Bầu cử Quốc hội Hà Lan năm 2023 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các gương mặt mới khi ông Mark Rutte sắp rời nhiệm sở. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 22/10, cử tri Hà Lan sẽ thực hiện quyền công dân khi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới. Sau đó, việc đầu tiên của 150 tân nghị sĩ là tìm ra một chính trị gia kỳ cựu để tham khảo các liên minh tiềm năng. Khi có sự lựa chọn cuối cùng, nhân vật nêu trên sẽ chọn “người thành lập”, thường là lãnh đạo của đảng lớn nhất. Chính trị gia này có trách nhiệm lập liên minh cầm quyền và hướng tới thành lập chính phủ. Quá trình phức tạp ấy có thể mất nhiều tháng, thậm chí là gần 1 năm, như cách ông Mark Rutte đã thành lập nội các của mình 2 năm trước.
Tuy nhiên, giờ đây, chính trị gia này đang đi đến những ngày cuối cùng trên cương vị lãnh đạo tạm quyền. Mùa hè năm ngoái, sau 13 năm tại vị, ông đã từ chức Thủ tướng khi nội các giải tán do bất đồng về người di cư. Song thừa kế, duy trì di sản đồ sộ của ông sẽ là nhiệm vụ không đơn giản cho người kế nhiệm.
Hiện hai ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế thủ tướng đã lộ diện. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên họ tranh cử.
Nhân vật được kỳ vọng nhất là bà Dilan Yeşilgöz, người kế nhiệm ông Rutte lãnh đạo đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) cầm quyền. Sinh ra trong gia đình người Kurd tị nạn, song bà có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư và cam kết cải tiến hệ thống tị nạn hiện nay. Trong khảo sát của Ipsos (Mỹ), VVD dẫn đầu với 18% tỷ lệ ủng hộ. Một chiến thắng sẽ giúp bà đi vào lịch sử khi trở thành thủ tướng nữ đầu tiên của Hà Lan.
Tuy nhiên, bà đang đối mặt với sự bám đuổi sát sao từ ông Pieter Omtzigt. Chính trị gia trung dung này nổi lên nhờ chỉ trích thiếu sót trong quá trình điều hành chính phủ. Dù mới thành lập chỉ 3 tháng, Đảng Khế ước xã hội mới (NSC) của ông đã nhận được tới 18% tỷ lệ ủng hộ, ngang bằng với đảng VVD. Song hiện chưa rõ liệu chính trị gia này có muốn đích thân ngồi vào chiếc ghế nóng hay không.
Trong cuộc khảo sát mới nhất, chưa có đảng nào giành 20% số phiếu. Do đó, liên minh đa số sẽ bao gồm ít nhất ba, thậm chí nhiều hơn nữa. Thực tế này khiến các đảng nhỏ hơn đóng vai trò không kém phần quan trọng. Liên minh đảng Lao động và Xanh (PvdA-CL) do cựu Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về khí hậu Frans Timmermans dẫn dắt là một trong số đó. Ông kêu gọi tăng thuế thu nhập mới và giảm 65% khí thải nhà kính quốc gia vào năm 2030, cao hơn cả EU (55%). Theo Ipsos , PvdA-CL nhận 16% sự ủng hộ và đứng thứ ba.
Chính trị gia Geert Wilders của đảng Vì tự do (PVV) cũng là một nhân vật không thể bỏ qua. Là nghị sĩ thâm niên nhất với 25 năm, song lập trường chống Hồi giáo và EU đã khiến đảng cánh hữu của ông chưa từng có mặt trong các chính phủ. Năm nay, chính trị gia này đã sẵn sàng “hạ tông giọng” để tham gia vào các liên minh mới. Theo khảo sát của Ipsos, PVV đang đứng thứ tư với tỷ lệ ủng hộ 13%. Một đảng trung dung khác, Phong trào Nông dân-Công dân (BBB), đứng sau PVV với 6%.
Hiện đã có một số kịch bản khả thi. Khác với ông Rutte, bà Yeşilgöz vẫn bỏ ngỏ khả năng hợp tác với ông Wilders. Kịch bản này có thể góp phần hình thành liên minh gồm ba đảng trung dung (VVD, NSC, BBB) và một đảng cánh hữu (PVV). Tuy nhiên, ông Omtzigt khẳng định sẽ không hợp tác với ông Wilders vì muốn có một chính phủ “tôn trọng những giá trị, quyền cơ bản của con người”.
Điều này mở ra viễn cảnh liên minh cầm quyền thiểu số, trong đó VVD, NSC hoặc thậm chí BBB có thể được PVV trợ giúp. Tuy nhiên, bà Yeşilgöz lại không muốn lãnh đạo một chính phủ thiểu số nếu giành chiến thắng.
Ở các lần trước, lượng lớn cử tri thường chỉ đưa ra quyết định trước ngày bầu cử. Trong bối cảnh đó, với tỷ lệ bám đuổi sít sao giữa VVD và NSC, cùng sự vươn lên của PvdA-CL và PVV, bầu cử Hà Lan hứa hẹn sẽ hấp dẫn tới phút cuối cùng.