Bìa cuốn sách “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” của tác giả Võ Văn Sung. |
Ngày 21/4/1975, Tổng thống Ford tuyên bố tại trường Đại học New Orleans là: "Chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ". Ban Cán sự chúng tôi rất mừng vì đã có các bước đi khớp với trong nước cả về ý đồ chiến lược và vận dụng sách lược.
Sau khi ông Thiệu từ chức ngày 21/4 và ông Trần Văn Hương lên thay, thì trưa ngày 22/4, Ngoại trưởng Pháp J. Sauvagnargues lại mời tôi và anh Phạm Văn Ba lên gặp; anh Ba được mời đến trước tôi 30 phút. Chúng tôi có trao đổi và nhất trí Trần Văn Hương cũng là "tay chân" của ông Thiệu, do đó ta cứ bác bỏ mọi sự "dàn xếp". Khi chúng tôi ra cửa trụ sở Bộ Ngoại giao (BNG) Pháp, thấy có khá đông giới báo chí đã chờ sẵn. Câu hỏi của các nhà bào là: Thiệu đã ra đi, Hương thay Thiệu, như vậy là đòi hỏi của ta đã được đáp ứng? Anh Phạm Văn Ba trả lời: "Trần Văn Hương không phải là Nguyễn Văn Thiệu, nhưng cũng là anh em của ông Thiệu".
Những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn
Đến lượt tôi, tôi chỉ nói một câu rất ngắn gọn, được các đài, các báo và vô tuyến truyền hình nhắc lại là: Huong et Thieu c'est bonnet blanc et blanc bonnet" (Hương và Thiệu là cùng một giuộc). Sau đó, ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Sauvagnargues được nhà báo hỏi thì trả lời: "Pháp cho rằng giải pháp chính trị là rất khó nhưng cũng có thể vì Thiệu đã ra đi là coi như một điều kiện tiên quyết của Chính phủ Cách mạng được đáp ứng". Ông Bộ trưởng cũng có nhắc lại là đầu tháng 4/1975, như BNG Pháp đã có hai lần công bố vào ngày 5/4 và ngày 9/4 là qua tiếp xúc, phía Pháp thấy Chính phủ Cách mạng lâm thời (CPCMLT) thời vẫn còn giữ ý kiến là họ thiên về việc thành lập một Hội đồng hòa giải dân tộc ở miền Nam hơn là một thắng lợi quân sự hoàn toàn. Ông cũng cho biết Pháp đã thông báo điều đó cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Sau khi gặp Ngoại trưởng Pháp và ra về, chúng tôi rất mong tin tức trong nước về thái độ chính thức của ta đối với việc ông Hương thay ông Thiệu, và không lâu sau đó chúng tôi được tin qua Đài tiếng nói Việt Nam là CPCMLT bác bỏ đề nghị ngừng bắn và đàm phán không điều kiện của ông Hương, và CPCMLT cho rằng ông Hương chỉ là con rối của Mỹ để hòng duy trì bè lũ Thiệu không có Thiệu mà thôi.
Tiếp đó chúng tôi được tin Mỹ bắt đầu di tản người Mỹ từ ngày 21/4 và Tổng thống Ford tuyên bố tại trường Đại học New Orleans là: "Chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ". Ban Cán sự chúng tôi rất mừng vì đã có các bước đi khớp với trong nước cả về ý đồ chiến lược và vận dụng sách lược.
Về sau chúng tôi được biết đến thêm là đúng ngày 22/4/1975, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã thay mặt Bộ Chính trị phát lệnh mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh bắt đầu.
Đầu hàng vô điều kiện
Tình thế chính quyền Sài Gòn nguy cập. Ngày 28/4 chúng tôi được tin ông Dương Văn Minh thay ông Trần Văn Hương làm tổng thống và kêu gọi CPCMLT cùng ngừng bắn. Nhưng thời điểm ngày 28/4/1975 trong lúc các quân đoàn của ta đang tiến vào Sài Gòn, quân của Chính quyền Sài Gòn đã tan rã từng mảng, quần chúng được phát động nổi dậy, ai cũng đều thấy rằng sự lựa chọn duy nhất còn lại của chính quyền mới ở Sài Gòn là đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 28/4 liền sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đề nghị "anh em ở bên kia trận tuyến" ngừng bắn để dàn xếp thì trưa ngày 28/4/1975, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Sauvagnargues lại mời tôi và anh Phạm Văn Ba lên gặp. Chúng tôi lúc đó chưa nhận được chỉ thị hay thông báo gì ở trong nước, cũng không có thì giờ để thỉnh thị. Trao đổi trong Ban Cán sự, tôi nói ta có tuyên bố ngày 26/4 của CPCMLT, do đó cứ dựa vào tuyên bố đó mà nói. Điểm này chúng tôi nhất trí, nhưng khi trao đổi về vấn đề với Pháp yêu cầu ta phát biểu về ông Dương Văn Minh và họ nói rằng ông ấy không phải là người của Thiệu thì ta nên trả lời thế nào? Tôi nêu ý kiến ta vẫn có sự tôn trọng nhất định với ông Dương Văn Minh, nhưng vào thời điểm này thì không thể có sự lựa chọn nào khác. Theo tôi, ta không nên phát biểu gì theo hướng khác, cách nói tùy mỗi người lựa câu…
Trong suốt ngày 29/4/1975 các báo đài phương Tây đều đưa tin CPCMLT thời đã "không để ý gì đến đề nghị của ông Dương Văn Minh". Những tin tức tiếp theo trên các báo và đài đều tập trung đưa tin chiến sự, đưa tin về sự tan rã của quân ngụy và việc di tản của quân Mỹ và những người được Mỹ đưa đi. Không có báo đài nào và dư luận đề cập vấn đề đàm phán và ngừng bắn nữa. Đến 4 gờ sáng ngày 30/4/1975, giờ Paris, các đài đều đưa tin xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập và ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Khác với những ngày trước, BNG Pháp không gọi hỏi gì Đại sứ quán VNDCCH và Phái đoàn thường trực CPCMLT.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. |
Năm giờ sáng ngày 30/4/1975 giờ Paris, sau khi được tin quân ta vào Dinh Độc lập và ông Dương Văn Minh đầu hàng, tôi gọi điện thoại cho ủy viên thường trực hôm đó của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp là ông G. Plissonnier. Được tin tôi báo, ông G. Plissonnier cho biết nói chung, các Đảng bộ Đảng Cộng sản Pháp đã chuẩn bị đầy đủ, không có gì cần bổ sung thêm, chỉ cần xác nhận cho các nơi yên tâm và ông nhờ tôi gửi lời chúc mừng đến hai cơ quan ta. Về sau tôi được biết trong nội bộ bạn cũng có sự phân công theo dõi tình hình và bạn cũng đều nhận định là quân ta có thể vào Sài Gòn ngày 1/5. Có thể nói rằng cuộc biểu tình ngày 1/5/1975 ở Paris là tuyệt đẹp cho chúng ta. Biểu tình mồng 1/5 là truyền thống của các bạn Pháp, nhưng các công đoàn đều có các yêu cầu chính trị riêng và khẩu hiệu riêng tùy tình hình quan hệ giữa các tổ chức công đoàn tùy từng thời kỳ một.
V là Việt Nam, V là thắng lợi
Cuộc biểu tình ngày 1/5/1975 diễu qua các đường phố từ quảng trường La Nation ở gần trung tâm Paris đến cửa ô Saint Martin đã có hầu hết các công đoàn và các tổ chức chính trị từ trung tả, tả và cực tả với khẩu hiệu "Mừng Việt Nam toàn thắng". Có bạn đã dùng lối chơi chữ trong khẩu hiệu "V comme Vietnam, V comme Victoire, Vietnam Victoire!" (V là Việt Nam, V là thắng lợi, Việt Nam - thắng lợi!). Ban Cán sự cũng đã giao cho Ban Chấp hành Nhóm Việt ngữ huy động toàn lực lượng Liên hiệp Việt kiều tham gia, một số người không thuộc Liên hiệp cũng tham gia. Mấy ngày sau chúng tôi được tin ở các nước lân cận các tổ chức tả cũng đưa khẩu hiệu mừng Việt Nam toàn thắng vào hoạt động ngày 1/5. Nay nhớ lại tôi thấy quả thật là một sự hiệp đồng tuyệt vời giữa trong nước với ngoài nước; giữa bạn bè thuộc đủ xu hướng ở các nước Tây Âu.
Sau ngày 1/5/1975 khi chúng tôi cám ơn các bạn Pháp về việc này, nhiều người nói "Chính chúng tôi phải cám ơn Việt Nam vì các bạn đã chứng minh chúng tôi đúng khi ủng hộ các bạn!".
Sáng ngày 30/4/1975 chúng tôi đã liên lạc với các tổ chức bạn và Việt kiều ở các nước lân cận như Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Tây Đức, Thụy Sỹ, Italy, Tây Ban Nha để báo tin và đề nghị hoạt động ngày 1/5 thì đều được bạn trả lời "Bạn đã có chủ trương như vậy" cho nên ngày 1/5/1975 khắp nước Pháp và Tây Âu là cả một ngày mừng Việt Nam thắng lợi hoàn toàn.
* Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại CH Pháp
(Trích từ cuốn Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris của Võ Văn Sung, Nxb. Quân đội Nhân dân)