Cách tiếp cận mới
Vừa qua, tại New York, Diễn đàn Thương mại Mỹ - châu Phi (USABF) đã tiến hành hội nghị lần thứ hai với mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ tài chính, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Theo đuổi cách tiếp cận mới, Washington đang có trong tay nhiều lựa chọn về chính sách đối với châu Phi. Giờ đây, Mỹ không còn bị trói buộc vào khuôn khổ của những thỏa thuận viện trợ nhân đạo hay chống khủng bố và cực đoan. Họ có thể mở rộng mối quan hệ với các nước châu Phi sang lĩnh vực thương mại - đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Obama tại Diễn đàn Thương mại Mỹ - châu Phi 2016. (Nguồn: Jejeprime) |
Ông Obama cùng Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Phi khác cùng với hơn 100 tập đoàn lớn đã tham dự hội nghị USABF lần thứ hai. Bảy vấn đề thiết yếu nhất đối với kinh tế châu Phi đã được đề cập đến, gồm tài chính, đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng và công nghệ thông tin - truyền thông. Hàng loạt sáng kiến đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân đã được công bố. Rõ ràng, đây chính là điểm nhấn quan trọng của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng.
Nhờ những điều chỉnh cơ bản trong chính sách của Mỹ mà nguồn vốn đầu tư đã được khơi thông và đổ vào các thị trường châu Phi, mang lại lợi ích đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và các nước châu Phi cũng tăng nhanh chóng. Trong nhiệm kỳ hai của ông Obama, Mỹ đã triển khai sáng kiến "Điện năng châu Phi" với gần 43 tỷ USD vốn cam kết từ 120 đối tác công và tư. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cộng đồng Đông Phi (EAC) sang thị trường Mỹ đã tăng 24% trong giai đoạn 2013-2014.
Điều chỉnh chính sách kịp thời
Giới phân tích cho rằng, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ là kịp thời trong bối cảnh các nước lớn đang đẩy mạnh chiến lược can dự vào châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, nhằm tìm kiếm lợi ích lâu dài. Hiện châu Phi vẫn chỉ là một thực thể tương đối nhỏ trong thương mại thế giới, chiếm khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò của châu lục này đang ngày càng tăng với nhiều tiềm năng quan trọng và luôn cần thiết cho chiến lược của bất kỳ cường quốc nào.
Tăng cường can dự vào châu Phi thông qua những sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều được xác định là hướng đi chủ yếu của Washington dưới thời ông Obama. Khi ông Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều người đã dự báo rằng châu Phi sẽ có vai trò quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, dự báo này chưa hoàn toàn đúng nếu xem xét ở góc độ tầm quan trọng và thứ tự ưu tiên những lợi ích chiến lược toàn cầu mà Washington theo đuổi. Mỹ chắc chắn phải dành ưu tiên nguồn lực cho chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương, ổn định tình hình Trung Đông, củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và khôi phục vị thế ở "sân sau" Mỹ Latin...
Ông Obama được người dân Tanzania chào đón hồi tháng 5/2016. (Nguồn: Getty Images) |
Mặc dù vậy, Tổng thống Obama vẫn tìm ra lý do để can dự vào châu Phi trong suốt 8 năm nắm quyền. Riêng nhiệm kỳ hai, ông đã có 2 chuyến công du đến châu lục này. Điều quan trọng là ông Obama đã nhận thấy những tiềm năng của châu Phi trong bối cảnh toàn cầu có nhiều sự chuyển dịch chiến lược. Không chỉ cần viện trợ và kỹ năng quản lý, châu Phi cũng có thể phát triển rực rỡ nếu có thêm nhiều vốn đầu tư đổ vào và hoạt động thương mại ngày càng nhộn nhịp. Nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả với các nước châu Phi dựa trên những sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại - đầu tư sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho Mỹ trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.
Giới quan sát nhận định, rất có thể “chủ nhân” mới tại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2016 sẽ tiếp nối chính sách khá thành công của ông Obama. Châu Phi vẫn còn là cơ hội cho giới doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu thô. Trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng đang bắt tay vào việc hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn ở châu Phi.