Một đặc điểm nổi bật của Hội nghị lần này là sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia không phải thành viên BRICS, bao gồm Ai Cập, Mexico, Thái Lan, New Guinea và Tajikistan.
Đáng chú ý, trước thềm Hội nghị, đã có nhiều lo ngại về mối quan hệ trắc trở giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể hơn, căng thẳng đến từ những cuộc đụng độ tại biên giới hai nước trong thời gian gần đây được cho là có thể khiến Hội nghị lần này rơi vào thế bế tắc.
Lãnh đạo các nước BRICS chụp ảnh lưu niệm trong Hội nghị thượng đỉnh tháng 9 tại Hạ Môn. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức được nguy cơ này và có những bước đi hợp lý để hạ nhiệt quan hệ. Theo Giám đốc của Hiệp hội Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ Atul Dalakoti, tín hiệu tích cực này là tiền đề to lớn cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Cùng chung tiếng nói
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, lãnh đạo các nước BRICS, trong đó có Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề then chốt.
Trong Tuyên bố chung Hạ Môn dài 43 trang, BRICS đã kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm tăng cường tính đại diện cho các nước đang phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thể chế này, qua đó phản ứng phù hợp với các thách thức toàn cầu.
Ngoài ra, các nước cũng cam kết sẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, vốn đang lan rộng kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các nước BRICS cần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế cởi mở, cân bằng, có lợi cho tất cả và ủng hộ các cơ chế thương mại đa phương.
Bên cạnh nguồn vốn cam kết 2,5 tỷ USD từ phía Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS, nhà lãnh đạo nước chủ nhà cũng cam kết sẽ đầu tư 80 triệu USD cho những dự án sắp tới tại các quốc gia BRICS. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch NDB Leslie Maasdorp cũng thừa nhận nguồn vốn cho vay của NDB nói riêng và BRICS nói chung còn rất lâu mới có thể bắt kịp con số 59 tỷ USD/năm của Ngân hàng Thế giới (WB).
Về vấn đề chống khủng bố, nguyên thủ năm nước BRICS kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thực thi hiệu quả các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ và thành lập một liên minh chống khủng bố.
Bàn thảo về các điểm nóng quốc tế, lãnh đạo các nước tham dự đã đồng loạt lên án vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên ngày 3/9: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này chỉ nên được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình và đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên”. Họ cũng hối thúc giải quyết một loạt các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông bao gồm Syria, Palestine - Israel và Yemen.
Với những động thái trên, BRICS cho thấy với vị thế kinh tế và tiềm năng to lớn của mình (chiếm tới gần 30% GDP và 40% dân số thế giới), khối này mong muốn có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, nơi vẫn là sân chơi của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Đức và Pháp.
Điểm nhấn Trung - Ấn
Tuy nhiên, những thành quả mà khối BRICS đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh tháng Chín vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự hàn gắn kịp thời trong quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Trái với những đồn đoán trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đón tiếp với cái ôm và bắt tay thật chặt. Xuyên suốt quá trình diễn ra cuộc họp thượng đỉnh, hai bên đã tránh đề cập tới căng thẳng liên quan đến xung đột tại cao nguyên Doklam trong hai tháng vừa qua.
Quan trọng hơn, Trung Quốc và các nước thành viên còn lại của BRICS còn đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành tại khu vực biên giới Pakistan. Bản tuyên bố đã chỉ ra những mối hiểm họa đến từ những tổ chức Hồi giáo cực đoan, tiêu biểu là Taliban, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một chiến thắng ngoại giao của New Delhi khi buộc Bắc Kinh “quay lưng” lại với Islamabad. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây là chiến thuật “lùi một bước, tiến hai bước” của Trung Quốc, nhằm giành được ủng hộ của Ấn Độ và các nước thành viên còn lại cho Con đường tơ lụa mới.
Bất chấp những tính toán này, việc Bắc Kinh và New Delhi “nhường nhịn” nhau đã khiến cuộc họp thượng đỉnh BRICS thành công tốt đẹp. Giáo sư Swaran Singh thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Jawaharlal Nehru nhận định: “Những khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cẩn thận gạt sang một bên để dành cho cho những hợp tác đa phương trong thời gian tới”.
Thú vị hơn, nhiều người còn cho rằng việc BRICS ngày càng trở nên gắn kết sẽ tác động trở lại tới mối quan hệ Trung - Ấn, qua đó xóa nhòa những rạn nứt giữa hai quốc gia. Hy vọng rằng trong thời gian tới, tương tác hai chiều này sẽ tiếp tục tồn tại và khiến BRICS nói chung và hợp tác Bắc Kinh – New Delhi nói riêng ngày càng phát triển.