Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 30/9 có bài viết cho rằng tại Mỹ Latinh, những làn sóng chính trị đã có sự đảo chiều.
Đảo chiều chính trị
Trong mấy năm qua, những quốc gia từng bầu các chính khách dân túy cánh tả giờ được lãnh đạo bởi chính quyền thuộc phái trung dung, và trong một số trường hợp còn thuộc cánh hữu.
Tuy nhiên, sự đổi chiều này có thể chỉ ngắn ngủi. Khu vực này có truyền thống ưa thích chủ nghĩa dân túy, và trong bối cảnh sự mất cân bằng về kinh tế vẫn phổ biến tại nhiều nước, thì những phát ngôn hùng hồn mị dân vẫn luôn hấp dẫn các cử tri nghèo khổ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nước nhập khẩu hầu hết hàng hóa của Mỹ Latinh, đã làm kinh tế khu vực này giảm sút theo, ảnh hưởng tới những chương trình bảo trợ kiểu dân túy. Và khi các nhà lãnh đạo cánh tả quay lại cầm quyền, họ sẽ lại phải đối mặt với những khó khăn cũ khi mà không còn nhiều tiền để đảm bảo thành công nữa.
Có thể nêu một vài ví dụ gần đây về sự đảo chiều chính trị như: Tháng 11/2015, Argentina bầu chính khách bảo thủ Mauricio Macri làm tổng thống, chấm dứt 12 năm cầm quyền của những người theo chủ nghĩa Peron (tên cựu Tổng thống Argentina - Juan Domingo Perón – người ca ngợi những nỗ lực loại bỏ đói nghèo và đề cao lao động).
Tháng 8/2016, Brazil luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, chấm dứt sự cai trị suốt 13 năm của đảng Lao động.
Tháng 12/2014, Cuba bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thay đổi một số chính sách cộng sản được duy trì suốt nửa thế kỷ.
Trong khi đó, Venezuela, một thành trì dân túy từng là nhà bảo trợ năng lượng cho một số quốc gia láng giềng, đang sa lầy trong khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị.
Bản đồ thể hiện sự đảo chiều chính trị ở Mỹ Latinh. Màu đỏ thể hiện các chính phủ theo cánh tả hay chủ nghĩa dân túy. (Nguồn: Stratfor) |
Những cuộc bầu cử sắp tới tại các quốc gia khác cũng có nguy cơ lật đổ những chính phủ cánh tả và phản đối cái gọi là sự can thiệp của Mỹ tại khu vực này. Ecuador sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào năm 2017, và liên minh Alianza Pais cầm quyền khó có thể chiến thắng nếu như thiếu vị Tổng thống lâu năm Rafael Correa. Ở Bolivia, Tổng thống Evo Morales sẽ giữ chức vụ cho tới năm 2020, song các cử tri đã kịch liệt phản đối việc ông tìm cách sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ thêm 1 năm nữa.
Những chính phủ này nhìn chung đều bị sụt giảm uy tín do giá hàng hóa toàn cầu giảm. Những nhà lãnh đạo lên cầm quyền vào đầu những năm 2000 đều nhanh chóng tận dụng việc xuất khẩu hàng hóa, nhờ nhu cầu tưởng như vô tận của Trung Quốc, và hào phóng cấp tiền cho những hệ thống mà họ bảo trợ. Những quốc gia như Brazil và Venezuela đã tăng chi tiêu công và xây dựng những công trình công cộng để giúp các nhà lãnh đạo lấy lòng dân.
Tuy nhiên, khi giá hàng hóa giảm, tốc độ tăng trưởng tại những nước như Argentina, Brazil và Venezuela chậm lại và cuối cùng là lâm vào suy thoái. Các cử tri đã trừng phạt đảng cầm quyền tại cuộc bầu cử ở Argentina năm 2015. Uy tín của bà Rousseff giảm đến mức bà thậm chí không thoát được cuộc luận tội.
Những cơ hội khó nắm bắt
Tất cả những diễn biến trên hoàn toàn không có gì mới, và chưa rõ sự đảo chiều chính trị này sẽ kéo dài bao lâu. Mặc dù Bolivia và Ecuador đã có những dấu hiệu thiên hữu, song Brazil và Argentina rất có thể sẽ quay lại với cánh tả, vì các chính phủ mới sẽ nhanh chóng mất lòng dân chúng nếu lại rơi vào tình cảnh khó khăn tài chính như các chính phủ tiền nhiệm.
Tân Tổng thống thuộc phái trung dung của Brazil, ông Michel Temer, sẽ ra tranh cử vào năm 2018 (ông tạm giữ chức vụ Tổng thống sau khi bà Rousseff bị luận tội và có lẽ ông ta sẽ khó có thể đảm bảo đảng của ông duy trì được vai trò cầm quyền). Các cử tri nước này đang bị chia rẽ giữa việc ủng hộ đảng Phong trào Dân chủ của ông Temer hay đảng Dân chủ Xã hội Brazil hay đảng Lao động.
Ngoài ra, cuộc cải cách lương hưu được đề xuất gần đây, theo đó sẽ giảm chi tiêu cho lương hưu và nâng độ tuổi nghỉ hưu, chưa giúp được đảng cầm quyền lấy được lòng của dân chúng. Và cựu Tổng thống Luiz Inacio da Silva, một trong những chính khách được lòng dân nhất nước này, có thể ra tranh cử để cạnh tranh với ông Temer - tất nhiên là với điều kiện ông không bị truy tố về những cáo buộc tham nhũng.
Tháng 8/2016, Brazil luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. (Nguồn: Washington Post) |
Những diễn biến tương tự đang diễn ra tại Argentina. Sau khi trúng cử chủ yếu là nhờ cử tri phản đối những chính sách kinh tế của chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của ông Macri dự kiến thực hiện vài đợt tăng giá điện nước trong thời gian cầm quyền. Khi ông Macri tái tranh cử vào năm 2019, chính phủ của ông gần như chắc chắn sẽ vấp phải sự tẩy chay của những cử tri phải trả thêm tiền cho điện, nước, khí đốt...
Như vậy, vào cuối thập niên này rất có thể hai nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh lại được đặt dưới sự lãnh đạo của chính những chính quyền cánh tả vừa bị các cử tri chối bỏ. Tuy nhiên, các chính quyền cánh tả trong tương lai sẽ phải giải những bài toán kinh tế quen thuộc. Giá hàng hóa thấp khiến hai nước này không thể khôi phục sự tăng trưởng mạnh mẽ mà họ từng có vào thời kỳ thịnh vượng.
Ở Argentina, một ban lãnh đạo thuộc phái Peron có thể sẽ không muốn áp dụng các biện pháp dân túy vì những biện pháp này có thể làm tiêu tan mọi thành quả về kinh tế có được từ thời chính quyền Macri.
Còn ở Brazil, những hành động của một đảng Lao động cầm quyền sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì bất kỳ chính sách hay điều luật nào cũng phải được đưa ra thảo luận giữa nhiều đảng.
Chủ nghĩa dân túy cánh tả chưa bao giờ biến mất hoàn toàn khỏi Mỹ Latinh. Đơn giản là vì trường phái này nhận được sự ủng hộ quá mạnh mẽ từ những cử tri nghèo.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế hiện nay của khu vực đã thay đổi đáng kể so với thời kỳ khu vực bắt đầu quay sang cánh tả. Những chính phủ lên nắm quyền trong những năm tới, dù tả hay hữu, sẽ không có mấy nguồn lực để có thể củng cố những thắng lợi chính trị của mình. Và những khó khăn kinh tế sẽ khiến họ bỏ lỡ cơ hội khôi phục lại những vương triều mà họ từng có trong quá khứ.