Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và nước Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), dư luận đang cho rằng bà Marine Le Pen có thể đắc cử Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, khả năng này là không cao bởi người dân Pháp thích hành động khác biệt và ghét việc "bắt chước" một ai đó, nhất là khi người đó gốc "Anglo-Saxons".
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc Pháp. (Nguồn: AFP) |
Về phần mình, bà Le Pen tuyên bố sẽ là nhân vật được chú ý tiếp theo sau sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà không thực sự được hưởng lợi từ các sự kiện trên vì tỉ lệ ủng hộ vẫn chỉ dao động trong khoảng 25-30%, tương đương với tỉ lệ mà Đảng Cộng sản Pháp nhận được trong những năm 1950-1960.
Tại thời điểm đó, Đảng Cộng sản Pháp muốn đóng cửa thị trường đối với lao động nước ngoài, phản đối sự hội nhập trong châu Âu và cho rằng chính phủ Pháp cần chịu trách nhiệm đối với nền kinh tế của chính mình. Chính sách này tương tự như chương trình nghị sự của Mặt trận Dân tộc Pháp (FN) do bà Le Pen đang lãnh đạo hiện nay.
Chính sự bất bình đẳng xã hội gia tăng đã đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri Mỹ và Anh trong năm 2016. Tuy nhiên, xã hội Pháp hiện không phải đối mặt với nguy cơ này. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp - động lực chính thúc đẩy chủ nghĩa dân túy cùng với mối đe dọa từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan - đã bắt đầu giảm trong năm 2016. Các nguy cơ đối với nền kinh tế Anh sau Brexit sẽ khiến bà Le Pen gặp khó trong việc thúc đẩy chương trình chính trị trọng tâm: trưng cầu ý dân về việc nước Pháp rời khỏi châu Âu (Frexit).
Bà Le Pen chủ trương đưa Pháp rời khỏi EU. (Nguồn: Sputnik) |
Mặc dù chiến thắng của ông Trump ở Mỹ đã tạo nên cú sốc đối với nước Pháp, nhưng đến nay, những tác động đó đối với nền chính trị Pháp vẫn chưa rõ ràng. Hồi tháng 9/2016, ông Nicolas Sarkozy từng cố gắng tạo dựng hình ảnh một "Donald Trump của nước Pháp" nhưng đã phải trả giá khi bị loại trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe cánh hữu và trung hữu hồi trung tuần tháng 11. Trong khi đó, ông François Fillon, một trong hai ứng cử viên lọt vào vòng hai, lại là người ủng hộ mạnh mẽ đối với việc cải cách thị trường Pháp.
Về cơ bản, người Pháp vẫn thích những "hành động khác biệt". Việc các đồng minh Anglo-Saxons lựa chọn chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy là chưa đủ để thuyết phục cử tri Pháp đưa ra lựa chọn tương tự. Người Pháp đang trong quá trình thích nghi với những tác động ảnh hưởng sau sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì vậy, ít có khả năng cử tri Pháp sẽ lựa chọn ứng cử viên Tổng thống theo xu hướng dân túy trong cuộc bầu cử tới.
Bên cạnh đó, việc phong trào 5 sao (M5S) giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở Italy vừa qua cũng không thể góp phần làm tăng thêm tỉ lệ ủng hộ đối với bà Le Pen. Do người Pháp không thích bắt chước người khác nên sẽ khó có "hiệu ứng Domino" trên chính trường nước này.