Việc không có các sự cố lớn bất ngờ trên thực địa ở Biển Đông trong năm 2017 giúp duy trì trạng thái hòa dịu trên bề mặt, là cơ hội tốt để các nước cùng nhau thảo luận về các tranh chấp và thúc đẩy các chương trình hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng, tình hình Biển Đông còn những dấu hiệu bất định ẩn chứa những rủi ro khó lường, đòi hỏi các nước cần có các động lực chính trị mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin.
Hoài nghi về COC
Điểm nhấn nổi bật của tình hình Biển Đông trong năm 2017 là việc Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận khung làm cơ sở để đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tháng 5/2017, tại cuộc họp lần thứ 14 các quan chức cấp cao ASEAN Trung Quốc về triển khai tuyên bố ứng xử ở Biển Đông tại Quý Dương (Trung Quốc), ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về khung đàm phán COC. Tiếp đó, ngày 6/8, các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN đã thông qua văn kiện này.
Chiến sĩ Trường Sa tuần tra trên đảo Sơn Ca. (Nguồn: infonet) |
Khung COC được lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN đánh giá cao, song chỉ là văn bản khá ngắn gọn về các nội dung sẽ được thảo luận, chưa có bước đột phá so với các thỏa thuận chính trị đã có giữa Trung Quốc và ASEAN, trong đó có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Những vấn đề cơ bản song gai góc như giới hạn địa lý áp dụng và tính ràng buộc pháp lý của COC vẫn chưa được các bên thống nhất, đặt ra nhiều hoài nghi trong giới học giả quốc tế về khả năng tiến bộ thực chất trong đàm phán COC thời gian tới.
Thách thức từ thực địa
Trong khi Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận khung COC và nêu cao nhiều ý tưởng hợp tác trên Biển Đông, những dịch chuyển cán cân lực lượng và hoạt động của các bên trên thực địa vẫn thể hiện bức tranh ảm đạm, ẩn chứa nhiều rủi ro có thể dẫn đến những vòng xung đột mới.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc tiếp tục là bên tích cực mở rộng khả năng kiểm soát Biển Đông thông qua nhiều biện pháp toàn diện dưới đáy biển, trên mặt biển, trên không và tại các điểm đảo chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và đảo nhân tạo ở Trường Sa. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ xuất bản tháng 12/2017 đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông gây nguy hại cho tự do hàng hải và hàng không, đe dọa chủ quyền của các nước khác, và làm tình hình Biển Đông bất ổn.
Trong năm 2017, Trung Quốc không ngừng hoàn thiện xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị tại các đảo, phóng thêm 10 vệ tinh bổ sung cho hệ thống vệ tinh theo dõi hoạt động của tàu thuyền ở toàn bộ Biển Đông, lắp đặt hệ thống định vị, theo dõi tàu ngầm dưới đáy Biển Đông, và duy trì lực lượng tuần tra dân sự trên Biển Đông vượt trội về quy mô và tần suất so với các nước khác trong khu vực. Giới quan sát cũng cho rằng, khi các hoạt động này hoàn tất, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng kiểm soát và khống chế Biển Đông trong những tình huống nghiêm trọng, thách thức không chỉ các nước láng giềng yếu hơn mà cả khả năng tiếp cận khu vực của Mỹ và các cường quốc khác.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống ở Biển Đông tiếp tục xu hướng trầm trọng hơn, đặc biệt tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên cá và suy thoái môi trường biển do khai thác quá công suất và thiếu sự phối hợp giữa các nước ven biển cũng như các nước liên quan. Những thách thức an ninh phi truyền thống này lại tác động trực tiếp tới quan hệ giữa các nước trong khu vực, điển hình nhất là việc gia tăng các hoạt động đánh bắt cá trái phép tại các vùng biển còn giàu tài nguyên, dẫn đến nhiều đụng độ giữa lực lượng chấp pháp của nước này với tàu cá của nước khác.
Những điểm sáng đáng chú ý
Bên cạnh những thách thức lâu dài, năm 2017 cũng chứng kiến những gam màu lạc quan. Xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông không chỉ là nguyện vọng của các nước nhỏ hơn mà còn là nhu cầu của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc.
Dù toan tính ở Biển Đông không thay đổi, Trung Quốc có những điều chỉnh trong ứng xử, mềm mỏng hơn và tích cực đề xuất các sáng kiến hợp tác nhằm giành được sự ủng hộ của các nước trong khu vực trên con đường phát triển của mình.
Bên cạnh đó, sau thời gian đầu chập chững, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cho thấy Mỹ có mối quan tâm chiến lược ở Biển Đông, thể hiện ở việc thúc đẩy các khái niệm mới như "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" và "tứ giác kim cương" giữa Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia. Tổng thống Donald Trump nêu rõ tại Đà Nẵng tháng 11/2017 rằng Biển Đông nằm ở trung tâm của khu vực rộng lớn này. Các ý tưởng này nhiều khả năng sẽ được bổ sung chi tiết để hiện thực hóa ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực dưới thời chính quyền Trump.
ASEAN trong năm 2017 tuy chưa thể hiện được vai trò chủ động và trung tâm trong vấn đề Biển Đông song vẫn duy trì được những công thức và nguyên tắc mang tính cốt lõi, nêu được những thành tố cơ bản về Biển Đông tại các tuyên bố chung trong cuộc họp các cấp. Đó là tiền đề thuận lợi để Philippines chuyển giao vai trò chủ tịch luân phiên sang Singapore.
Kỳ vọng thúc đẩy hợp tác dài hơi
Những gam màu tươi sáng trên Biển Đông trong năm 2017 đem đến nhiều kỳ vọng trong tương lai hợp tác hòa bình và ổn định giữa các nước trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới.
Xu hướng hòa dịu trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực thúc đẩy các chương trình hợp tác dài hơi như đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử hoàn chỉnh và có ràng buộc pháp lý ở Biển Đông, thúc đẩy bảo vệ môi trường biển, hợp tác đánh bắt và bảo tồn nghề cá trên biển, hợp tác cứu hộ cứu nạn, hay hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển các nước.
Tuy nhiên, những thách thức tiềm ẩn và rủi ro cũng đòi hỏi các nước trong khu vực, đặc biệt những nước có các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông cần có ý chí chính trị thực tâm hợp tác và tính đến lợi ích của các nước khác. Chỉ khi đó hòa bình ổn định và phát triển mới thực sự bén rễ ở khu vực Biển Đông.