📞

Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Obama

14:37 | 14/11/2016
Ngày 14/11, Tổng thống Barack Obama bắt đầu hành trình thăm Hy Lạp, Đức và Peru. Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị là người đứng đầu nước Mỹ của ông.

Bối cảnh mới

Chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh nhiều lo ngại về vai trò sắp tới của nước Mỹ trên trường quốc tế sau khi tỷ phú Donald Trump thắng cử. Đây là một kết quả mà trước đó ông Obama đã liên tục trấn an giới lãnh đạo nước ngoài rằng sẽ không xảy ra. Việc một người theo chủ nghĩa dân túy đắc cử tổng thống Mỹ có lẽ là điều ông Obama không ngờ tới sau 8 năm ông vận động cả thế giới nhằm hình thành một kỷ nguyên mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Kể từ khi làm chủ Nhà Trắng vào năm 2009, mục tiêu chính của ông Obama là trấn an các đồng minh rằng chính quyền của ông sẽ chấm dứt kiểu hành động quân sự đơn phương của người tiền nhiệm là ông George W. Bush và tập trung vào xây dựng những liên minh quốc tế. Giờ đây, giữa lúc chuẩn bị rời Nhà Trắng, ông lại phải trấn an những đồng minh đang lo lắng tự hỏi rằng: Liệu người kế nhiệm của ông có tuân thủ những nguyên lý cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ mà các đời chính quyền Dân chủ và Cộng hòa áp dụng hàng thập niên qua hay không?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hội đàm với Tổng thống Obama. (Nguồn: UPI)

Ông Obama sẽ rời Hy Lạp vào ngày 15/11, sau đó sẽ lưu lại Đức trong 2 ngày. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết vị Tổng thống Obama dự định sẽ sử dụng cả hai chặng dừng chân này để nhấn mạnh tầm quan trọng của một châu Âu thống nhất. Chuyến công du một tuần của ông kết thúc ở Peru, nơi ông tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ở mỗi chặng dừng chân, ông sẽ gặp gỡ những nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới từ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,... Bên cạnh việc bàn thảo các vấn đề song phương, một trong những mục đích chính của chuyến đi này của ông Obama là nhằm trấn an những hoài nghi về chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong tương lai.

Trước đó, trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã có nhiều phát biểu mang hơi hướng trái ngược với chính quyền của ông Obama, bao gồm việc gợi ý các đồng minh của Mỹ tại châu Á và Trung Đông nên trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ, phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của quốc tế... Bên cạnh đó, ông Trump cũng đặt dấu hỏi nghi hoặc về ý nghĩa tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo quyết đoán, tài giỏi... Tất cả những quan điểm này đều khiến châu Âu hoảng sợ.

Khẳng định mối liên minh xuyên Đại Tây Dương

Trong bối cảnh đó, chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Obama được thiết kế nhằm phần nào bày tỏ những quan ngại sâu sắc của ông đối với tương lai của châu Âu - một khu vực vốn đã và đang bị xáo trộn do những phong trào chính trị dân túy và cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Chuyến thăm lần thứ hai tới Đức chỉ trong vòng 6 tháng qua của ông Obama không nằm ngoài mục đích nhấn mạnh vai trò sống còn mà Đức đang đảm nhận trong tiến trình bình ổn châu lục. Heather Conley, chuyên gia về châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Toàn bộ chuyến đi nhằm mục đích tạo cho châu Âu cú huých để tự tin vì châu lục này đang lo lắng về quan điểm của ông Trump".

Ngoài các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Obama cũng sẽ có cuộc gặp mở rộng với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha trong thời gian ở thủ đô Berlin. Các nhà lãnh đạo châu Âu từng hy vọng rằng những cuộc gặp này sẽ chú trọng vào vấn đề kinh tế, quan hệ với Nga, tình hình ở Syria và quan hệ mậu dịch xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, giờ đây những cuộc thảo luận đó có thể sẽ bị chi phối bởi những dự đoán của châu Âu về những gì sẽ diễn ra dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: AFP)

Theo Josef Joffe, học giả nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford (Mỹ) đồng thời là tổng biên tập tuần báo Đức "Die Zeit", giữa lúc châu Âu đang bị sốc và thất vọng (vì không nghĩ rằng cử tri Mỹ sẽ lựa chọn ông Trump), chuyến công du giống như một dạng liệu pháp an ủi để các nhà lãnh đạo châu Âu có thể tự trấn an rằng "nước Mỹ mà châu Âu đã từng biết" sẽ không biến mất. Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn an ninh quốc gia, cho biết thông điệp chung mà ông Obama gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu là "có những điều cụ thể đã tồn tại hàng thập niên qua dưới thời các chính quyền khác nhau, trong đó có liên minh xuyên Đại Tây Dương và NATO".

Đối với Hy Lạp, chuyến thăm của ông Obama từng được kỳ vọng có thể góp phần mở đường cho một thỏa thuận mới với các chủ nợ. Song việc ông Trump thắng cử khiến cho điều này trở nên không chắc chắn vì ông Trump từng tuyên bố rằng "những rắc rối nợ nần của Hy Lạp thì hãy để cho Đức và Hy Lạp giải quyết, chứ không phải Mỹ". Nick Malkoutzis, nhà sáng lập trang phân tích thông tin của Hy Lạp MacroPolis, đánh giá: "Chưa rõ Tổng thống đắc cử Trump có chút quan tâm nào đến vấn đề này hay không chứ đừng nói đến việc ông Trump sẽ công khai ủng hộ quan điểm của Hy Lạp như ông Obama đã từng làm".

(theo Wall Street Journal)