Tính đến 8h ngày 6/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 116.649.950 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. |
Số người chết vì Covid-19 tuần qua là 62.055 người, tức trung bình 8.865 người mỗi ngày, giảm 7% so với tuần trước. Sự sụt giảm diễn ra chủ yếu ở Bắc Mỹ, nơi số người chết giảm 20%, xuống còn 12.282 người. Ở châu Á, số nạn nhân giảm 18% xuống còn 3.666, trong khi ở châu Phi, con số này giảm 14% xuống 2.151 người, châu Âu giảm 4% xuống còn 22.795. Trong khi đó, con số này ở Trung Đông tăng 3% lên 1.824, Mỹ Latinh và vùng Caribe cũng tăng 3% lên 19.425.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 535.560 ca tử vong trong tổng số 29.592.712 ca nhiễm. Trong 24h qua, Mỹ vẫn có thêm 66.289 ca nhiễm mới và 1.788 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 157.693 ca tử vong trong số 11.191.864 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 262.948 ca tử vong trong số 10.871.843 bệnh nhân.
* Đại diện WHO cho biết, đại dịch Covid-19 tác động tới cuộc sống và chấn thương tâm lý lớn hơn Thế giới II, với ảnh hưởng kéo dài "trong nhiều năm tới". "Sau Thế chiến II, thế giới trải qua nhiều đau thương, vì cuộc chiến đó ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng. Còn bây giờ, đại dịch Covid-19 có cường độ thậm chí lớn hơn, ảnh hưởng đến nhiều người hơn", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại một cuộc họp báo ngắn ngày 5/3. "Gần như toàn bộ thế giới bị ảnh hưởng, mỗi cá nhân trên thế giới thực sự đều bị tác động".
Tại Họp báo, Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết, COVAX - cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác đã phân phối hơn 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 tới 20 quốc gia. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong tuần tới, COVAX sẽ phân phối 14,4 triệu liều vaccine tới 31 quốc gia nữa. Mặc dù vậy theo ông, lượng vaccine được phân phối thông qua cơ chế COVAX vẫn còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2 đến 3% dân số ở các nước nhận được vaccine thông qua cơ chế này.
Mục tiêu của sáng kiến COVAX là đảm bảo rằng không nền kinh tế tham gia nào bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vaccine Covid-19. Mục tiêu cốt lõi của chương trình là cung cấp 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm nay.
* Liên quan đến các loại vaccine đang được sử dụng trên thế giới, trên trang Twitter của mình, nhà phát triển vaccine Sputnik V của Nga cho biết, loại vaccine này đã được phê duyệt ở 45 quốc gia trên thế giới, nhiều thứ hai trong số các loại vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép sử dụng. Vị trí số 1 thuộc về vaccine của hãng AstraZeneca.
* Trong ngày 5/3, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt vaccine phòng Covid-19 của Johnson & Johnson. Theo Bộ Y tế Canada, các bằng chứng cho thấy loại vaccine này vừa an toàn vừa hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, vaccine này có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ lạnh trong ít nhất ba tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối đến các vùng, lãnh thổ trên toàn Canada. Đây là loại vaccine thứ tư được Canada phê duyệt, chỉ yêu cầu một liều tiêm duy nhất. Hiện Canada đã đặt mua trước 10 triệu liều vaccine này. Trước đó, ngày 26/2, Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine của Johnson &Johnson.
* Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/3 tuyên bố Mỹ "đang đi đúng hướng để có đủ nguồn cung vaccine cho toàn bộ người trưởng thành tại Mỹ vào cuối tháng 5", sớm hơn hai tháng so với dự đoán trước đó của Washington.
Hai bang Mỹ Texas và Mississippi tuần này tuyên bố "mở cửa 100%" và dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, gồm lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Biden gọi đây là "sai lầm lớn" và "tư duy người tối cổ". Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng nhấn mạnh "giờ không phải là lúc để nới lỏng tất cả các hạn chế". Thống đốc Texas sau đó chỉ trích Biden để người di cư nhiễm Covid-19 vào bang này và nhấn mạnh đó mới là "tư duy tối cổ".
* Nhằm ứng phó với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19, CH Czech đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ tiêm vaccine. Đáng chú ý, do hệ thống y tế đang đối mặt tình trạng quá tải, quốc gia Trung Âu này đang kêu gọi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Y tế Ch. Czech Jan Blatny tại cuộc họp báo ngày 5/3 cho biết, quốc gia Trung Âu này sẽ tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 3, trong đó có khoảng 700.000 liều vaccine của hãng Pfizer/Biontech. Đến nay, hơn 250.000 người dân nước này đã được tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 và khoảng 90.000 người trên 80 tuổi đã được tiêm.
Trong hơn 2 tuần qua, CH. Czech là quốc gia có tỷ có tỷ lệ ca mắc Covid-19 cao nhất trong EU, trong đó ngày 4/3 ghi nhận hơn 14.500 ca nhiễm mới. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 phải nhập viện và trong tình trạng nghiêm trọng gia tăng. Hiện có hơn 8.000 ca mắc Covid-19 phải nhập viện, trong đó hơn 1.700 trong tình trạng nghiêm trọng.
* Cùng ngày, Ủy ban tham vấn của Bỉ đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại nước này và quyết định kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Alexander De Croo đã công bố một lộ trình ba bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch vào tháng 3, 4 và 5. Theo đó cụ thể từ ngày 8/3, số lượng tối đa người tiếp xúc ngoài trời được tăng từ 4 lên 10 người, đi kèm với đó là việc tuân thủ mang khẩu trang và giãn cách xã hội. Số lượng người tham dự đám tang cũng được tăng lên mức tối đa là 50. Từ ngày 15/3, học sinh tiểu học và trung học cơ sở được phép tham dự hoạt động ngoài trời 1 ngày trong tuần. Sinh viên đại học sẽ đến trường học 1 ngày/tuần.
Dự kiến vào cuộc họp của Ủy ban tham vấn vào ngày 26/3, các nhà chức trách sẽ đánh giá xem liệu tình hình có cho phép các biện pháp nới lỏng như trên có được thực hiện hay không.
Người phát ngôn của Ban phòng chống Covid-19 của Bỉ Yves Van Laethem cho biết, số lượng người mắc bệnh mới trung bình đã ổn định trong vài ngày qua và có xu hướng sẽ bắt đầu giảm trở lại trong những ngày tới.
Từ ngày 23/2 đến 1/3, trung bình mỗi ngày ở Bỉ có 2.358,7 trường hợp nhiễm mới được phát hiện, tăng 2% so với tuần trước. Tổng cộng, 1.906 người vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện do Ccovid, trong đó có 426 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt.
* Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai trên toàn thế giới, Thái Lan đang cân nhắc phát hành "hộ chiếu vaccine" và miễn cách ly trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho hay, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine". Kế hoạch ban đầu sẽ liên quan đến công tác phát hành chứng nhận cho các du khách đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đến Thái Lan, cho phép họ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, Bangkok cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách Thái Lan.
* Tại châu Âu, Thụy Điển là một trong những quốc gia ủng hộ sáng kiến "hộ chiếu vaccine". Ngày 5/3, Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số Anders Ygeman cho biết Thụy Điển đang phát triển chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 kỹ thuật số để sử dụng trong các chuyến du lịch quốc tế. Mục tiêu là đưa hệ thống này đi vào hoạt động vào ngày 1/6 tới.
Ông Ygemancho biết, chứng nhận điện tử này có thể được sử dụng để tham gia các sự kiện hoặc tiếp cận các dịch vụ cụ thể ở Thụy Điển, song song với việc đảm bảo tránh tình trạng phân biệt đối xử đối với những người không thể tiêm chủng. Chứng nhận tiêm chủng có thể truy cập được thông qua nhận dạng kỹ thuật số và có thể được lưu trên điện thoại thông minh hoặc trong ví điện tử. Nó cũng có thể được gửi bằng thư thông thường dưới dạng tài liệu giấy hoặc nhãn dán NFC được gắn vào hộ chiếu của chủ sở hữu. Một khóa mã hóa sẽ được đính kèm nhằm cho phép xác minh tính xác thực của chứng nhận tiêm chủng tại các cơ quan kiểm soát biên giới.
Thụy Điển đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 568.000 người, trong đó 285.000 người đã được tiêm 2 mũi. Tính tới ngày 5/3, Thụy Điển đã ghi nhận 685.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 13.003 ca tử vong.