📞

Bước tiến “chậm mà chắc” trong giải quyết căng thẳng Biển Đông

16:05 | 03/12/2018
Trong bài viết đăng trên Eastasia Forum, chuyên gia Oel NG, nghiên cứu viên tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore khẳng định, trong năm 2018, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Singapore đã tạo khuôn khổ để có được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ngoài ra, chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN tự cường và sáng tạo", nhấn mạnh cần nâng cao tính tự cường mọi mặt của khu vực. Với chủ đề này, năm Chủ tịch ASEAN của Singapore đã góp phần tạo ra một số những cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hòa bình và an ninh khu vực.

Tín hiệu tốt

Trước khi bàn giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 cho nước chủ nhà Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã khẳng định ASEAN thực sự đã đạt được nhiều hơn những gì ông dự đoán.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33. (Nguồn: Eastasia Forum)

Singapore không thể áp đặt ý chí của riêng mình đối với trật tự khu vực và toàn cầu. Cũng như nhiều quốc gia khác, quốc đảo sư tử này gặp không ít trở ngại trong việc thuyết phục những đối tác nhất trí với những thỏa thuận đa phương, trong khi mỗi một “người chơi” đều có những lợi ích cốt lõi riêng của mình. Những vấn đề nổi cộm trong khu vực như căng thẳng tại Biển Đông, vấn đề Triều Tiên và Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trở thành rào cản lớn nhất, thách thức nỗ lực hợp tác khu vực mà trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Mặc dù vậy, ASEAN nói chung và Singapore với vai trò Chủ tịch ASEAN 2018 nói riêng đã đóng một phần quan trọng trong việc cải thiện căng thẳng trên cả ba vấn đề trên.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng: "Tôi nghĩ các bên tham gia đều mong sớm có văn kiện COC, thậm chí sớm hơn 3 năm, nhưng có đạt được hay không còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán. Thương lượng COC cần một môi trường thuận lợi và điều quan trọng nhất là cần đạt được một văn bản COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đóng góp hữu hiệu vào hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung".

Gần đây nhất, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 đã góp phần quan trọng vào việc giảm bớt căng thẳng Biển Đông, với việc Trung Quốc đồng ý tham gia vào các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trung Quốc đã đề xuất một khung thời gian là 3 năm cho việc đàm phán COC. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long coi đây là một tín hiệu tốt.

Trước đó, các bên đã nhất trí đưa ra một bản dự thảo đàm phán COC vào đầu năm nay, trước thềm hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8/2018. Có thể nhiều người cho rằng, đây là những chuyển dịch rất chậm trong đàm phán COC. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ một điều rằng, với Trung Quốc, quốc gia có rất ít động lực để ký bất kỳ một thỏa thuận ràng buộc nào, chừng ấy cũng rất đáng mừng.

Dấu ấn đảo quốc sư tử

Đặc biệt, năm 2018, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã khẳng định vị thế của Singapore như một mảnh đất không chỉ làm sản sinh của cải mà còn là nơi có thể kiến tạo hòa bình thế giới. Sau tất cả, các chuyên gia đều đồng ý rằng, cuộc gặp đó là một màn trình diễn của Singapore trước thế giới, một minh chứng rằng họ, dù là một nước nhỏ, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hòa bình thế giới và tạo ra những tác động lớn hơn là quy mô quốc gia của họ.

Dưới vai trò điều phối các cuộc họp trong khuôn khổ các cuộc họp của Hiệp hội, ASEAN đã mang đến một niềm hy vọng rằng, chủ nghĩa đa phương sẽ vẫn tiếp tục và góp phần làm các quốc gia, các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu gia tăng, tác động mạnh mẽ tới khu vực và toàn cầu. Đó là việc Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Sau hơn 5 năm, đàm phán Hiệp định RCEP đã được tiến hành 24 phiên chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ. Riêng trong năm 2018, các nước đã tăng cường đàm phán hướng đến mục tiêu kết thúc về cơ bản đàm phán vào cuối năm. Đàm phán mở cửa thị trường diễn ra trong 3 lĩnh vực: hàng hoá, dịch vụ, đầu tư đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, tuy nhiên, vẫn chưa thể kết thúc do một số nước chưa đạt được thoả thuận cuối cùng.

Quyết tâm chính trị và tiến bộ đàm phán RCEP rất có ý nghĩa, như một thông điệp khẳng định ASEAN và các đối tác không ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ mở cửa thương mại trên cơ sở quan tâm đến lợi ích của các nước ở các trình độ phát triển khác nhau.

Như vậy, năm 2018, giữa một thế giới đầy biến động, Singapore đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN của mình, giữ vững tinh thần đoàn kết, nâng cao vai trò của ASEAN trên toàn cầu với một tiếng nói đồng lòng, nhất quán.