Phát biểu sau họp báo tại điện Kremlin, Thủ tướng Orban nhận định cả Nga và Hungary đều “có lợi ích tối đa hóa những thành tựu chung”, do đó “hợp tác tốt giữa hai nửa châu Âu”. Cả ông Putin và ông Orban đều có lập trường chung trong việc ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và chống lại tư tưởng tự do phương Tây. Cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga sau khi Moscow tiến hành sát nhập Crimea năm 2014 đã trở thành chất xúc tác cho quan hệ Nga – Hung xích lại gần nhau hơn.
Về quan hệ kinh tế, năm 2018 chứng kiến những bước tiến lớn trong quan hệ hai nước khi kim ngạch thương mại song phương tăng 30%. Tổng thống Putin bày tỏ: “Hungary chắc chắn là một trong những đối tác then chốt của Nga tại châu Âu, với quan hệ song phương đang phát triển trên nhiều mặt. Tôi rất vui mừng khi được đón tiếp ngài ngày hôm nay.” Bàn về những dự định trong tương lai, ông Putin khẳng định Moscow và Budapest cam kết sẽ thành lập ủy ban liên chính phủ về hợp tác khu vực đi vào hoạt động cuối năm nay. Trong năm ngoái, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Hungary vào Nga đạt 600 triệu USD và của Nga vào Hungary là 300 triệu USD. Theo đó, các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm, ngân hàng và xây dựng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc họp báo chung ngày 18/9 tại Moscow. (Nguồn: AP) |
Ngay trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết thỏa thuận khí đốt hiện tại giữa hai nước kéo dài đến năm 2019 và Budapest dự kiến tiếp tục mua khí đốt của Moscow sau thời điểm trên. Hợp tác năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nga - Hungary. Cho đến nay, Moscow và Budapest đã đạt được hai thỏa thuận lớn trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, cụ thể là mở rộng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên TurdStream tới Hungary và châu Âu, đồng thời xây dựng thêm hai nhà máy điện hạt nhân Paks-2 tại Hungary, vốn đã đóng góp tới 40% sản lượng điện tiêu thụ của quốc gia Trung Âu này.
Về các lĩnh vực hợp tác khác, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, bao gồm đẩy mạnh giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân, mở rộng trao đổi giáo dục và thể thao, và tăng cường tiếp xúc giữa các học giả với cộng đồng học thuật.
Mặc dù Nga phải chịu sự trừng phạt kinh tế của EU sau khi nước này tiến hành sát nhập Crimea năm 2014, ông Viktor Orban đã nhiều lần phản đối Brussels và liên tục có những động thái duy trì quan hệ Hungary – Nga, dù điều này khiến ông phải hứng chịu sự chỉ trích từ những đối tác của Budapest tại EU: “Bất chấp việc quan hệ thương mại song phương sụt giảm kể từ khi EU tiến hành cấm vận, chúng ta đã không lùi bước và đạt được thành công nhất định… Khó có thể nói rằng chính trường quốc tế đang ở thời điểm thuận lợi để hai bên thúc đẩy hợp tác. Song tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể một lần nữa cùng nhau vượt qua những khó khăn này, như trong quá khứ.”
Cân bằng mối quan hệ giữa Nga và châu Âu là điều mà Budapest mong muốn nhằm tối đa hóa lợi ích của quốc gia này trong khu vực. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sự lệ thuộc vào Nga về vấn đề kinh tế và hợp tác năng lượng có thể dẫn đến sự lệ thuộc chính trị nhất định. Đây là điều mà Thủ tướng Viktor Orban, nhà lãnh đạo có cá tính mạnh mẽ nói riêng và người dân Hungary nói chung không hề mong muốn.