Australia vừa trải qua cơn địa chấn khi Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull bất ngờ mất chức. Thay thế ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Morrison, người đã đánh bại Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton với 45/85 phiếu bầu tại cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo trong nội bộ đảng Tự do cầm quyền ngày 24/8. Với chiến thắng này, ông Morrison, 50 tuổi, đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của Australia.
Đây là cuộc bỏ phiếu thứ hai chỉ trong một tuần sau khi ông Turnbull mất đa số tín nhiệm trong đảng Tự do. Bản thân ông Turnbull cũng lên nắm quyền sau cuộc “đảo chính” nội bộ năm 2015, lật đổ người tiền nhiệm Tony Abbott. Trái ngược thái độ căng thẳng với cựu Thủ tướng Turnbull, ngay khi tân Thủ tướng Morrison đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm “ấm áp” chúc mừng và khẳng định sức mạnh mối quan hệ Mỹ - Australia.
Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Nguồn: AFP) |
Ôn hòa hay bảo thủ?
Ông Morrison được cho là phương án phù hợp nhất để trở thành người đứng đầu Chính phủ xứ sở Chuột túi. Là người theo khuynh hướng ôn hòa, tham gia nghị trường từ năm 2007, ông gây dựng tên tuổi của mình với thành công trong hàng loạt lĩnh vực như an sinh xã hội, an ninh biên giới và gần đây nhất là Bộ Tài chính với sự cải thiện đáng kể trong quản lý ngân sách. Tân Thủ tướng Morrison được xem là một ứng viên hài hòa giữa ông Turnbull và ông Dutton.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Morrison vẫn là chính trị gia bảo thủ. Ông nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề tiếp nhận người nhập cư và hôn nhân đồng tính. Cụ thể, năm 2013, khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới, ông Morrison đã tích cực thi hành chính sách nhập cư không khoan nhượng. Một trong những biện pháp chặn người nhập cư trái phép của Australia là giữ họ ở các trung tâm ngoài khơi ở các đảo Manus và Nauru. Hành động này đã bị Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân quyền lên án.
Ngoài quan điểm cứng rắn với chính sách nhập cư, hồi năm ngoái, ông Morrison còn bỏ phiếu ủng hộ chống lại luật hôn nhân đồng tính ngay tại Quốc hội Australia, bất chấp kết quả cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy người dân nước này ủng hộ mạnh mẽ sửa đổi luật pháp.
Giờ đây khi đã là Thủ tướng, ông Morrison khẳng định mục tiêu tái khởi động nhiều kế hoạch tham vọng của chính phủ, vốn phải tạm ngưng vì khủng hoảng thời gian qua. Trước mắt, trong tuần làm việc đầu tiên, tân Thủ tướng Morrison sẽ có chuyến thăm ngắn tới Indonesia để tuyên bố về Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược sẵn có, việc ký Hiệp định thương mại tự do giữa Canberra và Jakarta sẽ không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, mà còn đưa quan hệ song phương bước vào một giai đoạn mới.
“Lục đục” nội bộ
Mặc dù bão táp chính trị đã tạm lắng xuống, song cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa cho thấy nhiều bất cập trong chính trường Australia. Khi các nghị sĩ được trao quá nhiều quyền thì một nhóm nhỏ cũng có thể tạo nên khủng hoảng chính trị, tác động đến sự tồn tại của Chính phủ. Những rạn nứt và bất ổn trong nội bộ Chính phủ Australia và đảng Tự do đang trở thành “gánh nặng” đối với vị tân Thủ tướng, khiến nhiệm vụ chèo lái đưa con tàu đảng Tự do cập bến thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm tới của ông Morrison ngày càng khó khăn.
Sau một tuần khủng hoảng, ông Turnbull ra đi để lại cho người kế nhiệm một di sản “bừa bộn”, với gần một nửa số bộ hiện không có người đứng đầu. Ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng tại thời điểm này, ông Morrison cần nhanh chóng xúc tiến thành lập nội các mới, xem xét lại các chính sách và hàn gắn bất đồng giữa hai phe bảo thủ và ôn hòa trong nội bộ đảng.
Ngày 26/8, 21 thành viên nội các mới của tân Thủ tướng được công bố, trong đó, sự thay đổi đáng chú ý nhất đó là việc bà Julie Bishop đã từ chức Bộ trưởng Ngoại giao và thay thế bà sẽ là nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne. Trong khi đó, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng được giao cho ông Christopher Pyne. Việc lựa chọn các thành viên nội các mới không chỉ tạo ra một bộ máy để Chính phủ vận hành, mà nó còn thể hiện sự tin tưởng của Thủ tướng vào năng lực và phẩm chất của từng cá nhân.
Vượt qua hai đối thủ nặng ký để trở thành Thủ tướng thứ năm của Australia trong một thập niên qua, song ông Morrison sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để củng cố vững chắc vị thế, nhanh chóng khắc phục khó khăn và vực dậy uy tín đang xuống dốc không phanh của liên đảng Tự do - Quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh tổng tuyển cử 2019 đang đến rất gần.