📞

Bê bối sử dụng email cá nhân đeo bám bà Hillary Clinton

19:33 | 27/05/2016
Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra báo cáo cho rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã vi phạm các quy định của liên bang về lưu trữ dữ liệu. 
Bê bối sử dụng email cá nhân là điểm yếu trong cuộc  đua vào Nhà Trắng của bà Hilary Clinton. (Nguồn: AP)

Theo báo cáo này, bà Hillary Clinton và các cố vấn đã phớt lờ khuyến cáo rõ ràng của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng hệ thống bảo mật thư điện tử của bà không đạt các tiêu chuẩn liên bang và có thể là điểm yếu cho các tin tặc tấn công. Các trợ lý của bà đã từng hai lần phủ nhận các lo ngại này, thậm chí còn nói với nhân viên kỹ thuật rằng “không nên nhắc đến vấn đề này nữa”.

Bà Clinton bị kết luận đã vi phạm các quy định của liên bang về lưu trữ dữ liệu khi thực hiện những trao đổi về công việc trên các máy chủ và thư điện tử cá nhân mà không xin phép.

Nhiều lần làm mồi cho tin tặc

Theo kết quả cuộc điều tra được công bố ngày 24/5, năm 2011, bà Clinton đã từng phải ngừng sử dụng hòm thư điện tử cá nhân tại một số thời điểm nhất định do lo ngại bị tin tặc tấn công.

Mặc dù bà Hillary luôn khẳng định các tin tặc chưa bao giờ xâm nhập được vào máy chủ, song báo cáo điều tra vừa qua cho biết một trợ lý của bà Clinton đã phải tắt hệ thống mạng vào ngày 9/1/2011, bởi ông cho rằng “có ai đó đang định đột nhập”. Sau đó, ông này còn nói: “Chúng tôi lại bị tấn công, do đó tôi phải tắt (máy chủ) trong một vài phút”. Ngày hôm sau, một quan chức cấp cao đã khuyên hai trợ lý hàng đầu của bà Clinton không nên gửi “bất kỳ thông tin nhạy cảm nào” qua email cho lãnh đạo của họ, và nói rằng bà có thể “nói rõ hơn khi gặp trực tiếp”.

Trong năm 2010, bộ phận quản lý thông tin của Bộ Ngoại giao đã hai lần bày tỏ quan ngại về việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử cá nhân của bà Clinton không đúng quy định theo Đạo luật Lưu trữ Liên bang.

Trả lời chất vất của cơ quan thanh tra Bộ Ngoại giao, Giám đốc bộ phận này cho biết các chuyên viên pháp lý đã thẩm tra hệ thống email cá nhân của bà Clinton, “và vấn đề này không được đề cập đến nữa”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc cơ quan pháp lý đã xem xét và cho phép bà tiếp tục làm việc này. Các thanh tra cho rằng các yêu cầu tương tự, nếu có, chắc chắn sẽ bị bác bỏ do nguy cơ về an ninh.

Bản phân tích gồm 78 trang của Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Clinton đã phớt lờ những chỉ dẫn rõ ràng, không giao nộp lại toàn bộ email công vụ của Bộ Ngoại giao khi mãn nhiệm, không tuân thủ các quy định của Bộ Ngoại giao được ban hành theo Đạo luật Lưu trữ Liên bang. Đồng thời, nó cũng chỉ ra rằng bà Clinton chưa bao giờ khẳng định chiếc điện thoại Blackberry mà bà dùng khi còn giữ chức Ngoại trưởng “đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về đảm bảo an ninh”.

Báo cáo điều tra còn đề cập tới việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử của 5 cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ ra rằng tất cả những nhân vật này đều “chậm chạp trong việc thực hiện các yêu cầu để đảm bảo an ninh mạng khi sử dụng các thiết bị liên lạc điện tử, đặc biệt trong những trường hợp liên quan đến nhà lãnh đạo cấp cao nhất”.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố hơn 52.000 trang tài liệu ghi lại nội dung các thư điện tử công vụ của bà Clinton, trong đó có cả một số email từng là tuyệt mật. Bà Clinton đã giữ lại hàng nghìn email khác và nói rằng đó là những email cá nhân. Những người chỉ trích đặt ra câu hỏi rằng máy chủ mà bà sử dụng có phải đã trở thành “một mục tiêu hấp dẫn” cho các tin tặc hay không, đặc biệt là những kẻ cộng tác hoặc làm việc cho các cơ quan tình báo nước ngoài.

Giống những người tiền nhiệm?

Các đối thủ của bà Clinton trong cuộc cạnh tranh giành vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã nhanh chóng lấy kết quả của cuộc điều tra làm bằng chứng để chỉ trích bà Clinton, cho rằng bà thiếu trung thực trong việc sử dụng email cá nhân, đồng thời khẳng định cựu Ngoại trưởng Mỹ không đáng tin và không xứng đáng làm tổng thống. Theo quy định, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ phải sử dụng những máy tính dành cho họ khi thực hiện công việc hàng ngày (mà không được sử dụng những máy tính khác), để tránh gây rủi ro về an ninh.

Tuy nhiên, Người Phát ngôn của bà Clinton vẫn một mực tuyên bố rằng kết quả điều tra cho thấy việc sử dụng email của bà cũng giống như những gì các quan chức khác trong Bộ Ngoại giao vẫn làm.

“Các tài liệu và thông tin liên quan đến việc sử dụng email của bà Clinton cho thấy bà cũng làm như các Bộ trưởng và quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao”, ông Brian Fallon, Người Phát ngôn trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton, khẳng định.

Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra xem liệu việc sử dụng máy chủ và email cá nhân của bà Clinton có làm lộ các bí mật của chính quyền hay không. Cơ quan này gần đây đã chất vấn các trợ lý hàng đầu của bà Clinton, bao gồm cựu Cố vấn hàng đầu Cheryl Mills và Phó Cố vấn Huma Abedin. Nhiều khả năng bà Clinton cũng sẽ bị chất vấn về vấn đề này.

(theo AP)