📞

Chile bạo loạn trước thềm Thượng đỉnh APEC - Vượt qua "kẻ thù" trong gương

Lưu Huỳnh 19:30 | 21/10/2019
TGVN. Bạo loạn diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra vào tháng tới, đang có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và vị thế của Chile. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Phòng vé tàu điện ngầm rực cháy hôm 19/10 tại Santiago (Chile), địa điểm tổ chức Thượng đỉnh APEC ngày 16/11 tới. (Nguồn: Reuters)

Chile đang chứng kiến một trong những thời khắc hỗn loạn nhất trong lịch sử đất nước. Biểu tình kéo dài nhiều tuần phản đối tăng giá vé tàu điện lên 1,17 USD/vé/chuyến giờ cao điểm đã bùng phát thành bạo loạn. Riêng ngày 20/10, ít nhất 70 sự cố “bạo lực nghiêm trọng” đã diễn ra, với nhiều vụ cướp siêu thị cửa hàng, đốt xe buýt và trạm tàu điện ngầm, hay tấn công cảnh sát.

“Kẻ thù” trong gương

Ngày 19/10, bảo vệ quyết định công bố tình trạng khẩn cấp, triển khai quân đội trên đường phố lần đầu tiên kể từ khi chế độ độc tài Pinochet chấm dứt năm 1990, Tổng thống Chile Sebastian Pinera khẳng định: “Chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù hùng mạnh, sẵn sàng sử dụng vũ lực không khoan nhượng”. Song những gì đang diễn ra tại Chile cho thấy “kẻ thù hùng mạnh” ấy là bất bình đẳng thu nhập, sinh ra từ quyết sách kinh tế - xã hội của chính quốc gia này.

Chile là một trong những quốc gia phát triển nhất tại khu vực Mỹ Latin, với tổng thu nhập tính trên đầu người đạt 20.000 USD/năm. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 2,5% và lạm phát 2%. Trái ngọt thì nhiều, nhưng người được hưởng thì ít. Nền kinh tế Chile phụ thuộc vào khai thác đồng và thường phát triển tích cực khi giá nguyên liệu này tăng, song người hưởng lợi hầu hết là chủ sở hữu nhà máy, công ty lớn: 75% tăng trưởng GDP của Chile đến từ tầng lớp thượng lưu.

Khi ấy bất bình đẳng thu nhập, hệ thống phúc lợi xã hội đắt đỏ là ngọn nguồn của xung đột tại đây. Bất bình đẳng thu nhập tại Chile cao hơn mức trung bình các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tới 65%. Chính sách hỗ trợ người nghèo không được chú trọng. Dịch vụ công như nước sạch, điện, y tế, giáo dục hay giao thông công cộng đều bị và nắm giữ bởi các tập đoàn lớn, đẩy giá thành ở mức cao nhằm thu lợi nhuận. Điều này khiến người nghèo khó tiếp cận các dịch vụ này, khiến tính di động xã hội giảm và bất bình đẳng thu nhập tăng.

Cái khó có ló cái khôn?

Quan trọng hơn, “kẻ thù hùng mạnh” này không chỉ cản trở phát triển kinh tế mà còn đe dọa vị thế quốc tế của Chile thời gian tới. Chỉ chưa đầy một tháng nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 sẽ diễn ra tại Santiago. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng vì ba lý do chính.

Thứ nhất, thượng đỉnh APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea đã không ra được Tuyên bố chung và rõ ràng chẳng ai muốn lặp lại kịch bản này. Tuyên bố chung thường được coi là thước đo đánh giá thành công của một sự kiện quốc tế, thể hiện tính hiệu quả và cam kết của các thành viên trong vấn đề cùng quan tâm. Như vậy, nếu hai thượng đỉnh liên tiếp không có tuyên bố chung sẽ ảnh hưởng đến uy tín của APEC như một diễn đàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới.

Thứ hai, từ lâu, Chile đã mong muốn có vai trò tích cực và có tiếng nói hơn hệ thống kinh tế quốc tế; việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện rõ ước vọng đó. Khi ấy, một thất bại nào đó, dù nhỏ hay lớn, trong khuôn khổ APEC có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mong muốn của Santiago.

Thứ ba, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề APEC ký thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại đang gây nhiều hệ lụy cho kinh tế thế giới. Việc bảo đảm an ninh, thể hiện vai trò trung gian tại thời khắc ấy sẽ là dịp hiếm có để Chile ghi điểm với bạn bè quốc tế. Đổi lại, bỏ lỡ cơ hội này có thể tác động tiêu cực tới hình ảnh Santiago và cá nhân Tổng thống Sebastian Pinera. Thực tế này đòi hỏi Chile phải sớm khôi phục an ninh trật tự, ổn định tình hình, thể hiện nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề thâm căn nội tại của nền kinh tế và cơ cấu xã hội.

Người xưa hay nói: “Cái khó ló cái khôn”. “Cái khó” đã rõ ràng, song liệu Santiago có “cái khôn” cần thiết để vượt qua cái khó đó hay không, câu trả lời đang được nhiều người chờ đợi.