📞

Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung kiểu mới: Thứ gì còn mạnh hơn cả vũ khí?

Vân Hà 20:30 | 20/07/2021
Một cuộc chiến tranh lạnh mới đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng không liên quan đến vũ khí. Hai bên đang tìm cách thu thập, tổng hợp, phân tích và tận dụng tối đa dữ liệu để vượt mặt đối phương.
Didi huy động được 4,4 tỷ USD trong một đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) lớn nhất của một công ty Trung Quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Trong bài xã luận đăng tải mới đây trên The Guardian, nhà kinh tế học, nhà bình luận chính trị Robert Reich, cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ, nhận định về một hình thái chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc.

Tuần trước, cổ phiếu của ứng dụng gọi, đặt xe khổng lồ Didi của Trung Quốc đã giảm hơn 20%. Trước đó, Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD trong một đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) lớn nhất của một công ty Trung Quốc ở New York, Mỹ kể từ lần ra mắt của Alibaba vào năm 2014.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt giảm cổ phiếu của Didi được cho là Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) nghi ngờ Didi thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân.

Trong khi tiến hành điều tra, Didi được yêu cầu ngừng đăng ký người dùng mới và xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc.

Lo ngại lọt dữ liệu, thông tin cho đối phương

Vì sao Bắc Kinh lại có hành động mạnh tay như vậy với Didi?

Nhiều khả năng, đợt IPO lớn ở New York đã làm Bắc Kinh dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể tiếp cận với lượng lớn thông tin cá nhân về nơi ở, công việc và lịch trình của người Trung Quốc - dữ liệu có thể đe dọa an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

Ngày 7/7, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã phạt một số công ty Internet, bao gồm cả Didi, với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền của đất nước.

Một cuộc chiến tranh lạnh mới dường như đang nổi lên giữa Bắc Kinh và Washington. Cuộc chiến này không liên quan đến vũ khí mà là cuộc chiến về dữ liệu khi cả hai bên đều tìm cách thu thập, tổng hợp, phân tích và tận dụng tối đa nó để vượt mặt đối phương.

Người chiến thắng là người có quyền truy cập vào nhiều thông tin hơn về bên kia và có thể tối ưu hoá nguồn dữ liệu đó.

Vừa qua, Trung Quốc cũng tuyên bố tăng cường quy định đối với các công ty công nghệ niêm yết ở nước ngoài, giám sát thông tin mà họ gửi và nhận xuyên biên giới.

Lý do chính thức được đưa ra là nhằm bảo đảm khách hàng Trung Quốc có thể an toàn trước tội phạm mạng và việc bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Còn lý do thật sự có lẽ chính là an ninh quốc gia.

Ở chiều ngược lại, các chính trị gia Washington cũng lo lắng như các chính trị gia Bắc Kinh về luồng thông tin có thể lọt sang phía bên kia.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói với Financial Times rằng việc sàn giao dịch chứng khoán New York cho phép Didi bán cổ phiếu là "liều lĩnh và vô trách nhiệm".

Vấn đề đáng quan ngại khác được ông Marco Rubio đưa ra là bảo vệ khoản đầu tư của người Mỹ vào một công ty do Trung Quốc kiểm soát.

“Ngay cả khi cổ phiếu Didi tăng trở lại, các nhà đầu tư Mỹ vẫn không có sự thấu hiểu về sức mạnh tài chính của công ty này bởi phía Trung Quốc có thể chặn các cơ quan quản lý của Mỹ xem xét sổ sách”.

Vị thượng nghị sĩ này lo ngại rằng điều đó khiến các khoản đầu tư của những người Mỹ đã về hưu gặp rủi ro khi rót tiền vào những công ty Trung Quốc.

Bất chấp chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực kỹ thuật số

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc hiện đang đứng đầu về chỉ số thị trường lớn mới nổi và đóng vai trò dẫn dắt sự lưu thông của các khoản tiền tiết kiệm từ Mỹ.

Bất chấp căng thẳng chính trị leo thang, vị trí của các công ty Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong vài năm qua. Các chỉ số trái phiếu toàn cầu thậm chí đã bổ sung trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào danh mục đầu tư của họ.

Ước tính, tổng đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc và chứng khoán chính phủ có thể đạt tổng cộng hơn 1 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Những lo ngại về bảo mật dữ liệu là điều dễ hiểu trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. (Nguồn: afcea)

Mối quan tâm thực sự của các nhà lập pháp Mỹ về việc Didi và các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc giành được chỗ đứng trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ là họ có thể thu thập dữ liệu về Washington, trong khi phía Bắc Kinh cũng có những mối quan tâm tương tự.

Những lo ngại về bảo mật dữ liệu của Bắc Kinh và Washington là điều dễ hiểu trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, trên thực tế, hai nền kinh tế đang có sự giao lưu sâu sắc. Các doanh nhân và các nhà tài chính ở cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rõ rằng hai quốc gia này đang cùng nhau tạo thành thị trường lớn nhất trên thế giới.

Họ sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để kiếm tiền trong thị trường khổng lồ này, bất kể chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực kỹ thuật số ngày càng rõ ràng giữa các chính trị gia của hai nước.

Điều này có nghĩa cuộc xung đột thú vị nhất sắp tới không phải giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đó là cuộc xung đột giữa những "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh ở cả Bắc Kinh và Washington, khi họ tìm kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ trong bối cảnh giới chính trị cả hai bên muốn bảo vệ an ninh cũng như vị thế chính trị của quốc gia mình.