📞

Bình luận của TG&VN: Mỹ có tìm lại tiếng nói tại châu Á?

15:02 | 15/11/2018
Hành trình tới Singapore và Papua New Guinea tham dự Thượng đỉnh ASEAN+3, EAS và APEC sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là không hề dễ dàng. 

Ông Pence sẽ có một tuần (11 - 18/11) bận rộn khi ghé thăm Nhật Bản, Singapore, Australia và Papua New Guinea. Tuy nhiên, trọng tâm của ông là đại diện cho Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Singapore và Diễn dàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea. Ông John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, sẽ đồng hành cùng ông Pence tại Singapore và Papua New Guinea. 

Đây là lần đầu tiên, sau 5 năm, Tổng thống Mỹ vắng mặt tại cuộc gặp Thượng đỉnh với ASEAN và APEC. Sự vắng mặt này buộc ông Pence phải “căng mình” để lấp đầy khoảng trống sau khi Washington liên tục có động thái rút khỏi khu vực như từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), áp thuế nhập khẩu với đồng minh và đẩy mạnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc. 

Nhiệm vụ khó khăn

Trên cương vị phó tướng của ông Trump, ông Pence nhận thức rất rõ nhiệm vụ của mình. Thư ký Phó Tổng thống Mỹ Alyssa Farah cho biết: “Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và tái khẳng định cam kết về xây dựng một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng và an toàn”. Song ông Pence cần hiện thực hóa tuyên bố của mình bằng hành động cụ thể. 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 13/11, mở đầu cho chuyến công du châu Á. (Nguồn: Reuters)

Đầu tiên, ông cần thuyết phục đồng minh rằng Washington, trải qua xáo trộn nhân sự sau bầu cử giữa kỳ, vẫn coi Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của mình trong chính sách đối ngoại. Bên cạnh tập trận chung Mỹ - ASEAN được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đề xuất trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa tháng Mười qua, ông Pence có thể gợi ý về mở rộng hợp tác kinh tế với ASEAN, với một vài sáng kiến trong hợp tác xây dựng nền kinh tế số, lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Thứ hai, nhiều khả năng trong các phát biểu, ông Pence sẽ đề cập tới Biển Đông. Ngày 9/11, trong Đối thoại Ngoại giao và Quân sự Mỹ - Trung tại Washington, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo và bãi đá ở Biển Đông, nơi nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền. Đáp lại, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định nước này có quyền “xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết” trên “lãnh thổ”, kêu gọi Mỹ không gây tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Biển Đông liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia thành viên ASEAN và cũng là một vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa Asean với Trung Quốc. Do đó, ông Pence nhiều khả năng sẽ nhắc lại vấn đề này trong thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và EAS. 

Cuối cùng, bên cạnh Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm trong các sự kiện tại ASEAN và EAS. Do đó, những phát biểu của Mỹ và Trung Quốc về cạnh tranh thương mại hay chiến lược Vành đai Con Đường sẽ được giới học giả đặc biệt quan tâm. Hiện chưa rõ liệu ông Pence, người từng chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ trong bài phát biểu tại Viện Hudson, có gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc không. Một kết quả thuận lợi sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 Argentina chỉ vài ngày sau đó. 

Trùng trùng thách thức

Tuy nhiên, hoàn thành những nhiệm vụ nói trên là không hề đơn giản. Ông Brian Harding, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định các nước Đông Nam Á đang "cố gắng thiết lập quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc". Bởi vậy, ông Anthony Nelson, cựu Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho rằng sự vắng mặt Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều nước thất vọng: “Do không có nhiều quyền quyết định, tuyên bố của ông Mike Pence sẽ khó thay đổi nhận định của mọi người về chính quyền Mỹ thời gian gần đây.” 

Washington Post thì nhận định sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thêm “đất diễn”. Ở APEC, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhấn mạnh về vai trò chiến lược của nước này tại khu vực Nam Thái Bình Dương, trong khi tại Singapore, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tự do với đảo quốc sư tử và “nâng cấp quan hệ với các nước Đông Nam Á khác”. Tương tự, Đông Nam Á là một trong những thị trường mua bán vũ khí mới của Nga và Tổng thống Vladimir Putin mong muốn tìm kiếm thêm những hợp đồng mới.

Cuối cùng, khác biệt về ưu tiên giữa Mỹ và ASEAN sẽ là rào cản lớn trong chuyến đi tới châu Á - Thái Bình Dương của ông Pence. Trong khi Washington tập trung phát triển quan hệ song phương, ASEAN và APEC lại hướng đến mở rộng hợp tác đa phương. Khác biệt này đã thể hiện rõ nét tại APEC 2017, khi Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh về hợp tác giữa ông và “từng nhà lãnh đạo trong căn phòng này”. Tuyên bố này đã ít nhiều được cụ thể hóa qua thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương được ký kết giữa Nhật Bản và Mỹ sau khi ông Pence đặt chân tới Tokyo.

Trong khi đó, phát biểu trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi ASEAN đoàn kết hơn nữa, trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Tiếp tục nhấn mạnh quan hệ song phương, hay để ngỏ khả năng nối lại hợp tác đa phương thời gian tới nhằm tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN, sẽ là lựa chọn không dễ dàng cho ông Pence trong hành trình trước mắt.