Cuối tuần qua, hai ông Poroshenko và Zelensky đã có các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quan trọng của châu Âu. Nếu như với Tổng thống Ukraine đương nhiệm Petro Poroshenko, việc liên lạc với người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là một nỗ lực để thuyết phục cử tri Ukraine dồn phiếu cho ông; thì với ông Zelensky, việc được mời tới Paris là một dịp để chính trị gia “mới toanh” này thể hiện bản lĩnh trên sân chơi chính trường châu Âu.
Ông Poroshenko và ông Zelensky đang bước vào cuộc đua song mã kịch tính. (Nguồn: Politeka.net) |
Giới phân tích cho rằng, ông Poroshenko muốn dùng cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Đức - Pháp để chứng minh với người dân Ukraine rằng, ông là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, tận dụng được sự hỗ trợ của các “đồng minh lớn” châu Âu và đang bằng mọi cách bảo vệ lợi ích đất nước trong lĩnh vực khí đốt.
Tại Berlin, ông Poroshenko đã báo cáo về việc phân bổ 85 triệu Euro của Đức để giúp đỡ vùng Donbass, gọi đó là “tín hiệu hỗ trợ cho đất nước”. Tổng thống Ukraine cũng hứa sẽ tiếp tục đấu tranh với việc xây dựng dự án vận chuyển khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, đồng thời cam kết sẽ khởi động một cuộc họp theo “định dạng Normandy” sau cuộc bầu cử.
Tại Pháp, ông Poroshenko được đón tiếp “với tất cả nghi thức danh dự cần thiết” dành cho nguyên thủ quốc gia, theo nhận xét của AFP. Trong khi đó, ứng cử viên Zelensky cũng hội kiến Tổng thống Pháp Macron tại Điện Élysée trong khoảng 1 giờ. “Chúng tôi đã nói chuyện trên tinh thần xây dựng. Tôi rất vui được gặp ông Macron”, ông Zelensky trả lời báo chí. Tuy nhiên, danh hài người Ukraine từ chối bình luận chi tiết về kết quả của cuộc gặp.
Rõ ràng, trong khi Tổng thống Pháp Macron thể hiện quan điểm khá cân bằng đối với cả hai ứng viên Poroshenko và Zelensky, Thủ tướng Đức Merkel lại cho thấy sự thiên lệch của mình. Bà Merkel giải thích: “Tôi liên tục liên lạc với Poroshenko, trao đổi ý kiến trong suốt thời gian bầu cử, nên tôi quyết định mời ông ấy (đến Đức)”.
Từ năm 2015, Đức, Pháp, Nga, Ukraine là bốn quốc gia tạo thành “Bộ tứ Normandy” nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Vì vậy, cũng như Moscow, Berlin và Paris rất quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine, vốn được cho là sẽ định hình chính sách của quốc gia Đông Âu trong tương lai.
Đức muốn ông Poroshenko tái đắc cử vì nhà lãnh đạo này có quan điểm chống Nga quyết liệt cũng như chủ trương “Tây tiến”, tức hội nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Pháp chọn cách tiếp cận “nước đôi” vì không mặn mà với ông Poroshenko như Đức và muốn chuẩn bị để có được lợi ích tốt nhất. Trong khi đó, Nga đang âm thầm quan sát cuộc bầu cử và không công khai ủng hộ hay công kích ai, nhưng dường như Moscow đang nghiêng về phía Zelensky.
Ngày 21/4 tới, thế giới sẽ biết sự lựa chọn của Ukraine và nước này sẽ đi về đâu. Song có ngả về đâu thì việc đầu tiên người giành chiến thắng phải làm, đó là vực dậy nền kinh tế đất nước để cải thiện cuộc sống người dân. Để làm điều đó, vị tân Tổng thống Ukraine chắc chắn sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui của chiến thắng.