Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – phương Tây nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ – Đức nói riêng đã gặp nhiều khúc mắc kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, khiến chính quyền của Tổng thống Erdogan đưa ra khỏi bộ máy khoảng 150.000 người.
Những vấn đề chung cần giải quyết
Trong khi phương Tây, chủ yếu là Đức và Liên minh châu Âu (EU), lên tiếng chỉ trích cách giải quyết của ông Erdogan đi ngược lại các chuẩn mực dân chủ của châu Âu, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng phương Tây đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ nước này.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cần đạt được tiếng nói chung vấn đề người nhập cư từ Trung Đông – Bắc Phi sang châu Âu với điểm đến cuối cùng thường là Đức. Thủ tướng Angela Merkel muốn có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hạn chế, sàng lọc và tiếp nhận người nhập cư do Thổ Nhĩ Kỳ vừa có ưu thế là một trong những cửa ngõ chính nối Trung Đông với châu Âu, vừa là nước trực tiếp tham chiến ở Syria với hệ thống trạm kiểm soát quân sự đủ sức giám sát luồng di cư. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết vấn đề di cư vừa là con bài để mặc cả với EU với nhân tố chính là Đức nhưng cũng là cách để cải thiện hình ảnh quốc gia, mở đường cho nước này gia nhập EU.
Tổng thống Erdogan gặp Thủ tướng Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G7, 2017, Hamburg, Đức. (Nguồn: RTE) |
Hiện tại, do những khúc mắc về chính trị cũng như vấn đề người di cư, quan hệ kinh tế giữa hai bên đang phải nhận những tác động không mong muốn. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mất giá khiến chính quyền Erdogan đang phải kêu gọi sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dòng đầu tư của Đức và các nước EU khác sẽ như một cơn mưa mát lành giải toả cơn khát về vốn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, chiến trường Syria được dự báo đang đi vào hồi kết bất chấp quân đội của Tổng thống Assad đã tạm hoãn chiến dịch tổng tấn công Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thoả thuận về khu phi quân sự. Mong muốn của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đạt được tiếng nói chung trong vấn đề Syria chắc chắn sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự song phương sắp tới. Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích sát sườn trong việc giải quyết vấn đề người Kurd cũng như thiết lập một vùng đệm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ bên kia biên giới. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Israel, Iran, Saudi Arabia,… mong muốn thông qua vấn đề Syria để nâng cao vị thế trong khu vực. Đối với Đức, đại diện chính của EU bên cạnh Pháp trong vấn đề Syria, cũng mong muốn giải quyết vấn đề Syria theo hướng giảm người nhập cư, đặc biệt là ngăn chặn các đối tượng khủng bố xâm nhập châu Âu.
Tạo lập nền tảng, xây dựng định hướng
Do hai bên có rất nhiều mối quan tâm trong cả quan hệ song phương lẫn quan hệ đa phương trong khu vực nên chắc chắn chuyến thăm lần này không chỉ dừng lại ở những nghi lễ ngoại giao để tăng cường kết nối. Tạo lập nền tảng và xây dựng định hướng giải quyết trong tương lai đối với những vấn đề có chung sự quan tâm sẽ là mục đích chính của cả hai bên trong chuyến thăm lần này. Trước cuộc gặp, nhiều thông tin cho biết phía Berlin sẽ có những hỗ trợ kinh tế nhất định cho Ankara. Do đó, hoàn toàn có cơ sở khi nói không khí cuộc gặp sẽ mang tinh thần hợp tác và thân thiện.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu lớn trong việc cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. Vấn đề Syria, hợp tác kinh tế và giải quyết tình trạng người nhập cư tiếp tục sẽ được chính quyền Ankara coi là "con bài chủ" được đưa ra để cài đặt lại quan hệ với châu Âu. Thỏa thuận về khu phi quân sự đã giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao vị thế đáng kể trước cuộc gặp song phương. Có thể thấy, vị thế chính trị và tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đã được củng cố một phần đáng kể từ sự hỗ trợ của Nga nhưng chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng cần có những con số kinh tế đẹp đẽ. Do đó, cải thiện quan hệ với Đức và châu Âu là điều mà Ankara cần.
Về phía Đức, chính quyền Thủ tướng Merkel chắc chắn sẽ đưa ra đề nghị hỗ trợ kiểm soát dòng người di cư đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều khả năng, một cam kết về giải quyết vấn đề di cư sẽ nằm trong Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo nhằm giúp Thủ tướng Merkel xoa dịu rạn nứt liên minh giữa CDU/CSU với SPD cầm quyền cũng như tạm thời đầy lùi chỉ trích của phái dân túy.
Đặc biệt, việc gây dựng lại mối quan hệ vốn dĩ rất nồng ấm giữa hai bên chắc chắn là điều có lợi cho cả hai bên bất chấp sự phản đối của cộng đồng người Kurd ở trong và ngoài nước Đức. Rõ ràng, cả Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều có chung lợi ích hoặc có những lợi ích tương hỗ nhau. Do đó, người ra chờ đợi những cam kết đầy hứa hẹn về chính trị hay những hỗ trợ và các khoản đầu tư của doanh nghiệp Đức sẽ xuất hiện trên mặt báo ngay sau chuyến công du.