📞

Cái giá của xung đột

TS. Hoàng Anh Tuấn 08:15 | 25/09/2022
Nhìn tổng thể, xung đột Nga-Ukraine là đỉnh điểm của các tranh chấp, bạo lực trong không gian hậu Xô viết, có nguồn gốc từ khi Liên Xô còn hùng mạnh.
Một tòa nhà bị tấn công ở thị trấn Chuguiv, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP)

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, dưới tác động của hàng loạt nhân tố bên trong và bên ngoài, mâu thuẫn giữa các nước Cộng hòa không còn nhiều yếu tố cản trở nữa nên mau chóng bùng phát thành bạo lực.

Đi tìm căn nguyên

Trong khi xung đột Nga-Ukrainechưa có dấu hiệu lắng dịu thì từ đầu tháng Chín, một loạt xung đột và bạo lực mới liên tiếp nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh cũng như xung đột biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan làm hàng trăm người thiệt mạng, hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán, nguy cơ leo thang và lan rộng ngày một hiện hữu.

Thực ra xung đột vũ trang giữa các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ và giữa Nga với một số nước này xuất phát từ tranh chấp biên giới lãnh thổ cộng thêm các yếu tố văn hóa, sắc tộc, tôn giáo cùng sự can thiệp ở bên ngoài không mới.

Năm 1988, tức ba năm trước khi Liên Xô tan rã, căng thẳng biên giới giữa Azerbaijan và Armenia đã nổ ra nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh gồm chủ yếu những người nói tiếng Armenia nhưng lại nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan.

Từ đó đến nay, tuy giữa hai nước không xảy ra xung đột lớn, nhưng căng thẳng biên giới và xung đột cường độ thấp dọc biên giới chưa bao giờ ngưng nghỉ.

Giữa Tajikistan và Kyrgyzstan cũng vậy. Chỉ mới cách đây hơn một năm, tháng 5/2021, giao tranh nổ ra giữa biên giới hai nước. Hiện nay, cả Tajikistan và Kyrgyzstan chỉ chịu ngưng bắn và ngồi vào bàn đàm phán khi Tổng thống Putin gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo của hai nước này vào ngày 18/9.

Vậy căn nguyên chính của các xung đột này là gì?

Thứ nhất, nguyên nhân lớn nhất có lẽ bắt nguồn từ các di sản của thời Liên Xô cũ, khi các nhà lãnh đạo đã sử dụng quyền lực để “cắt” rồi “trao”, “tặng” lãnh thổ của nước Cộng hòa này cho nước Cộng hòa kia theo ý muốn chủ quan cá nhân.

Chẳng hạn như cắt khu vực Transnistria, gồm đa phần dân chúng nói tiếng Nga để sáp nhập vào lãnh thổ Moldova, hay cắt khu vực bán đảo Crimea, trong đó có quân cảng nước ấm duy nhất của Nga là Sevastopol “trao” cho Ukraine.

Thứ hai, dưới thời Xô viết trước kia các mâu thuẫn hay tranh chấp giữa các nước Cộng hòa không những không được quan tâm giải quyết, mà thậm chí còn bị kìm nén, vì mục tiêu chung là thống nhất và đoàn kết bên ngoài.

Chính vì vậy mà có tới 1/2 chiều dài đường biên giới chung, dài gần 1.000 km giữa Tajikistan và Kyrgyzstan cho đến nay vẫn chưa được phân định và là nguồn gốc của các cuộc xung đột, căng thẳng biên giới gần đây.

Thứ ba, sự can thiệp từ bên ngoài, kể cả từ phía Nga, làm cho các tranh chấp, mâu thuẫn vốn đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn. Do các yếu tố lịch sử để lại, tại một số nước Cộng hòa trong không gian Xô viết cũ tồn tại một số khu vực, lãnh thổ có đông người Nga sinh sống, hoặc vẫn duy trì văn hóa, ngôn ngữ Nga tôn giáo chính thống Nga... như khu vực Transnistria thuộc Moldova, Donbass thuộc Ukraine, hay hai nước cộng hòa Nam Ossetia, Abkhazia nằm bên trong lãnh thổ Gruzia.

Bản thân Nga được cho là có toan tính riêng trong việc ngăn Moldova, Ukraine, Gruzia hay các nước cộng hòa khác gia nhập EU, NATO, hay nhích lại gần hơn với phương Tây.

Bên cạnh đó, các nhân tố bên ngoài khác, như Thổ Nhĩ Kỳ thì gần gũi hơn và ủng hộ Azerbaijan, trong khi Armenia lại nhận được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, phần nào là Nga cũng làm cho tranh chấp Azerbaijan - Armenia trở nên phức tạp hơn.

Hệ lụy khôn lường

Sự bùng phát hàng loạt xung đột trong không gian hậu Xô viết cũ trong bối cảnh đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây, cũng như sự can dự ngày càng mạnh của phương Tây, kết hợp với các bất ổn bên trong xuất phát từ các yếu tố chính trị, kinh tế, cùng các nhân tố Hồi giáo cực đoan... đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Cụ thể là:

Một là, cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn ở bên ngoài khiến cho xung đột có nguy cơ lan rộng với các hệ quả lớn về người và vật chất và do vậy càng kéo các nước Cộng hòa này rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự bất ổn, chiến tranh...

Hai là, việc có quá nhiều xung đột xảy ra cùng một lúc trong bối cảnh thế giới có quá nhiều vấn đề lớn và phức tạp như cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn trên phạm vi toàn cầu, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế... dễ khiến khu vực này rơi vào quên lãng, trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố.

Cho đến lúc này, sự can thiệp cũng như các cơ chế bên ngoài chưa giúp giảm nhiệt các xung đột. Điều quan trọng là các nước liên quan cần ngừng bắn ngay lập tức, tiến hành đối thoại trực tiếp, từng bước xây dựng lòng tin từ các bước đi nhỏ trên con đường tiến tới một giải pháp toàn diện và tổng thể.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.