Sau 13 vòng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đạt được kết quả mà họ gọi là thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Rồi mất thêm không ít thời gian nữa, hai bên mới ký kết chính thức thoả thuận này.
Điều lạ ở đây là cả hai bên đều không tỏ ra vội với việc chính thức ký kết thoả thuận, như thể không có nhu cầu cấp thiết làm cho thoả thuận này có hiệu lực chính thức nhanh chóng như có thể được. Xem ra, cái mà cả hai bên muốn có được nhất là tác động của việc đạt được thoả thuận thương mại này chứ không phải hiệu lực thực chất của chính thoả thuận ấy.
Thật ra, điều trên không đến nỗi khó hiểu. Lời giải thích đơn giản là thoả thuận thương mại giai đoạn 1 này không làm thay đổi cơ bản và đáng kể gì cả trong bản chất lẫn về mức độ cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa hai nước, càng chưa thể tác động được gì tới diễn biến tiếp theo đây của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trên mọi phương diện.
Những gì mà Mỹ và Trung Quốc đã thoả thuận được với nhau mới chỉ là xử lý một vài biểu hiện lâm sàng của cuộc xung khắc thương mại, còn quá ít ỏi và không cơ bản, lại vẫn quá chung chung và không đi cùng những quy định để đảm bảo là những gì đã được thoả thuận thì rồi cũng sẽ được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh.
Hai bên hiện chỉ tập trung vào việc được tiếng là vẫn có thể thoả hiệp với nhau và đã thoả thuận được với nhau, tức là xung khắc thương mại và cạnh tranh chiến lược sẽ còn dai dẳng nhưng sẽ không bên nào hành động quá đà và đi quá giới hạn.
Cái mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện muốn có được là gây dựng hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc và đã buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Cái mà phía Trung Quốc cần là hoà hoãn và thời gian, không buộc được Mỹ lùi thì ngăn ngừa Mỹ dấn thêm.
Mỹ và Trung Quốc chỉ tạm ngừng chứ chưa hết chiến.