Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 34,2 triệu ca mắc, trong đó có 613.052 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29 triệu ca mắc và 353.557 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với hơn 17 triệu ca và đứng thứ hai về số ca tử vong với 477.307.
Châu Á vẫn đang là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất thế giới, với 158.494 ca trong 24 giờ qua. Đến nay, châu Á ghi nhận hơn 52,75 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có 718.198 ca tử vong.
Nam Mỹ tiếp tục "cùng cảnh" với châu Á khi ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức hơn 100.000 ca. Đến nay, khu vực này ghi nhận gần 30 triệu ca nhiễm, trong đó có 924.623 ca tử vong.
Châu Âu và Bắc Mỹ đang trong quá trình giảm dần phong tỏa cũng như các hạn chế, trong bối cảnh số ca nhiễm luôn duy trì ở mức 20.000-40.000 ca mỗi ngày, giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh dịch.
Đến nay, châu Âu ghi nhận gần 47 triệu ca nhiễm với 1.081.225 ca tử vong, trong khi các con số này ở Bắc Mỹ lần lượt là hơn 40 triệu và 903.645 ca.
Châu Phi hiện ghi nhận xấp xỉ 5 triệu ca nhiễm với 133.382 ca tử vong; ở châu Đại Dương, con số này lần lượt là 69.656 và 1.254 ca.
* Ấn Độ, nơi chịu cơn bão Covid-19 khủng khiếp quét qua từ tháng 3, trong hai ngày qua đã ghi nhận tín hiệu có vẻ tích cực hơn, với số ca nhiễm mới mỗi ngày đều ở mức dưới 100.000 ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ thêm 91.227 ca mắc mới với 2.213 bệnh nhân không qua khỏi.
Ngày 7/6, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố cung cấp vaccine miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành.
Ngày 8/6, một quan chức Ấn Độ cho hay, nước này đã đặt mua 250 triệu liều vaccine Covishield và 190 triệu liều vaccine Covaxin phòng bệnh Covid-19, số vaccine này sẽ được cung cấp từ giờ cho đến tháng 12/2021.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological E dự kiến được cung cấp vào tháng 9 tới.
* Tại Malaysia, chính phủ đã đồng ý thực hiện Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) từ ngày 10-23/6 tại một số địa phương thuộc bang Sabah và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur vì tỷ lệ mắc Covid-19 ở đây quá cao, chiếm khoảng gần 70% tỷ lệ xét nghiệm.
Ngày 8/6, Malaysia ghi nhận thêm 5.566 ca mắc Covid-19, là ngày thứ 2 liên tiếp ở mức trên 5.000 ca.
Tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở Malaysia là 627.652, trong đó có 3.536 ca tử vong, chiếm 0,56% và 82.797 ca vẫn đang dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm 13,19%.
* Tại Hàn Quốc, cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 602 ca mắc Covid-19, trong đó có 581 ca lây nhiễm tại 17 tỉnh, thành, tăng so với 3 ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 145.692 ca.
Trong số các trường hợp lây nhiễm trong nước, thủ đô Seoul có 181 ca, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul với 155 ca và thành phố Incheon là 21 ca.
Ngày 9/6, Thủ tướng Hàn Quốc cho hay, sẽ cho phép các nhóm công dân đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được phép du lịch các nước có tình hình dịch bệnh ổn định sớm nhất vào tháng 7 tới, trong bối cảnh nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.
* Tại Nhật Bản, ngày 8/6, các công ty và trường đại học lớn đã nộp đơn xin phép tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên và sinh viên tại hơn 400 nơi làm việc và cơ sở, bắt đầu từ ngày 21/6 tới. Chiến dịch này sẽ sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ).
Hiện Nhật Bản đang tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna cho người dân. Mặc dù đã phê duyệt việc lưu hành vaccine của AstraZeneca, nhưng do quan ngại phản ứng phụ huyết khối hiếm gặp nên loại vaccine này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
* Tại Nga, giới chức y tế thông báo, số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố St.Petersburg đang có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa diễn ra Vòng chung kết EURO 2020. St.Petersburg là một trong số thành phố đăng cai giải bóng đá châu lục này.
Đến nay, Nga ghi nhận hơn 5,1 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 124.496 ca tử vong.
* Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này đã nới lỏng cảnh báo đi lại đối với 61 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, theo đó hạ từ Cấp độ 4 (mức cao nhất, hạn chế hoàn toàn đi lại) xuống Cấp độ 3 (cho phép các cá nhân được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ được đi lại).
Trong số 61 quốc gia được hạ mức cảnh báo đi lại xuống Cấp độ 3, ngoài Nhật Bản còn có các nước như Pháp, Nam Phi, Canada, Mexico, Nga, Tây Ban Nha và Italy.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bộ này đang trong quá trình xem xét lại hướng dẫn đi lại nhằm phản ánh đúng những điều chỉnh của CDC.
Trong khi đó, các bệnh viện, các sở y tế của bang và chính quyền liên bang Mỹ đang phải gấp rút tính xem nên làm gì với hàng triệu liều vaccine Johnson&Johnson (J&J) sắp hết hạn trong tháng 6 này.
Viễn cảnh số vaccine trên phải tiêu hủy trong khi các nước đang phát triển lại không có vaccine để tiêm chủng khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden gánh thêm nhiều sức ép phải chia sẻ ngay cho các nước càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, làm thế nào để có thể chuyển vaccine cho các nước một cách nhanh chóng, kịp thời trước khi hết hạn không phải là việc dễ dàng.
Bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vaccine J&J sắp hết hạn, còn các bang như West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas hiện cũng đang trữ hàng nghìn liều vaccine J&J sắp hết hạn, trong khi một số lượng khá lớn hai loại vaccine khác của Mỹ là Pfizer và Moderna-BioNTech cũng sắp hết hạn trong vài tháng tới.
Để nhanh chóng giải quyết số vaccine kể trên, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế tại các bang của Mỹ đã phải đưa ra các hình thức khuyến khích với hy vọng có thêm nhiều người dân chấp nhận tiêm vaccine J&J trước khi số vaccine này hết hạn.
Tuy nhiên, những cố gắng này chưa mang lại nhiều hiệu quả bởi tiến trình tiêm chủng tại nước Mỹ đã bắt đầu chậm lại.
Theo số liệu của CDC Mỹ, nước này mới sử dụng hết khoảng hơn một nửa trong tổng số 21,4 triệu liều vaccine J&J được phép lưu hành nhưng đã dùng hết 83% số vaccine Pfizer và Moderna được sản xuất.
* Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới, chẳng hạn như yêu cầu cách ly ở khách sạn, sẽ tập trung vào những khách nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, ông không công bố khung thời gian để nới lỏng các biện pháp được áp dụng trong đại dịch này. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của Canada nhằm chào đón du khách quốc tế trở lại.
* Liên quan đến vấn đề vaccine, hai hãng dược phẩm của Mỹ và Đức lần lượt là Pfizer và BioNTech thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống.
Hai hãng được sẽ thực hiện một nghiên cứu trên gần 4.500 trẻ em tại hơn 90 cơ sở khám bệnh ở Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan.
Nghiên cứu cũng sẽ tuân theo một chế độ sử dụng vaccine cụ thể cho các nhóm tuổi nhất định. Theo đó, trẻ em từ 5-11 tuổi được cung cấp một liều 10 microgam vaccine, trong khi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi sẽ được tiêm 3 microgam vaccine.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cho biết, các nhà chức trách nước này đã cấp phép cho việc tiêm vaccine của hãng cho trẻ 3 tuổi.
* Về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19, ngày 8/6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass tuyên bố không ủng hộ động thái này, nêu quan ngại cản trở sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực dược phẩm.
Ngoài ra, ông Malpass cũng một lần nữa kêu gọi các quốc gia giàu có nhanh chóng hỗ trợ các nước đang phát triển lượng vaccine dư thừa.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |