cùng, ông Muzergues nhận định sự nổi lên của các đảng cực hữu, hậu dân tuý là biểu hiện của “sự bình thường hoá chính trường tại châu Âu”. Các lực lượng mới này có thể sẽ cho phép tái cấu trúc lại tính lưỡng phân tả-hữu truyền thống, vốn bị phá vỡ trong 10 năm qua do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý.