Người đứng đầu cuộc đảo chính và CNSP, Đại tá Assami Goita. (Nguồn: AFP) |
Rạng sáng ngày 18/8, tiếng súng đã thay ánh nắng bình minh đánh thức Tổng thống Ibrahim Boubacer Keita tại dinh thự. Đêm hôm ấy, xuất hiện trên truyền hình, ông đã tuyên bố từ chức, giải tán Chính phủ và Quốc hội bởi: “Tôi có sự lựa chọn khác sao? Tôi không hề muốn có đổ máu.”
Những lựa chọn
Nhưng máu đã đổ, dù không phải trong hôm ấy. Cuộc nội chiến dai dẳng giữa miền Nam và Bắc Mali, với sự tham dự của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Sahara đã khiến hàng nghìn thiệt mạng, với xung đột nhỏ lẻ tiếp tục kéo dài trong thời gian qua, bất chấp hiệp ước ký kết ngày 15/4/2015. Trong khi chính phủ và các quốc gia đã cố gắng để khôi phục hòa bình ở phía Bắc, bạo lực đã bùng phát tại khu vực trung tâm đất nước, nơi thiếu vắng sự kiểm soát của chính phủ và lan rộng ra các nước láng giềng. Con số thương vong đã tăng 5 lần, từ 770 (2016) lên hơn 4.000 người (2020) tại Mali, Niger và Burkina Faso. Hàng trăm nghìn người đã buộc phải di tản.
Song đó chỉ là một phần của câu chuyện. Người dân Mali đã biểu tình trong nhiều tháng sau khi chính phủ không thể kiểm soát nạn tham nhũng hay cải thiện nền kinh tế. Chiến lược ủng hộ một số nhóm dân quân địa phương tấn công lẫn nhau, hay cáo buộc về tra tấn, tử hình không qua xét xử càng khiến người dân mất lòng tin nơi chính quyền của Tổng thống Ibrahim Keita.
Chính quyền của ông Keita đã có lựa chọn, song rõ ràng nó chưa thể thỏa mãn người Mali, bao gồm giới quân đội. Tuy vậy, cũng chẳng có gì đảm bảo rằng Đại tá Assimi Goita, người đứng đầu cuộc đảo chính lật đổ ông Keita và Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP), sẽ mang lại điều người Mali mong muốn.
Dễ mà khó
Vậy điều người dân Mali mong muốn là gì? Đó là hòa bình, ổn định chính trị.
Đó là điều Bamako đã từng có. Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Amadou Toure (2002 – 2012), Mali từng là một trong những quốc gia ổn định chính trị - xã hội nhất tại châu Phi. Bản thân ông Toure là người đứng đầu cuộc nổi dậy năm 1991, lật đổ Tổng thống Moussa Traore, song thay vì nắm quyền lực, ông đã mang lại nhiều thay đổi đáng chú ý như hợp pháp hóa các đảng đối lập, thành lập nhóm các nhóm dân sự và quân sự, thảo ra bản Hiến pháp dân chủ được phê chuẩn bởi trưng cầu ý dân. Sau đó, ông đã từ bỏ quyền lực và chỉ trở lại trong cuộc bầu cử Tổng thống 10 năm sau trên cương vị ứng cử viên dân sự.
Lịch sử đang lặp lại. Người dân Mali, vốn đã quá quen với các cuộc đảo chính, một lần nữa chứng kiến quyền lực rơi vào tay quân đội. Đại tá Assimi Goita giờ đang ở vào vị thế và đứng trước sự lựa chọn tương tự như ông Amadou Toure: Mang lại những thay đổi cần thiết trước khi rút về phía sau để được người dân Mali lần nữa ưu ái đặt biệt danh “Chiến binh của Dân chủ”, hay níu kéo quyền lực tuyệt đối để hạ đài trong tai tiếng như cựu Tổng thống Moussa Traore.
Những tuyên bố mới đây cho thấy ông Goita và CNSP đang bối rối. Ngày 20/8, CNSP tuyên bố sẽ lựa chọn một “tổng thống chuyển tiếp” từ hàng ngũ quân đội hoặc dân sự. Tuy nhiên, ngày 23/8, nguồn tin từ đại diện Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đang đàm phán với CNSP về tình hình Mali cho biết nhóm của ông Goita mong muốn Mali có giai đoạn chuyển tiếp dài 3 năm, được lãnh đạo bởi hội đồng tướng lĩnh, với người đứng đầu đảm nhiệm vai trò nguyên thủ. Cựu Tổng thống Keita sẽ được đưa về nhà ở Bamako và có thể ra nước ngoài để chữa bệnh, trong khi Thủ tướng Boubou Cisse sẽ được “đảm bảo an toàn” tại khu vực khác ở Bamako.
Song, chỉ một ngày sau đó, Đại tá Ismael Wague, Người phát ngôn của CNSP cho biết quyết định về thành phần của chính phủ chuyển tiếp “sẽ được quyết định bởi người dân Mali”. Theo ông, hiện chưa có kế hoạch bầu cử chính quyền dân sự, song CNSP sẽ thông báo “vào thời điểm thích hợp”.
Nắm giữ quyền lực đã khó, từ bỏ nó còn khó hơn và trong lịch sử Mali, có lẽ ông Amadou Toure là người thành công nhất. Dù phải từ chức do đảo chính, ông đã không níu kéo khi tuyên bố với đại diện ECOWAS về quyết định từ chức, để Mali trở lại với chế độ Hiến pháp năm 2012: “Hơn bất cứ điều gì, tôi sẵn sàng làm điều này vì tình yêu dành cho đất nước.” Bởi lẽ, ông hiểu rằng hòa bình, ổn định chính trị là điều mà người dân Mali, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đã và luôn dai dẳng tìm kiếm. Đây là bài học mà CNSP có thể tham khảo trước khi đưa ra sự lựa chọn cuối, quyết định về ngã rẽ cũ mà mới trong lịch sử quốc gia châu Phi.
Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng tiêu cực về cuộc đảo chính ngày 18/8 vừa qua. Tổng thống Nam Phi, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Cyril Ramaphosa chỉ trích hành vi “thay đổi chính phủ vi hiến” tại Mali, yêu cầu trả tự do cho ông Keita và các quan chức chính phủ, đồng thời hoãn tư cách thành viên của Mali cho đến khi Hiến pháp được tuân thủ. Tương tự, ECOWAS bày tỏ “lo ngại sâu sắc”, tiến hành đóng cửa biên giới đường không vào đường bộ, cấm vận các kẻ chủ mưu và hoãn tư cách thành viên. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi, Nigeria, Angola, Algeria, Mỹ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích hành động thay đổi chính quyền bằng bạo lực, kêu gọi lực lượng nổi dậy ngay lập tức trả tự do cho nội các Mali, khôi phục Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ ngày 18/8, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tại Mali; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực; thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali nhằm thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali, vì nguyện vọng hòa bình chính đáng của người dân. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ nỗ lực của LHQ, AU, ECOWAS và cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy đối thoại, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa các bên liên quan, hỗ trợ đưa tình hình Mali sớm trở lại ổn định. |