📞

Chờ cải cách mới của Thủ tướng Merkel

17:42 | 01/10/2017
Chiến thắng lần thứ 4 trong cuộc tổng tuyển cử vào vị trí cao nhất Chính phủ Đức, nhưng những thách thức mà Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải đối mặt không giống những gì mà bà từng vượt qua.

Trước cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang có ý nghĩa quan trọng, đương kim Thủ tướng Đức Merkel được cho là đã nắm chắc phần thắng khi có trong tay một trong những yếu tố cực kỳ thuận lợi, hỗ trợ đắc lực đó chính là nền kinh tế Đức đang trong vị thế hùng mạnh nhất ở châu Âu.

“Vũ khí” của bà Thủ tướng

Hơn một thập kỷ cầm quyền, Thủ tướng Merkel đã cùng với nước Đức trải qua không ít sóng gió: khủng hoảng nợ công với những biện pháp thắt lưng buộc bụng, chính sách hà khắc đối với các thành viên còn lại hay quyết định mở cửa biên giới cho dòng người tị nạn trong khi cả châu Âu khép chặt cửa. Từ mùa Hè năm ngoái, chính trường thế giới cũng chứng kiến nhiều xáo trộn: Brexit - sự ra đi của Anh đe dọa một liên minh gắn kết; chiến thắng bất ngờ của vị Tổng thống Mỹ luôn đặt chủ nghĩa dân tộc và lợi ích của nước Mỹ lên trên tất cả; và một tân Tổng thống Pháp muốn cải cách triệt để và phá bỏ những truyền thống đang tồn tại ở châu Âu…

Tuy nhiên, nước Đức dưới sự dẫn dắt thận trọng và khéo léo của bà Merkel vẫn dễ chịu và ổn định, với những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, là "đầu tàu" của Liên minh châu Âu (EU).

Từ khi bà Merkel nhậm chức Thủ tướng lần đầu vào năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm một nửa. Tăng trưởng đạt mức cao nhất từ 5 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản đang sung sức. Đức hiện là cường quốc thống trị trong một số ngành gồm công nghiệp và các máy móc khác (chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu), ô tô và linh kiện ô tô (hơn 15%), dược phẩm (6%). 1.465 doanh nghiệp trên tổng số 1.650 doanh nghiệp Đức nằm trong danh sách dẫn đầu thế giới. Xương sống của nền kinh tế Đức là ba triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình, là cái nôi tạo nên những thương hiệu toàn cầu như Volkswagen, Siemens, Bayer...

Vượt trên suy thoái kinh tế toàn cầu, bội chi ngân sách, nợ công tăng cao trong toàn khu vực đồng Euro, riêng tại Đức, công quỹ của chính phủ liên bang vẫn đầy đặn, thặng dư ngân sách trong tài khóa 2016 lên tới 25 tỷ Euro. Cán cân thương mại luôn trong thế xuất siêu (253 tỷ Euro năm 2016), kể cả với công xưởng thế giới là Trung Quốc.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc mạnh lên trên toàn cầu, chính thành công của kinh tế Đức trên trường quốc tế đã giúp đương kim Thủ tướng Đức thuyết phục các cử tri rằng, toàn cầu hóa là xu thế có lợi cho tất cả mọi người, bất chấp Tổng thống Mỹ và một số lãnh đạo khác trên thế giới chưa công nhận điều đó.

Quyết định tương lai châu Âu

Việc bà Angela Merkel tái đắc cử được cho là đồng nghĩa với việc EU sẽ trở thành một khối gắn kết hơn nữa về kinh tế và chính trị. Bà được các cử chi ủng hộ EU chúc mừng nắm giữ chức Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa. Giới doanh nghiệp mong muốn sự ổn định và duy trì nguyên trạng của khu vực hoan nghênh.

Dẫu vậy, ẩn trong bức tranh sáng màu ấy là những thách thức không nhỏ mà bà Merkel sẽ phải đối mặt.

Nước Đức và Thủ tướng Merkel có thể hài lòng với cấu trúc hiện tại của EU, nhưng một số nước khác thì không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cải cách EU bằng những kế hoạch táo bạo, củng cố một Eurozone gắn kết sâu rộng hơn theo cách mà người Đức không mong muốn, bởi sự hy sinh quá nhiều cho những người hàng xóm yếu kém.

Người bảo vệ hùng mạnh cuối cùng của EU

Kinh tế Đức đang có thặng dư thương mại quá lớn lên đến 8 - 9% GDP, cũng không phải là dấu hiệu tốt. Trong EU, bất cứ chỉ tiêu nào lớn hơn 6% GDP đều có nguy cơ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế. Giải pháp để giảm thặng dư thương mại là tăng đầu tư, nhưng vấn đề của Đức lại không phải là thiếu tiền, mà là vấn đề về quy hoạch. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ đầu tư thấp, chi phí năng lượng cao khiến khả năng cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thậm chí ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh cũng có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Trong khi đó, để duy trì sức mạnh kinh tế, nước Đức còn cần củng cố lực lượng lao động, không may đây lại là cơn “ác mộng” của người Đức. Tờ Bloomberg trích dẫn số liệu của cơ quan Thống kê Đức cho thấy, nếu như số lượng người nhập cư giảm và dân số tiếp tục già hóa, dân số của nước này sẽ giảm dần từ mức hơn 80 triệu xuống còn 67,6 triệu người vào năm 2060. Trong khi đó, sự hòa nhập chậm chạp của 1,2 triệu dân nhập cư trong năm 2015 – 2016 đã vô tình tạo nên những “cơn sóng ngầm” trong xã hội.

Tuy nhiên, với sự tin tưởng vào bàn tay lèo lái tài ba của Thủ tướng Merkel, giới doanh nhân vẫn đặt kỳ vọng lớn vào những cải cách mới trong nhiệm kỳ tiếp theo của bà. Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Đức Bernhard Mattes cho biết, các doanh nghiệp không nhận thấy có rủi ro trong lần bầu cử này, nhưng họ hy vọng sẽ có những cải cách cần thiết, sẽ có thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số cho tương lai. Họ hy vọng nhiều vào cải cách thuế để nền kinh tế mạnh hơn và giúp Đức thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Với một gia đình EU không còn yên ả như xưa, trước mắt có quá nhiều việc đòi hỏi người nắm giữ ngọn cờ đầu như Thủ tướng Đức phải giải quyết êm thấm. Tờ New York Times bình chọn, nữ Thủ tướng Merkel là người bảo vệ hùng mạnh cuối cùng của châu Âu.