📞

Bầu cử Pháp: Lựa chọn mạo hiểm hay miễn cưỡng chấp nhận

14:59 | 06/05/2017
Sau chiến dịch tranh cử “chẳng giống ai”, nước Pháp giờ đây lại chuẩn bị đón nhận một vị Tổng thống “chẳng giống ai”.

Cuộc chạy đua trở thành chủ nhân tương lai của điện Elysee giờ đây chỉ còn lại hai người. Nếu đắc cử, bà Marine Le Pen - một người theo quan điểm dân túy cực hữu sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Pháp và nhiều khả năng sẽ tái định hình trật tự thời hậu chiến của châu Âu. Đối thủ của bà là ông Emmanuel Macron - một nhân vật mới nổi thông minh, đang thuyết phục các cử tri Pháp đặt cược vào công cuộc xây dựng mô hình chính trị kiểu mới. 

Tất nhiên, kết quả vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 7/5 tới sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hàng triệu cử tri Pháp, những người phải đưa ra lựa chọn giữa sự lựa chọn “an toàn” Macron, hay ngả theo xu hướng “mạo hiểm” nơi bà Le Pen.

Một bên là người theo chủ nghĩa châu Âu với tư tưởng cấp tiến, một bên là người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối người nhập cư. Liệu người dân xứ Gaul sẽ thích một cựu nhân viên ngân hàng chỉn chu hơn, hay họ mong muốn có một cựu luật sư với tầm hiểu biết rộng và biết cách nói chuyện với tầng lớp lao động nghèo khó?

Đây là thời điểm cử tri Pháp buộc phải đưa ra lựa chọn của mình: Emmanuel Macron hay Marine Le Pen? (Nguồn: AFP)

Dù người Pháp bầu cho ai đi chẳng nữa, họ cũng hiểu rằng lựa chọn của mình sẽ có ảnh hưởng ra ngoài đường biên giới mở của châu Âu, tới các thị trường tài chính toàn cầu, lan rộng qua chiến trường ở Syria và Ukraine và tới chính sách đối ngoại của Liên hợp quốc. 

Bà Le Pen thực sự có cơ hội? 

Ông Macron thực sự là đối thủ “đáng gờm”, đặc biệt sau khi ông thể hiện “nhuệ khí của tổng thống” trong cuộc tranh luận hôm 3/5 với bà Le Pen, tỏ ra áp đảo bà Le Pen và cho các cử tri thấy ông sẽ lãnh đạo một cách tài tình quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này và đứng lên đối phó với ông Donald Trump hay ông Vladimir Putin. Các hãng thăm dò ý kiến, các hãng cá độ và các thương gia tính toán rằng bà Le Pen sẽ phải có được “phép màu nhiệm” để vượt qua khoảng cách là 20% dựa theo kết quả thăm dò dư luận.

Tuy nhiên, sau khi người dân Anh lựa chọn Brexit (Anh rời khỏi EU) và người dân Mỹ bầu chọn Tổng thống Trump, không ai có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra vào ngày 7/5 tới. Câu hỏi lớn ở đây là liệu có bao nhiêu người ghét bỏ ông Macron sẽ “nhắm mắt cho qua” và lựa chọn ông để ngăn chặn đảng Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Le Pen lên cầm quyền.

Nhiều người cánh tả coi ông Macron là con rối của giới tài chính thượng lưu, trong khi nhiều người cánh hữu coi ông là phiên bản được “tân trang lại” của người “sếp cũ” của ông là Tổng thống đảng Xã hội Hollande, một người vốn không được lòng dân. Nếu có đủ số lượng các cử tri như vậy không tham gia bỏ phiếu, điều đó sẽ giúp bà Le Pen tiến vào Điện Elysee. 

Cuộc “so găng” nảy lửa 

Đỉnh điểm của chiến dịch tranh cử là cuộc tranh luận hôm 3/5, khi 15 triệu cử tri Pháp đã chăm chú theo dõi để xem liệu bà Le Pen có thể “hạ gục” ông Macron hay không? Tuy nhiên, bà đã không thành công. 

Hai ứng cử viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron trong cuộc tranh luận tối ngày 3/5 tại Paris. (Nguồn: AFP)

Về vấn đề kinh tế và việc làm, ông Macron thừa nhận nước Pháp đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp trong 30 năm qua và nói rằng giải pháp của ông sẽ là trao thêm nhiều cơ hội cho các công ty nhỏ và vừa để họ tạo ra nhiều việc làm cũng như hoạt động một cách linh hoạt hơn.

Bà Le Pen ngay lập tức phản pháo lại khi hỏi rằng tại sao ông không làm những việc như vậy khi còn là Bộ trưởng Kinh tế. Bà Le Pen khẳng định bà sẽ bảo vệ tài sản quốc gia và việc làm cho người dân Pháp với việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. 

Về vấn đề khủng bố, bà Le Pen đã cáo buộc đối thủ của mình quá khoan dung với Hồi giáo chính thống. Nhà lãnh đạo đảng FN cho rằng, Hồi giáo chính thống cần phải được “loại trừ”, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa các đền thờ Hồi giáo có quan điểm cực đoan, trục xuất các nhà thuyết giáo về nội dung lòng căm hận và tranh thủ nguồn tài trợ từ các nước như Qatar và Saudi Arabia. 

Ông Macron thì cho rằng, các kế hoạch của bà có lợi cho các phần tử khủng bố và mong muốn của chúng về việc kích động “cuộc nội chiến”. Ông Macron cho biết, ông sẽ tăng cường các biện pháp an ninh, đồng thời phối hợp với các quốc gia khác. Theo ông, việc đóng cửa biên giới và trục xuất nói chung không phải là giải pháp.

Về EU và vấn đề tiền tệ, bà Le Pen cho biết, bà không chỉ muốn kiểm soát hoàn toàn biên giới và các thỏa thuận thương mại mà còn muốn “quay trở lại sử dụng đồng tiền của chúng ta”. Bà nói rằng các ngân hàng và các công ty lớn có thể lựa chọn chi trả bằng đồng Euro hay đồng nội tệ của Pháp, nhưng các cá nhân phải quay về sử dụng đồng nội tệ Pháp.

Ông Macron đã gọi đề xuất này là điều “vô lý”. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao một công ty lớn một mặt vừa chi trả bằng đồng Euro và mặt khác lại trả lương cho người lao động bằng đồng tiền khác?”. 

Về vấn đề giáo dục, ông Macron cho biết ông sẽ tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn trong các trường tiểu học và muốn thấy sự kết nối chặt chẽ hơn với giới doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Le Pen nói rằng bà mong muốn nâng cao các tiêu chuẩn của các trường đại học và trường dạy nghề và thúc đẩy chủ nghĩa thế tục trong các trường học. 

Theo hãng tin BBC, đây là cuộc tranh luận có tiếng vang xa ngoài biên giới nước Pháp, điều lý giải tại sao cuộc đối đầu nảy lửa này sẽ được ghi vào lịch sử. 

Thách thức của ông Macron 

Ông Macron đứng trước cơ hội trở thành chủ nhân điện Elysee. (Nguồn: AFP)

Mặc dù khả năng ông Macron thắng cử Tổng thống ngày một tăng, nhưng điều này sẽ không đến một cách dễ dàng. Để đối đầu với một đối thủ “nặng ký” như bà Le Pen, ông sẽ cần tới sức mạnh của tuổi trẻ và sự lạc quan để hàn gắn nước Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc. Ông sẽ cần phải tập hợp đa số nghị sĩ trong Quốc hội từ các nhân vật cánh tả và cánh hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội một tháng sau đó.

Không chỉ có thế, chắc chắn ông sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ về kế hoạch cải tổ luật lao động của Pháp và tạo ra các việc làm mang tính “mơ hồ”. Cuối cùng, Pháp sẽ vẫn trong tình trạng khẩn cấp khi phải đối phó với các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan và Liên minh châu Âu (EU) vẫn sẽ đối mặt với các vấn đề “ăn sâu bám rễ” khiến kích động Brexit và chủ nghĩa dân túy. 

Vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống này sẽ bắt đầu ở các vùng lãnh thổ bên ngoài nước Pháp vào ngày 6/5 và sau đó là ở quốc gia này vào ngày 7/5. Dự đoán của các hãng thăm dò có thể sẽ được công bố ngay sau khi hòm phiếu cuối cùng đóng lại vào 20h00 ngày 7/5, ngay trước khi kết quả chính thức được đưa ra.

(theo AP, BBC)