Trụ sở Bộ Thương mại Mỹ. (Nguồn: Inside Telecom) |
Rào cản lớn trong nội bộ
Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục hô hào về việc hợp tác với các đồng minh để đảm bảo sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Washington khó có thể quay trở lại tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong thời gian tới.
Khi Quốc hội Mỹ không mấy hào hứng về việc ký kết những thỏa thuận thương mại mới, chiến lược kinh tế của Washington trong khu vực sẽ chỉ tập trung vào những nỗ lực đối đầu với những thách thức do Trung Quốc gây ra.
Theo đó, Mỹ sẽ phối hợp với những quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực để dẫn dắt nỗ lực này. Tuy nhiên, chiến lược kinh tế này của cường quốc số 1 thế giới có thể sẽ kém hiệu quả hơn khi các đối tác đầu tư và thương mại mới được dàn xếp mà không có sự "góp mặt" của Mỹ.
Để mở đường cho Mỹ có thể quay trở lại CPTPP, rào cản lớn đầu tiên cần phải vượt qua là việc tái cấp phép cho luật Quyền xúc tiến thương mại (TPA) vốn sẽ hết hạn vào ngày 1/7/2021.
TPA là một công cụ quan trọng để Mỹ có thể đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào. TPA cho phép Nhà Trắng đệ trình một thỏa thuận thương mại lên Quốc hội để được thông qua hoặc bác bỏ mà không có quyền đưa ra thay đổi nào đối với thỏa thuận này.
Nếu không có TPA, việc thông qua bất kỳ một thỏa thuận thương mại mới nào tầm vĩ mô như CPTPP sẽ gặp phải thách thức to lớn và tốn rất nhiều thời gian.
| Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Quay lại ngoại giao truyền thống và chiến thắng cho ai? |
Ngay cả khi TPA tiếp tục được Quốc hội Mỹ ký thành luật vào một thời điểm thích hợp, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ vẫn vấp phải thách thức khi Quốc hội lưỡng đảng không mấy mặn mà với việc ký kết một thỏa thuận thương mại "khủng" như CPTPP.
Không có gì ngạc nhiên khi báo cáo Chương trình Chính sách Thương mại 2021 của Mỹ, do Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai chịu trách nhiệm soạn thảo, cho biết, chính quyền của ông Biden sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự thương mại tập trung vào việc thu hút cử tri, theo đó "sẽ khuyến khích đầu tư và đổi mới trong nước, tăng cường an ninh kinh tế cho các gia đình Mỹ, bao gồm cả việc chống lại các hành vi thương mại không công bằng của các đối tác thương mại".
Việc tập trung vào tăng trưởng trong nước cũng là mục tiêu mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump theo đuổi.
Mặc dù mối quan tâm duy nhất của ông Trump về việc giảm thiểu thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vấp phải chỉ trích gay gắt, song những nghi ngờ của cựu tỷ phú New York về lợi ích kinh tế mà những thỏa thuận kinh tế đem lại cho người dân Mỹ thậm chí đã được những người kiên quyết phản đối việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thừa nhận.
Trên thực tế, đánh giá về chính sách thương mại đối với châu Á, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa sửa đổi Mục 232 của Đạo luật Thương mại năm 1962 vốn cho phép chính quyền tiền nhiệm Donald Trump áp thuế đối với sản phẩm nhôm thép nhập khẩu từ một số đồng minh quan trọng nhất của Washington, bao gồm Nhật Bản, với lý do an ninh quốc gia. Những mức thuế này vẫn được duy trì bất chấp hơn 300 doanh nghiệp Mỹ thúc đẩy chính quyền của ông Biden chấm dứt ngay lập tức.
Chắc chắn, các nhà sản xuất Mỹ đang "la ó" chính quyền của ông Biden gỡ bỏ những dòng thuế này, không phải vì muốn đem lại lợi ích cho chính sách đối ngoại của đất nước, mà vì họ muốn duy trì năng lực cạnh tranh và có thể nhập khẩu các nguồn hàng từ các nước khác mà không phải chịu mức thuế cao.
Mỹ không thể "đơn thương độc mã"
Các đồng minh của Mỹ đã hoang mang trước việc chính quyền của ông Biden "nói không đi đôi với làm" liên quan đến chính sách hợp tác kinh tế.
Ví dụ, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác đều hoài nghi về những đề xuất đầu tư quy mô lớn nhằm cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh tế trong khu vực mà chính quyền của ông Biden đưa ra.
Mỹ không thể đối đầu với thách thức do Trung Quốc đặt ra mà không phụ thuộc vào các nước có cùng chí hướng.
Với chiến lược "tuần hoàn kép", Bắc Kinh đã và đang tìm cách đối phó với các biện pháp của Washington vốn có thể phân tách nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Chiến lược này cho phép Bắc Kinh triển khai những kế hoạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này vào các thị trường và công nghệ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy khả năng các thị trường đang nổi phải phụ thuộc vào hàng hóa và công nghệ Trung Quốc.
Cùng với những bước tiến trong sáng kiến "Vành đai và Con đường", Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu thiết lập một trật tự thế giới mới trong đó Bắc Kinh là trung tâm, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế.
Vì vậy, ngay cả khi Mỹ không sớm tham gia vào bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào trong tương lai, thì điều cấp thiết là Washington cần thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với các nước có cùng chí hướng cả về lĩnh vực kinh tế ở mức độ nhiều như lĩnh vực chính trị.
Tin liên quan |
Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: Đồng thuận nhỏ trong bất đồng lớn |
Một cách thức khác không kém phần hiệu quả là chính quyền của ông Biden có thể tham gia vào những mối quan hệ đối tác kinh tế mới đang hình thành hiện nay.
Những mối quan hệ đối tác kinh tế này vừa nhằm ứng phó với những thách thức liên quan đến tăng trưởng kinh tế thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, vừa nhằm ứng phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Sáng kiến Phục hồi Chuỗi Cung ứng giữa 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia là một ví dụ về mối quan hệ đối tác như vậy. Washington có thể tham gia sáng kiến này để hòa chung vào nỗ lực của 3 nước nói trên trong việc giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền của ông Biden sẽ bị chi phối vào việc giải quyết những vấn đề trong nước và không thể sớm ký kết những thỏa thuận thương mại mới, nhưng điều đó sẽ không cản trở chính trị gia 78 tuổi điều chỉnh các chính sách để có thể hành động theo đúng những lời tuyên bố và những lời kêu gọi hợp tác đã đưa ra.
Việc Washington kêu gọi hợp tác với các đối tác trên mặt trận kinh tế không chỉ là thể hiện sự quan tâm đối với các nước khác. Mà còn là do Mỹ không thể "đơn thương độc mã" đẩy lùi tham vọng khu vực rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Việc Washington tập trung duy nhất vào những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước có thể đồng nghĩa với việc lời kêu gọi hợp tác của Washington sẽ đơn thuần bị coi là những "lời nói suông".
*Shihoko Goto - Phó Giám đốc phụ trách Địa kinh tế và Cộng tác viên Cấp cao cho Chương trình Đông Bắc Á tại châu Á ở Trung tâm Wilson.