📞

Bốn tâm điểm tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO

Lưu Huỳnh 19:29 | 30/11/2023
Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tề tựu ở Brussels (Bỉ) từ ngày 28-30/11 để thảo luận nhiều vấn đề lớn.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng NATO ngày 28/11, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom (bên trái) đã trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (bên phải). (Nguồn: Reuters)

Đầu tiên, tình hình Ukraine chắc chắn là nội dung được quan tâm hàng đầu. Tại Brussels, Ngoại trưởng các nước NATO dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine, với sự góp mặt của người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba.

Trên thực tế, các Ngoại trưởng NATO thừa nhận cuộc phản công của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã đạt được tiến độ như mong đợi. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: “Các mục tiêu và hy vọng từ cuộc phản công của Ukraine đã tan biến vì không có thay đổi lớn hay đột phá nào trên thực địa. Nhiều người đã thừa nhận điều này, dù theo cách lặng lẽ và thận trọng”.

Bên cạnh đó, bầu cử tổng thống năm 2024, cạnh tranh với Trung Quốc, xung đột ở Trung Đông đang tác động tới chính sách của Mỹ về viện trợ cho Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cũng gặp khó khi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lập trường riêng biệt, trong khi áp lực kinh tế từ các gói viện trợ quân sự ngày một lớn.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO là dịp các nước “xốc lại” sự ủng hộ Ukraine. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Nghĩa vụ của chúng tôi là bảo đảm cung cấp cho Ukraine vũ khí mà họ cần. Chúng tôi phải duy trì việc này. Đây là lợi ích an ninh của chúng tôi… Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ, vì lợi ích an ninh của Mỹ. Điều đó cũng phù hợp với những gì chúng tôi đã thống nhất”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba kêu gọi những người đồng cấp NATO “tiếp tục sản xuất và viện trợ lượng lớn vũ khí, khí tài và các trang thiết bị khác”. Quan chức này khẳng định mục tiêu giành lại lãnh thổ, bao gồm Crimea, là “không đổi”, nhấn mạnh “không gì có thể cản bước chúng tôi”.

Thứ hai, cuộc họp cho thấy nỗ lực giải quyết căng thẳng ở Tây Balkan. Phát biểu trước thềm sự kiện, ông Jens Stoltenberg cho biết căng thẳng Serbia-Kosovo là nội dung được các bên thảo luận trong các cuộc tham vấn. Ông khuyến cáo hai bên kiềm chế lời lẽ kích động, có thể gây leo thang tình hình. Tổng thư ký NATO kêu gọi các bên tăng cường đối thoại do EU làm trung gian. Khối sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo đảm ổn định khu vực, bao gồm triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình lâu dài ở Kosovo.

Thứ ba, liên quan tới xung đột ở Dải Gaza, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhận định “tình hình Dải Gaza và Ukraine có nhiều điểm khác biệt”. Tuy nhiên, “thông điệp của tôi là trong bất kỳ xung đột nào, các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và bảo vệ mạng sống của người dân”. Đáng chú ý, dù NATO hoan nghênh lệnh gia hạn ngừng bắn nhân đạo và trao trả con tin, song các Ngoại trưởng sẽ hạn chế phát biểu ủng hộ kéo dài thỏa thuận tạm thời này. Thay vào đó, họ sẽ hướng tới tìm giải pháp lâu dài, nhằm chấm dứt hoàn toàn tiếng súng ở Gaza.

Cuối cùng, ông Stoltenberg tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sớm phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom dẫn lời người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết Ankara sẽ làm điều này “trong những tuần tới”. Còn Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Thủ tướng Viktor Orban nhiều lần nói rằng Hungary sẽ không là nước cuối cùng phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển”. Với những tín hiệu này, liệu NATO có thể sớm chào đón người mới trong những ngày cuối năm 2023?