📞

Bức tranh tối màu về hiện trạng di cư ở châu Âu

14:16 | 30/08/2016
Dù có nhiều giải pháp để đối phó với dòng người di cư nhưng các quốc gia châu Âu vẫn chưa có lời giải chung.

Khi phải đối mặt với việc có tới hơn 1 triệu người di cư tràn vào bờ biển Địa Trung Hải, các nước châu Âu đã siết chặt kiểm soát biên giới, thành lập các đội tuần tra hải quân để đối phó với những kẻ buôn người, đàm phán một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư, đóng cửa tuyến đường Balkan - tuyến đường di cư chính vào châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đẩy nhanh việc trục xuất những người bị bác đơn xin tị nạn.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến người di cư mà châu Âu chưa thể giải quyết.

Một gia đình người di cư đang tá túc ở một sân bay bỏ hoang tại Hy Lạp. (Nguồn:ibtimes)

Theo số liệu ước tính của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong 6 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 2.901 người thiệt mạng hoặc mất tích trong khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình đối phó với cuộc khủng hoảng di cư này tại một số quốc gia châu Âu cụ thể như sau:

Thổ Nhĩ Kỳ: Trao một – nhận một

Hiện quốc gia này đang phải đón tiếp khoảng 3 triệu người tị nạn, trong đó có hơn 2,7 triệu người Syria. Hầu hết những người này đều không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Ankara. Tuy nhiên, thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ ký với Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi khối này cung cấp 6 tỷ Euro (khoảng 6,8 tỷ USD) để hỗ trợ những người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận này cũng bao gồm một điều khoản trao đổi, theo đó, cứ một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa tới một nước EU và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại một người tị nạn trái phép ở Hy Lạp. Hiện đã có khoảng 1.152 người được ổn định cuộc sống theo chương trình này, và hầu hết được đưa tới Đức và Thụy Điển.

Hy Lạp: Giảm mạnh – tăng nhanh

Số người di cư tới Hy Lạp đã giảm mạnh từ sau thỏa thuận hồi tháng 3/2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mỗi tháng sau đó vẫn có khoảng vài nghìn người tiếp tục các hành trình đến Hy Lạp. Trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính đã có khoảng 160.000 người di cư tới Hy Lạp.

Hiện có khoảng 58.000 người vẫn kẹt lại tại quốc gia đang chật vật về tài chính này, với hy vọng tiếp tục hành trình hướng về phía Bắc tới các quốc gia như Đức hay Thụy Điển. Phần lớn trong số họ đã nộp đơn xin xét quy chế tị nạn, song việc xét duyệt các lá đơn này hiện hết sức trì trệ do sự chần chừ của các nước vùng Đông và Trung Âu.

Tính đến nay mới chỉ có khoảng 4.400 người được đưa tới các nước Nam Âu theo kế hoạch dự kiến ổn định cuộc sống cho khoảng 160.000 người trong vòng 2 năm, tính đến tháng 9/2017. Tuy nhiên, Brussels khó có thể gây sức ép buộc các nước thành viên đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cam kết đã có.

Số người di cư mới đặt chân tới Hy Lạp trong năm 2016 ít hơn nhiều so với năm 2015, song lại đột ngột tăng mạnh sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ, với con số kỷ lục 2.300 người trong ba tuần đầu tháng 8 này. Nhiều người lo ngại thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổ vỡ bởi Ankara liên tục gây sức ép buộc khối này chấp nhận cấp quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Italy: Thách thức cho các dịch vụ xã hội

Trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 70.000 người đã vượt biển Địa Trung Hải để tới Italy, tương tự con số ước tính trong cùng kỳ năm ngoái. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong số những người di cư này, phần lớn đến từ Nigeria, tiếp sau là người Eritrea, Gambia, Côte d'Ivoire và Sudan.

Những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cập bến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Nytimes)

Làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các dịch vụ xã hội của Italy và sự kiên nhẫn của Thủ tướng Matteo Renzi trong bối cảnh ông phải đối mặt với làn sóng phản đối ở trong nước từ đảng Liên đoàn phương Bắc, cũng như sự chần chừ của các đối tác EU trong việc tái ổn định cuộc sống cho người tị nạn. IOM cho biết tính đến nay, mới chỉ có 961 người được cấp quy chế tị nạn được đưa ra khỏi Italy để tới sinh sống tại một quốc gia khác.

Đức: Siết chặt các quy định về người tị nạn

Số người di cư tới Đức trong năm nay đã giảm mạnh sau khi nước này phải tiếp nhận hàng trăm nghìn người trong năm 2015. Tính tới cuối tháng 7 vừa qua, đã có tổng cộng 238.424 người tới Đức. Tháng 1/2016, trước khi tuyến đường Balkan bị đóng lại, Đức phải tiếp nhận 92.000 người, song sau đó, con số trung bình mỗi tháng là 16.000 người.

Thủ tướng Angela Merkel liên tục khẳng định Đức sẽ tiếp nhận tất cả những người di cư tới Đức và Berlin “sẽ kiểm soát” cuộc khủng hoảng này. Quan điểm của bà đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt ngay trong nội bộ khối bảo thủ, và càng khiến đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và phản đối người di cư càng nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hai vụ tấn công của người tị nạn hồi mùa Hè vừa qua, đều do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đứng đằng sau, càng khiến xã hội Đức bất bình hơn nữa. Chính phủ Đức đã có những động thái siết chặt quy định xin tị nạn, trục xuất những người không đủ tiêu chuẩn và đưa nhiều người quay trở lại vùng biên giới.

Thủ tướng Merkel chỉ trích những động thái đơn phương của nhiều nước châu Âu trong việc đóng cửa tuyến đường di cư Balkan và dồn gánh nặng cho Hy Lạp, song ủng hộ thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Bà nhấn mạnh rằng thỏa thuận này là điều hết sức cần thiết, bất chấp mâu thuẫn của Liên minh với Chính quyền Ankara về vấn đề thị thực.

Áo: Chính sách “nước đôi”

Vụ việc 71 người di cư bị phát hiện đã thiệt mạng trong một chiếc xe tải bị bọn buôn người bỏ lại tại Áo một năm trước đã làm dấy lên làn sóng thương cảm trong xã hội châu Âu nói chung và nước Áo nói riêng. Tuy nhiên, tất cả dường như đã chìm vào quên lãng.

Cựu Thủ tướng Werner Faymann kêu gọi người dân Áo dang rộng vòng tay với những người di cư, song thực tế là ông đã phải đối mặt với những lo ngại ngày càng lớn về nguy cơ nước Áo không thể gánh nổi gánh nặng này. Đầu năm nay, ông Werner Faymann đã thay đổi quan điểm, đột ngột ủng hộ những lời kêu gọi đóng cửa biên giới. Nhà lãnh đạo này từ chức vào tháng 5/2016 khi tỷ lệ tín nhiệm giảm sút. Người kế nhiệm ông là Thủ tướng Christian Kern, tiếp tục chính sách hạn chế người di cư rất được lòng dư luận, mặc dù ông cũng hối thúc người dân Áo cởi mở hơn với những người di cư.

Áo là một trong những nước đóng cửa tuyến đường Balkan sớm nhất hồi đầu năm nay. Sau khi tiếp nhận hơn 80.000 người di cư vào năm ngoái, quốc gia này hiện đang hoàn tất các thủ tục để chuyển bớt người di cư sang các quốc gia khác cho phù hợp với hạn mức tiếp nhận 37.500 người tị nạn vào năm 2016 đã được thỏa thuận trước đó.

Serbia, Hungary và Pháp: Ngày càng khắt khe

Dòng người di cư tràn vào Serbia đã giảm mạnh song chưa hoàn toàn chấm dứt. Trước đây, mỗi ngày các trung tâm tiếp nhận người di cư phải đón tiếp tới hàng nghìn người, song hiện nay con số này chỉ khoảng vài trăm.

Những người di cư Syria tìm cách vượt hàng rào thép gai vào Hungary từ biên giới Serbia. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết người di cư và tị nạn tại vùng biên giới giữa Hungary và Serbia đang bị buộc phải quay trở lại, và thậm chí, chính quyền sở tại còn dùng cả vũ lực để ngăn chặn các hành động vượt biên. UNHCR ước tính khoảng 4.400 người xin quy chế tị nạn hiện đang mắc kẹt tại Serbia, chủ yếu là sau khi Hungary bắt đầu áp dụng các luật mới hồi tháng 7 vừa qua, cho phép chính quyền “áp giải” những người tị nạn và di cư bắt được trong phạm vi 8 km xung quanh biên giới quay trở về cửa khẩu với Serbia.

Hai trạm tiếp nhận đơn tị nạn tại Serbia mỗi ngày xem xét khoảng 30 lá đơn, trong khi khoảng 1.000 người hoặc nhiều hơn đang phải sống trong điều kiện hết sức tồi tệ để chờ tới lượt mình. Thực tế là hầu hết những lá đơn này đều bị từ chối.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gọi những người di cư là “thuốc độc” và ngày 26/8 vừa qua thậm chí còn tuyên bố nước này sẽ xây dựng một hàng rào mới lớn hơn tại biên giới phía Nam để ngăn chặn dòng người di cư. Hungary cũng dự định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2/10 tới để thu hút sự ủng hộ của người dân nhằm phản đối kế hoạch tái định cư người di cư của EU.

Số người di cư tràn vào thị trấn cảng Calais, thuộc tỉnh Pas de Calais, vùng Nord Pas de Calais, của Pháp đã tăng đột biến trong tháng 8 này, mặc dù chính quyền đã đóng cửa khoảng một nửa các khu trại tạm hồi đầu năm nay. Chính quyền Anh và Pháp đã phải dựng lên các hàng rào an ninh và ban bố nhiều biện pháp ngăn chặn dòng người di cư.

Có thể thấy các nước châu Âu vẫn đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục tranh cãi về việc liệu quốc gia họ có sẵn sàng hay làm thế nào để san sẻ gánh nặng “cưu mang” người di cư, trong khi những nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng này- như cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Syria- vẫn chưa có lời giải.

(theo AP)