📞

Căng thẳng Mỹ - Iran: Dàn trận và gài bẫy

DỊCH DUNG 16:06 | 14/06/2019
TGVN. Trong khi quan hệ Mỹ - Iran đang căng như dây đàn hiện nay lại xảy ra vụ hai con tàu chở dầu nữa bị làm hư hại ở vịnh Oman. Cái mập mờ hiện tại sẽ rất nguy hiểm đối với khu vực và thế giới nếu bị ai đó lợi dụng hoặc dẫn dắt. Phân tích của Báo TG&VN.
Căng thẳng Mỹ - Iran: Dàn trận và gài bẫy. (Nguồn: AFP)

Sự thật về vụ việc 4 con tàu chở dầu bị phá hoại ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày 12/5 vừa qua còn chưa được làm cho sáng tỏ hết thì đã lại xảy ra chuyện có hai con tàu chở dầu nữa cũng bị làm cho hư hại ở vịnh Oman.

Bài binh bố trận

Phía Mỹ lại cáo buộc Iran là thủ phạm hoặc chủ mưu và điều này thật ra không có gì là lạ và khó hiểu. Nếu như tới đây, ở khu vực này lại xảy ra chuyện tương tự thì rồi phản ứng của phía Mỹ, từ chỗ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hay ở nơi Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, đều rồi cũng sẽ không khác nhiều.

Lần này, phía Mỹ còn công bố hẳn cả một video clip mà Mỹ luận giải từ đó hình ảnh về vũ khí mà Iran đã sử dụng. Chỉ có điều là, chất lượng hình ảnh mờ nhoà đến mức người xem hiểu thế nào cũng được nhưng đều không thể hiểu chắc chắn.

Đối với Mỹ, điều quan trọng và quyết định là đưa ra bằng chứng chứ không phải là bằng chứng ấy có sức thuyết phục và được thế giới bên ngoài công nhận hay không. Không phải như thế sao ở cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm xưa, ở những hình ảnh được bộ trưởng ngoại giao Mỹ Collin Power đưa ra trong HĐBA LHQ để chứng minh là Iraq có vũ khí hoá học nhằm biện minh cho cuộc chiến tranh mày Mỹ phát động ở đó hay ở cáo buộc của Mỹ là phía chính phủ Syria sử dụng chất độc hoá học để rồi không kích Syria.

Mỹ đã dàn xong trận chiến nhằm vào Iran, về chính trị trên thế giới cũng như về quân sự ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Vì thế, diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện được thế giới quan tâm và để ý đến còn hơn cả tới chuyện chiến tranh hay hoà bình ở Syria, Yemen, Libya và Trung Đông.

Sự bài binh bố trận này được phía Mỹ - ở thời ông Donald Trump cầm quyền - triển khai thực hiện rất bài bản và nhất quán. Đầu tiên là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) và áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời kỳ trước khi có thoả thuận. Sau đó là việc Mỹ tập hợp lực lượng thành liên quân ở khu vực để cùng đối phó Iran. Tiếp đến là "Chiến lược gia tăng áp lực tối đa" đối với Iran để buộc Iran phải đáp ứng mọi điều kiện của Mỹ.

Mới đây nhất là việc ông Trump điều động thêm binh lính, triển khai thêm vũ khí và thiết bị chiến tranh của Mỹ đến vùng Vịnh để sẵn sàng "chiến" với Iran mà lý do được Mỹ đưa ra để biện minh là có những dấu hiệu cho thấy Iran hoặc đồng minh của Iran có kế hoạch tấn công Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Những vụ phá hoại tàu chở dầu không liên quan trực tiếp đến Mỹ ở góc độ những con tàu chở dầu này thuộc về Mỹ hay đang cung ứng dầu cho Mỹ mà động chạm đến Mỹ trên phương diện thông thương ở Vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz và Vịnh Oman bị đe doạ, lợi ích của các đồng minh của Mỹ bị ảnh hưởng và đều có thể rất dễ đổ vấy mọi trách nhiệm cho Iran.

Tình cảm và lý trí

Nhìn nhận từ giác độ tình cảm và lý trí thì trong chuyện hiện tại này giữa Mỹ và Iran có nghịch lý.

Về tình cảm, Mỹ và Iran không dấu diếm gì tâm lý thù ghét không đội trời chung với nhau, bị chi phối rất đáng kể bởi ý thức hệ tôn giáo và lợi ích địa chiến lược. Nhưng về lý trí, cả hai bên đều ý thức được là phải tránh xô đẩy nhau vào đụng độ quân sự trực tiếp, lại càng không thể để xảy ra chiến tranh với nhau.

Mỹ lớn giọng và dàn trận thế không phải để phát động chiến tranh với Iran mà để răn đe, tức là để Iran không đẩy Mỹ vào tình trạng buộc phải xung khắc quân sự với Iran. Từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay, Iran luôn bất hoà với Mỹ nhưng không hề chủ trương phát động chiến tranh. Lý trí buộc hai nước này luôn sẵn sàng đối địch quân sự với nhau nhưng đồng thời mách bảo họ phải tránh để xảy ra đối địch quân sự ấy.

Đụng độ quân sự hay chiến tranh của Mỹ với Iran trong bối cảnh tình hình hiện tại ở khu vực nếu xảy ra sẽ khác biệt cơ bản mọi cuộc chiến tranh mà Mỹ đã tiến hành cho tới nay trên thế giới. Thiệt hại có thể phải chịu khiến cả hai bên phải tìm mọi cách tránh đụng độ quân sự và chiến tranh với nhau.

Hai khả năng

Cho nên, những vụ tàu chở dầu bị phá hoại vừa xảy ra chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau.

Thứ nhất, khả năng trong nội bộ ở cả hai phía có ai đó chủ động dựng chuyện để bên này hay bên kia có cớ nổ phát súng đầu tiên. Ở cả hai bên đều có cuộc giằng co giữa phe bồ câu và phái diều hâu. Nếu sự thật là kịch bản này thì thực tiễn lịch sử cho thấy thủ phạm nhiều khả năng là Mỹ hơn là Iran.

Dựng chuyện và bịa cớ để khiêu chiến đâu phải mới được phía Mỹ sử dụng cho tới nay có một lần. Chuyện mới rồi xảy ra giữa khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran nhằm mục đích hoà giải giữa Mỹ và Iran. Iran lại càng không có lý do và lợi ích để tấn công các tầu chở dầu.

Thứ hai, có bên thứ ba nào đấy tìm cách gây chuyện để Mỹ có cớ đổ hết trách nhiệm cho Iran vì biết trước rằng, cứ chuyện như thế xảy ra thì tức khắc Mỹ sẽ coi Iran là thủ phạm hay chủ mưu. Tức là gài bẫy cho Mỹ và Iran để trục lợi riêng.

Cái mập mờ hiện tại sẽ rất nguy hiểm đối với khu vực và thế giới nếu bị ai đó lợi dụng hoặc dẫn dắt các bên liên quan đến những quyết định vội vàng và sai lầm. Nhưng nó cũng có tác động tích cực ở chỗ cảnh báo và nhắc nhở Mỹ và Iran phải tỉnh táo và thận trọng, phải kiềm chế và thực tế.

Sai một ly đi một dặm và rồi hối không kịp chính là ở đây và bây giờ.