📞

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Triều Tiên: Tình xưa nghĩa mới

Minh Quân 14:30 | 20/06/2019
TGVN. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên. Chuyến thăm “hiếm hoi” này của ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng có thể thay đổi gì trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên? Bình luận của Báo Thế giới và Việt Nam. 
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 6/2018. (Nguồn: AP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Bình Nhưỡng (Từ 20-21/6). Sau 7 thập kỷ thiết lập, quan hệ Trung – Triều giờ đây đang ở ngã rẽ lịch sử: Bình Nhưỡng đang ở gần với phi hạt nhân hóa hơn bao giờ hết, còn Bắc Kinh lại đang có dấu hiệu đánh mất vai trò và tầm ảnh hưởng trong tiến trình này.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã 4 lần tới Trung Quốc, song lãnh đạo cường quốc châu Á lại chưa một lần ghé thăm thủ đô của quốc gia láng giềng kể từ khi nhậm chức năm 2012. Vậy điều gì đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình gấp rút tiến hành chuyến thăm Bình Nhưỡng chỉ với chưa đầy một tháng chuẩn bị như vậy?

Chuyến thăm vì ... ông Trump

Diễn biến phức tạp xung quanh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung có lẽ là một câu trả lời. Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên đồng ý nối lại đàm phán thương mại trước thềm Thượng đỉnh G20 và khẳng định sẽ gặp gỡ bên lề sự kiện thường niên này. Áp lực đến từ mức thuế cao và động thái bài Huawei của Washington đã khiến Bắc Kinh ít nhiều ngậm đắng nuốt cay. Tuy nhiên, với tâm thế cường quốc, Trung Quốc cần “thua trên thế thắng” và mong muốn giành được nhiều lợi ích nhất có thể trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Ngay tối hôm đó, ông Trump đã có bài phát biểu tại Florida, chính thức tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống năm 2020. Để nắm vị trí ông chủ Nhà Trắng một lần nữa, ông Trump đang bổ sung cho lý lịch của mình bằng nhiều thành tích đối ngoại như ráo riết gây áp lực cho Iran, tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Trung Quốc... Vấn đề Triều Tiên là một trong số đó.

Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại chưa có nhiều tiến triển sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Washington và Bình Nhưỡng vẫn giữ được thiện chí cần thiết, song chưa thể đồng thuận về giải pháp cụ thể, triển khai tiến trình phi hạt nhân hóa như đã cam kết. Triều Tiên liên tiếp kêu gọi dỡ bỏ cấm vận, trong khi Mỹ thận trọng trước những vụ thử tên lửa thị uy của Bình Nhưỡng.

Thêm vào đó, bất chấp những diễn biến gần đây, Trung Quốc tiếp tục là nhân tố lớn chi phối tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) cho rằng Washington đang hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh để thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa, bởi 90% hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đi qua Trung Quốc. Một khi con đường này bị chặn, Bình Nhưỡng sẽ gặp không ít khó khăn và nhiều khả năng sẽ phải nhượng bộ, thậm chí ngồi lại vào bàn đàm phán. Khi ấy, một Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba trong năm nay hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ là một thắng lợi lớn dành cho cả ông Trump và ông Tập.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mong muốn cải thiện, hàn gắn quan hệ song phương với Triều Tiên; khẳng định vai trò trong tiến trình phi hạt nhân hóa, lấy đó làm con bài mặc cả với Tổng thống Mỹ Trump trong đàm phán thương mại trước thềm và gặp gỡ bên lề Hội nghị các Nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Cột mốc 70 năm quan hệ ngoại giao Trung – Triều khi ấy là cái cớ không thể tốt hơn để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Triều Tiên sau 14 năm gián đoạn.

Ai còn chờ ai

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc là “lành ít dữ nhiều” đối với chính quyền ông Kim Jong-un. Trên thực tế, tận dụng sự chủ động hiếm thấy đến từ người hàng xóm phương Bắc, Triều Tiên mong muốn tìm kiếm “thế và lực mới” trong đàm phán phi hạt nhân hóa, buộc Mỹ phải có nhượng bộ nhất định.

Đầu tiên, những bước tiến lớn trong quan hệ với Seoul, Washington và Moscow trong thời gian gần đây đã cải thiện vị thế của Bình Nhưỡng trong khu vực. Việc đón nguyên thủ cường quốc châu Á tới thăm thủ đô sau 14 năm gián đoạn sẽ một lần nữa khẳng định điều này.

Thêm vào đó, trong những lần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn là người đứng đợi Chủ tịch Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân thì giờ đây, mọi chuyện đã khác. Lần này, người đứng đợi ở Bình Nhưỡng là nhà lãnh đạo Triều Tiên và người khách từ phương xa không ai khác ngoài người đồng cấp Trung Quốc. Bình Nhưỡng giờ đây đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng có thể giúp Bắc Kinh phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán thương mại với Washington.

Triều Tiên mong muốn cải thiện và mở rộng quan hệ với Trung Quốc, nhằm giảm áp lực đến từ lệnh cấm vận vẫn được duy trì của Mỹ và Liên hợp quốc. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 1 – 5% mỗi năm, với sự xuất hiện của nhiều mặt hàng mới như smartphone hay ô-tô Mercedes-Benz. Tuy nhiên, 80% hàng hóa tiêu dùng tại quốc gia này có xuất xứ từ Trung Quốc và một vài động thái “nới tay” của Bắc Kinh có thể giúp Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh về kinh tế.

Với “thế và lực mới” từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều và sự trợ giúp của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng sẽ không phải nhún mình trước áp lực từ phía Washington. Điều này có thể khiến ông Trump gặp khó và ít nhiều phải nhượng bộ nếu muốn gặt hái được thành tựu cụ thể trước thềm bầu cử Tổng thống năm 2020.

Người Trung Quốc có câu “Thành dã Tiêu Hà, bại dã Tiêu Hà” để nói về Tiêu Hà, khai quốc công thần của nhà Hán định đoạt số phận của danh tướng Hàn Tín. Thưở hàn vi, Tiêu Hà là người đã tiến cử Hàn Tín làm thống soái ba quân, song khi thành danh, chính nhân vật này cũng là người mang đến cái chết cho vị mãnh tướng một thời.

Câu chuyện tay ba Trung – Triều – Mỹ giờ đây cũng ít nhiều mang một sắc thái tương tự: Trung Quốc có thể tạo lợi thế cho ông Trump trong tranh cử, song cũng thừa sức khiến ông Kim Jong-un giành ưu thế trên bàn đàm phán. Chỉ thời gian mới có thể trả lời cho quyết định của Bắc Kinh. Điều duy nhất chắc chắn có lẽ nằm ở việc cả Tiêu Hà hay Trung Quốc vẫn luôn mong mình là người chiến thắng.