Cập nhật Covid-19 ngày 20/3: WHO 'bật đèn xanh' cho vaccine AstraZeneca; Bỉ bùng phát ca nhiễm mới; Đức tiếp tục các biện pháp hạn chế |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 554.104 ca tử vong trong tổng số 30.425.787 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 290.525 ca tử vong trong số 11.877.009 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.594 ca tử vong trong số 11.554.895 bệnh nhân.
* Tại châu Á
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 20/3 cho biết, nước này ghi nhận 452 ca nhiễm mới, trong đó 440 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 98.209 ca.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc ở mức trên 400 ca/ngày, trong đó các ổ dịch nhỏ lẻ tiếp tục được phát hiện tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận, khiến giới chức nước này quan ngại về sự gia tăng các ca bệnh mới vào dịp cuối tuần, thời điểm người dân thường đi ra ngoài.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc cũng có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.693 người.
* Tại châu Âu
Ngày 19/3, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca tại một bệnh viện gần Paris, trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Pháp như một phần trong nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của công chúng đối với loại vaccine này.
Động thái này cũng mở đường cho việc nối lại chương trình tiêm vaccine AstraZeneca sau một thời gian tạm dừng. Trước đó, các báo cáo chỉ cho thấy tình trạng xuất hiện các cục máu đông sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở những người dưới 55 tuổi.
Trong khi đó, Đan Mạch cho biết, sẽ tiếp tục tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca. Quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra trong tuần tới sau khi có kết quả điều tra thêm.
Tại một cuộc họp báo, Giám đốc Hội đồng Y tế cấp cao của Italy Franco Locatelli khẳng định, nếu công dân nằm trong diện được gọi đi tiêm chủng mà không muốn sử dụng vaccine AstraZeneca thì sẽ được xem xét để sử dụng một loại vaccine khác sau này.
Italy nằm trong số hơn một chục quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca, do lo ngại niềm tin của công chúng đối với vaccine có thể bị giảm sút.
Tại Thụy Sỹ, chính phủ nước này cùng ngày khẳng định đã hoãn kế hoạch nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 với lý do ngày càng nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và chương trình tiêm chủng không đạt được nhiều tiến bộ.
Bỉ đã ghi nhận sự bùng phát số ca lây nhiễm mới và số ca nhập viện trong một tuần qua khiến chính phủ nước này phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trong những ngày tới. Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke khuyến cáo người dân phải giảm thiểu các cuộc gặp gỡ và hoạt động đi lại, đặc biệt kêu gọi giới doanh nghiệp tôn trọng các quy định về làm việc từ xa.
Cũng theo Bộ trưởng Vandenbroucke, các ca nhiễm mới chủ yếu là ở nơi làm việc và trường học, vì vậy, kể từ ngày 22/3 tới, Chính phủ Bỉ bổ sung quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với học sinh lớp 5 và lớp 6, nghĩa là áp dụng đeo khẩu trang đối với trẻ em 10 và 11 tuổi (quy định trước đây là trẻ dưới 12 tuổi không phải đeo khẩu trang).
Ngoài ra, Thủ thướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, các hoạt động hội họp ngoài trời, dự kiến được phép kể từ ngày 1/4, sẽ phải hoãn và chờ ý kiến của Ủy ban Tham vấn về Covid-19 trong những ngày tới. Bên cạnh đó, các chuyến đi không có lý do thiết yếu vẫn bị cấm cho tới ngày 18/4.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang đã thống nhất đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, với sự tham gia của các bác sĩ gia đình ngay sau Lễ Phục sinh, theo đó thực hiện tiêm chủng tối thiểu 1 triệu liều vaccine mỗi tuần. Từ ngày 5-11/4, khoảng 50.000 cơ sở y tế ở Đức cũng được phép tiêm chủng. Theo chính phủ liên bang, việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để chặn đà tăng đáng kể số ca nhiễm mới, do đó Đức có thể sẽ áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hiện tỷ lệ mắc bệnh tại Đức đã tăng lên 95,6 ca/100.000 người. Trước đó, chính phủ liên bang và các bang đã thống nhất sẽ rút lại việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nếu tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 100 ca/100.000 người/1 tuần. Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang sẽ thảo luận thêm về các biện pháp vào đầu tuần tới.
* Về vấn đề vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, "không có gì phải bàn cãi" về những lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca sau khi các chuyên gia về an toàn vaccine của WHO không phát hiện sự gia tăng hiện tượng đông máu liên quan việc tiêm loại vaccine này.
Trước đó cùng ngày, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Lithuania, đã nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) "bật đèn xanh" sử dụng loại vaccine này hôm 18/3 vừa qua.
* Ngày 19/3, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ hỗ trợ Nicaragua 430.000 liều vaccine ngừa Covid-19 trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021, thông qua cơ chế cung cấp vaccine COVAX - chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Thông cáo của EU cho biết, hoạt động hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ chương trình đoàn kết quốc tế của khối, qua đó các quốc gia thành viên EU đã dành 2,2 tỷ Euro (tương đương hơn 2,6 tỷ USD) để mua vaccine giúp 92 quốc gia có thu nhập thấp được tiếp cận với vaccine hiệu quả.
Cũng theo EU, chương trình COVAX của WHO đặt mục tiêu có được 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021, trong đó 1,3 tỷ liều sẽ dành cho các nước nghèo.