📞

Chuyến thăm nâng tầm quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

09:33 | 01/09/2016
Gần 10 năm kể từ khi đối tác chiến lược được thiết lập, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực hợp tác khác như quốc phòng, an ninh và văn hóa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi  diễn ra sau một thập kỷ rưỡi kể từ khi Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee thăm chính thức Việt Nam năm 2001 có ý nghĩa rất quan trọng. Hai nước đã xây dựng được sự hiểu biết toàn diện trên các lĩnh vực an ninh, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và đào tạo doanh nhân.

Dù vậy, hai nước cần phải nỗ lực hợp tác trên quan điểm là đối tác chiến lược của nhau và chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai theo tinh thần cố kết và hợp tác cao hơn. Hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong các thể chế đa phương như ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng cần được hoạch định rõ ràng và đối thoại giữa hai bên cần diễn ra thường xuyên hơn.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược (2017), hứa hẹn sẽ xây dựng chương trình nghị sự mới cho những năm tiếp theo.

Các lĩnh vực mà Thủ tướng Modi có thể chú trọng trong chuyến thăm là giáo dục, thương mại, dịch vụ, thúc đẩy đầu tư song phương, vũ trụ, thông tin về dữ liệu tàu thuyền đi lại trên biển, đào tạo lực lượng vũ trang, tập trận chung, bán trang thiết bị quân sự, an ninh mạng, năng lượng tái tạo, hợp tác y tế và dược phẩm.

Về chính trị, quan hệ chiến lược giữa hai nước cần được nâng cấp thành “quan hệ chiến lược toàn diện” hoặc “quan hệ chiến lược ưu tiên”- điều cần thiết tạo động lực cho quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh năng lượng, thăm dò dầu mỏ và khí đốt cũng đã đạt được những thành tựu lớn trong thời gian qua.

Gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam cần được đẩy nhanh để lực lượng quốc phòng Việt Nam có thể có được các loại vũ khí và hệ thống vũ khí từ Ấn Độ. Hai nước cũng có thể thực hiện các dự án thử nghiệm chung và cho phép tư nhân của hai nước tham gia nền công nghiệp quốc phòng. Để bắt đầu, hai nước có thể tổ chức các dự án thử nghiệm chung trong việc sản xuất tàu tên lửa và tàu đệm khí, cũng như cần tính tới khả năng hợp tác trong lĩnh vực vũ khí chống sát thương. Các lĩnh vực hợp tác khác bao gồm hệ thống radar và trang thiết bị giám sát bờ biển. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cung cấp các tàu tuần tra cao tốc cho Hải quân Việt Nam cần theo đúng lộ trình. Hai nước cũng có thể quan tâm đến việc Ấn Độ cung cấp tên lửa Brahmos cho quân đội Việt Nam.

Điểm nhấn hợp tác quốc phòng

 Việt Nam và Ấn Độ nằm trong khu vực có sự phát triển kinh tế năng động hàng đầu châu Á, do vậy, rất cần xây dựng hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu chung về khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học nhận dạng, luyện kim, hợp tác nguyên tử vì mục đích hòa bình, phân bón, lúa gạo, chế biến lương thực, quản lý cảng, đóng tàu,... Điều này sẽ đảm bảo các sáng kiến như “Digital India”, “Make in India” và “Skill India” sẽ có sự hợp tác từ các lĩnh vực tương ứng của Việt Nam. Việt Nam cũng cần tham gia sâu hơn vào chiến lược xa lộ thông tin và các chuỗi giá trị gia tăng của các mạng sản xuất lớn của Ấn Độ.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi cũng thể hiện vai trò của Ấn Độ trong khuôn khổ đa phương: Ấn Độ sẵn sàng hợp tác hướng tới nền hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Vấn đề Biển Đông cần được thảo luận theo hướng không chống lại bên thứ ba nào. Thủ tướng Modi cũng là chuyên gia về tăng trưởng toàn diện và phát triển bao trùm. Tầm nhìn của ông về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đồng nghĩa với việc tạo dựng hợp tác và đóng góp phát triển nguồn nhân lực tốt nhất, phục vụ cho phát triển nhanh hơn. Chuyến thăm này sẽ vạch ra những lĩnh vực quan hệ kinh tế chủ chốt bao gồm thương mại, đầu tư và dịch vụ, xây dựng năng lực, đào tạo, giáo dục và thúc đẩy quan hệ văn hóa.

Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos của Ấn Độ.

Trong quan hệ kinh tế, Việt Nam là điểm đến đáng mong đợi cho ngành xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ, và hợp tác trong lĩnh vực này có thể phát triển hơn nữa. Trong lĩnh vực thương mại, hai nước chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu kim ngạch mà lãnh đạo hai bên đã đề ra. Có lẽ cũng cần đa dạng hóa rổ hàng hóa bởi hai nước hiện nay đang có nhiều mặt hàng chiến lược nằm trong danh mục cấm như trà, cà phê, cao su và hồ tiêu.

Về quốc phòng, nhiều lĩnh vực có khả năng hợp tác liên quan đến đào tạo và nghiên cứu chung như công nghệ rà phá bom mìn, vũ trí hạng nhẹ, đặc biệt là tên lửa tầm ngắn và vũ khí cầm tay sử dụng cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Hai nước cần trao đổi mạnh mẽ hơn về cơ sở hạ tầng liên quan đến các thực thể trên biển và các boong-ke bê tông làm nơi trú ẩn cho quân nhân. Hai nước cần vạch ra một kế hoạch hành động chung dài hạn về cơ sở hạ tầng quốc phòng, chiến tranh điện tử, công nghệ phát hiện tàu ngầm. Hai nước có thể hướng tới đào tạo nguồn lực phát triển các hệ thống chỉ huy và kiểm soát. Xây dựng mạng lưới đường sắt, hệ thống đường cao tốc như tàu điện ngầm cần phải được thảo luận thêm. Khả năng hợp tác giữa hai nước cũng có khả năng đạt được trong lĩnh vực khác mà Ấn Độ có thế mạnh như y học về gen và nhiều loại thuốc giá rẻ.

Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đặc biệt là cho nghiên cứu và vẽ bản đồ không gian địa lý, sẽ giúp Việt Nam nhiều hơn trong xây dựng kế hoạch và ngành nông nghiệp. Hơn nữa, việc truyền dữ liệu và thông tin cũng như vệ tinh vĩ mô và vi mô cho nghiên cứu khoa học cũng có thể được thúc đẩy.

Nhân tố có trách nhiệm ở khu vực

Chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ sẽ chú trọng hành động và vạch rõ những lĩnh vực được coi là trụ cột bền vững, bao gồm quân sự, đầu tư, thương mại và văn hóa. Việt Nam vẫn là một trong những đối tác ưu tiên của Ấn Độ trong khu vực với minh chứng là các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên.

Với chính sách “Hành động phía Đông”, Ấn Độ đã vạch ra một số lĩnh vực hướng tới hợp tác với Việt Nam, bao gồm quốc phòng, nguyên tử và an ninh năng lượng, cải cách ngành tài chính, dịch vụ, giáo dục và hợp tác vũ trụ. Những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng đối với hai nước bao gồm năng lượng, công nghệ năng suất cao và an ninh mạng. Cũng trong bối cảnh của chính sách “Hành động phía Đông”, hợp tác trong lĩnh vực phát triển các khu kinh tế đặc biệt cũng cần được khai thác. Việt Nam là nơi Ấn Độ có thể tìm kiếm các dự án có lợi ích quốc gia và hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, đồng thời thể hiện Ấn Độ là một nhân tố có trách nhiệm ở khu vực và Việt Nam là đối tác tin cậy nhất của Ấn Độ.

Ấn Độ đã vươn tới tầm quốc tế và không sai khi nói nước này có lợi ích đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lợi ích chiến lược và thương mại của Ấn Độ trải dài từ biển Hoa Đông tới Tây Ấn Độ Dương. Vai trò của Ấn Độ ở Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương không chỉ là nhân tố giữ ổn định mà còn là một quốc gia có lợi ích lớn về chiến lược và thương mại. Ấn Độ đang phát triển, cần thị trường và các tuyến đường biển an toàn cho hoạt động thương mại, giúp nước này có thêm các lợi ích kinh tế. Ấn Độ đã và đang thăm dò năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để duy trì tăng trưởng của mình.

Tuy nhiên, Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách xây dựng đối tác và phát triển. Mối quan hệ hài hòa không có nghĩa là Ấn Độ chỉ quan sát với thái độ im lặng, nước này có lợi ích và sẽ bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại của mình trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, việc sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử (COC) của các bên ràng buộc về mặt pháp lý ở Biển Đông là rất quan trọng.

Tình thế đã trở nên phức tạp hơn trong thời gian qua ở Biển Đông. Trật tự dựa trên nguyên tắc pháp lý cần được tôn trọng và Ấn Độ đã luôn tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài liên quan đến trường hợp tranh chấp biển giữa Ấn Độ và Bangladesh. Hy vọng Trung Quốc cũng sẽ có quan điểm tương tự. Thay vì tự khẳng định với tư cách là một cường quốc đang lên, Trung Quốc nên trở thành một cường có trách nhiệm như nhiều nước kỳ vọng đối với một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

---------------

Quan điểm được thể hiện trong bài viết là quan điểm của các tác giả, không phản ánh quan điểm của ICWA hoặc của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

TS. Pankaj Jha : Giám đốc (Nghiên cứu), Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA)

TS. Võ Xuân Vinh: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam