Trong chuyến đi kéo dài 3 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe. Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Anh, hai bên dự kiến sẽ thảo luận một loạt các vấn đề song phương và khu vực, trong đó có tiếp tục phát triển tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy tự do thương mại và các giá trị dân chủ.
Nhật Bản và Anh từ lâu đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện và các hoạt động quốc tế. Do đó, nhiều người kỳ vọng chuyến thăm của bà May tới đất nước Mặt trời mọc sẽ là “làn gió mới”, làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia và giúp giải quyết phần nào những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt.
Thủ tướng Anh Theresa May và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp hồi tháng 4. (Nguồn: AP) |
Xây dựng lòng tin
Chuyến thăm của bà May diễn ra trong bối cảnh vòng đám phán thứ 3 rời khỏi EU đang gần đến giai đoạn nước rút và dự kiến sẽ kết thúc vào 31/8. Điều này khiến chuyến công du tới Nhật Bản trở thành tâm điểm đối với giới báo chí, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tại cả London và Tokyo.
Trước hết, cuộc hội đàm của bà May tại Nhật Bản sẽ là một tín hiệu trấn an các doanh nghiệp trong nước trước những lo lắng về một “viễn cảnh chắc chắn sẽ xảy ra” sau khi Anh ra khỏi thị trường chung châu Âu. Thực tế, sự ra đi của Anh sẽ buộc bà May và những chính trị gia ủng hộ tìm kiếm những đối tác và thị trường tiềm năng khác cho các doanh nghiệp của Anh, thông qua khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.
Thật vậy, Nhật Bản là một đối tác đầy tiềm năng. Theo một báo cáo được đăng trên trang Export to Japan, trung bình giá trị xuất khẩu Anh – Nhật Bản đạt 9,9 tỷ Bảng Anh/năm. Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Anh. Mặt khác, London là trong những thị trường có giá trị xuất khẩu lớn của Nhật Bản tại châu Âu. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản tại Anh như Nissan, Toyota và Hitachi đã đầu tư tới 40 tỷ Bảng Anh và tạo ra công ăn việc làm cho 140.000 lao động tại quốc gia này.
Trong bối cảnh nhiều phân tích cho thấy các công ty Nhật Bản có thể giảm các khoản đầu tư nếu cảm thấy Brexit có khả năng cản trở các hoạt động kinh doanh của họ ở Anh và EU, chuyến thăm của Thủ tướng May sẽ là cơ hội vàng để bà truyền tải thông điệp tích cực đến doanh nghiệp Nhật Bản.
Một nhà máy sản xuất oto của Honda tại Anh. (Nguồn: SMMT) |
Giải quyết điểm nóng
Một trọng tâm khác sẽ được bàn thảo giữa Thủ tướng Anh Theresa May và người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe trong chuyến thăm là vấn đề Triều Tiên. Ngay trước thềm chuyến thăm, ngày 28/8 Triều Tiên đã bắn thêm 3 quả tên lửa tầm ngắn bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Động thái liều lĩnh của Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi Tokyo có những biện pháp cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, việc phối hợp ba bên với Mỹ và Hàn Quốc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây đã không đem lại nhiều kết quả và chỉ khiến cho Bình Nhưỡng cương quyết hơn. Do đó, nhiều người cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Anh và Nhật Bản sắp tới sẽ bàn thảo về mối quan hệ ngày càng xấu giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm hóa giải nguy cơ tiềm tàng đến từ phía Bình Nhưỡng.
Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về quá trình tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, cũng như xem xét đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với quốc gia này. Việc Anh tham gia tích cực hơn trong việc gây áp lực cho phía Triều Tiên có thể buộc chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un cân nhắc kĩ lưỡng hơn trước khi đưa ra những hành động khiêu khích trong thời gian tới.
Hậu Brexit, Anh phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó chuyến thăm tới Nhật Bản của Thủ tướng Anh Theresa May là một bước đi khôn khéo, nhằm củng cố lòng tin của Tokyo và nâng tầm quan hệ song phương, đồng thời thể hiện cam kết của London nhằm tiếp tục duy trì vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.