📞

Bí mật thành công của Dubai

10:29 | 23/11/2016
Trong vòng chưa đầy một thế hệ, Dubai đã trở thành một trung tâm đầu tư, thương mại và văn hóa lớn của thế giới.

Khi nhiều chính phủ ở khu vực Trung Đông cố gắng bớt “dựa dẫm” vào nguồn lực tự nhiên và tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, họ nên tham khảo một số bài học từ Dubai. Theo nhà nghiên cứu về Trung Đông Yasser Al-Saleh, Dubai là một câu chuyện thành công đáng chú ý nhờ mô hình phát triển sáng tạo.

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn mạnh vào nhiều thành phố có tiềm lực trên thế giới, trong đó có Dubai, nhưng thành phố này đã hồi phục nhanh chóng. Bằng chứng là Dubai đã được bầu làm nước chủ nhà Hội chợ triển lãm thế giới năm 2020 (World Expo 2020).

Mô hình ABS

Vậy, Dubai đã xoay xở như  thế nào để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh trong bối cảnh khủng hoảng? Theo nhiều nghiên cứu, tăng trưởng và khả năng phục hồi của Dubai là do "mô hình ABS" (viết tắt của Attraction, Branding và State-led development) nghĩa là khả năng thu hút, xây dựng thương hiệu và mô hình nhà nước dẫn dắt lãnh đạo.

Cũng như hệ thống chống bó cứng phanh của xe ô tô ngăn không cho nó trượt ra ngoài tầm kiểm soát trong những tình huống nguy hiểm (viết tắt là ABS, từ gốc là Anti-Lock Braking System), chiến lược ABS của Dubai giữ chương trình nghị sự phát triển đi đúng hướng, ngay cả trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đối với mô hình nhà nước dẫn dắt lãnh đạo, cách tiếp cận của Dubai là cách thức quản trị điển hình của các quốc gia vùng Vịnh: tuân thủ truyền thống với sự cầm quyền của giới tinh hoa, đứng đầu là các gia đình hoàng gia có vai trò toàn năng trong việc xác định hướng và hình thức phát triển kinh tế. Chính quyền thành phố giống như một tổng công ty, tạm gọi là "Dubai, Inc.", có thể nhanh chóng và liên tục thích ứng với hoàn cảnh kinh tế thường xuyên thay đổi.

Dubai đôi khi được gọi là Singapore của sa mạc, bởi vì, giống như Singapore, Dubai trải qua tăng trưởng kinh tế định hướng nhà nước rất lớn và hưởng nhiều lợi ích từ đội ngũ lãnh đạo chủ động, có tầm nhìn xa, đã biến một thành phố-nhà nước nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế thành một điểm trung chuyển quốc tế quan trọng.

Hơn nữa, Dubai đã xây dựng thương hiệu riêng của mình rất thành công để thu hút đầu tư và lao động nước ngoài cần thiết để đạt được tham vọng tăng trưởng. Giống như New York, Thượng Hải và Las Vegas - những thành phố đều phát triển hình ảnh của mình thông qua kiến ​​trúc, Dubai thể hiện khát vọng đổi mới của mình thông qua cảnh quan thành phố và các tòa nhà chọc trời. Thành phố này có khoảng 150 tòa nhà siêu cao tầng, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác, ngoại trừ New York và Hong Kong.

Các tòa nhà chọc trời, "đặc sản" của Dubai. (Nguồn: Flickr)

Dubai cũng có nhiều “hàng độc” khác như: các tòa nhà văn phòng 3D đầu tiên, hòn đảo nhân tạo tuyệt đẹp, khách sạn 7 sao (tự xếp hạng), trung tâm mua sắm kết hợp với bể nuôi cá, trượt tuyết trong nhà, các cơ sở nhảy dù, các tòa nhà mang tính biểu tượng và công viên giải trí. Dubai cũng có trường đua ngựa đắt nhất thế giới và là nơi tổ chức các sự kiện thể thao xa hoa khác.

Thương hiệu của Dubai tiếp tục được củng cố bởi sự ổn định chính trị, an toàn, khoan dung, đa dạng văn hóa, tiêu chuẩn sống cao. Đó là những điểm hút người nước ngoài có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, các tiểu vương quốc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với các khu kinh tế đặc biệt mà ít quốc gia khác có thể phù hợp.

Hiện có 2 tỷ người đang sống trong bán kính bốn giờ bay tới Dubai, vì vậy không ngạc nhiên khi Dubai nổi lên như là một địa điểm hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Một doanh nhân từng nói: "Dubai có tất cả các yếu tố để hấp dẫn các nhà đầu tư và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới", với "một số lượng đáng kể thanh niên Ả rập tham vọng đến và sống giấc mơ Dubai”.

Rủi ro về lao động

Nhờ những ưu điểm trên, Dubai có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút lao động nước ngoài có kỹ năng cao và cả những lao động có kỹ năng thấp hơn để tăng sức mạnh cho động cơ tăng trưởng.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi các công ty có thể nhanh chóng sa thải công nhân trong thời kỳ khó khăn nhưng khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, họ mất nhiều thời gian hơn để thu hút người lao động trở lại.

Một rủi ro khác là, trong khi các tiểu vương quốc được hưởng một thời gian dài ổn định chính trị và kinh tế, thì một biến động nhỏ trong khu vực cũng có thể khiến lao động nước ngoài rời khỏi Dubai dù cho những lời hứa lương cao và một cuộc sống tiện nghi. Sự phụ thuộc của Dubai vào lao động nước ngoài do đó đe dọa khả năng của nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai.

Dubai đang đầu tư mạnh cho giáo dục. (Nguồn: Research Konnection)

Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn, Chính quyền Dubai vừa phê duyệt một kế hoạch toàn diện để đại tu nền giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực bản địa. Vua Sheikh Mohammed Bin Rashid nói rằng: "Chúng tôi mong muốn phát triển một thế hệ sinh viên mới được trang bị để sử dụng các công cụ của tương lai".

Cải cách giáo dục có thể sẽ đòi hỏi một thế hệ hoặc nhiều hơn để đơm hoa kết trái. Trước đó, Singapore cũng đã thành công trong việc đào tạo lao động tay nghề cao người bản địa bằng cách rót các khoản đầu tư lớn cho giáo dục và xem giáo dục là ưu tiên hàng đầu của đất nước. Singapore hiện đứng gần đầu trong các kỳ thi quốc tế về khoa học và toán học của học sinh.

Có thể thấy, mô hình ABS giải thích khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng của Dubai sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mô hình này cũng giúp tiểu vương quốc điều chỉnh chiến lược của mình để vượt qua những thách thức mới.

Cũng như tác dụng giữ an toàn của ABS đối với xe cộ, mô hình phát triển trong đó nhà nước giữ vai trò lãnh đạo của Dubai, giúp dễ dàng tổ chức lại các hoạt động thu hút và xây dựng thương hiệu phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và hoàn cảnh thay đổi ở Trung Đông và xa hơn.

Tuy nhiên, nếu Dubai thất bại trong việc phát triển nguồn nhân lực bản địa thì sẽ khiến cho việc "lái xe" nguy hiểm hơn và khó khăn hơn để tránh những trở ngại.

(theo Project Syndicate)