Trong bài viết đăng tải trên Jakarta Post vừa qua, chuyên gia phân tích chính trị CPF Luhulim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị, thuộc Viện khoa học xã hội Indonesia (LIPI) đã đưa ra một số lý do khẳng định tầm quan trọng của COC.
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc bàn về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) tháng 4/2016. (Nguồn: ASEAN.org) |
Hành trình chông gai
Tình hình Biển Đông những năm gần đây diễn biến rất phức tạp do tham vọng của Trung Quốc muốn chiếm gần 90% diện tích của biển này. Trung Quốc hiện không chỉ có tranh chấp với các nước ASEAN ở khu vực quần đảo Trường Sa như Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei, mà còn tích cực "xua" các tàu cá xâm nhập vào vùng biển của Indonesia, quanh quần đảo Natuna.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 29 tại Jakarta (20-21/7/1996), lần đầu tiên các nước ASEAN ủng hộ ý tưởng xây dựng một Quy tắc ứng xử cho các bên liên quan ở khu vực Biển Đông để nhằm đặt nền tảng cho sự ổn định lâu dài của khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia có yêu sách. Ngoại trưởng các nước ASEAN lúc đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Năm 1999, ASEAN đã bắt đầu cùng với Trung Quốc đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, sau 5 năm đàm phán, hai bên đã không đạt được thỏa thuận về COC, thay vào đó hai bên cho ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với 3 mục tiêu: Thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin; Thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề hàng hải và chuẩn bị cho việc ra đời chính thức Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Tại Đoạn 10 của DOC cả hai bên đồng ý rằng: “Việc khuyến khích cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định của khu vực và các bên đồng ý sẽ tiếp tục làm việc trên cơ sở đồng thuận, hướng tới việc đạt được mục tiêu này”.
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua mà việc xây dựng thành công COC vẫn còn gặp nhiều chông gai do Trung Quốc chưa bao giờ đồng ý với các lập luận của các nước thành viên ASEAN, bởi vì Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông không liên quan đến tất cả các nước ASEAN. Họ chỉ muốn đàm phán vấn đề này với từng nước có liên quan đến việc tranh chấp.
Nhưng Khoản 15, Điều 1, Chương 1 của Hiến chương ASEAN quy định rằng ASEAN có nhiệm vụ “duy trì vai trò trung tâm và chủ động trong quan hệ hợp tác với các đối tác trong một cấu trúc khu vực mở và minh bạch”. Dựa trên cơ sở của nguyên tắc này mà ASEAN cần phải sớm xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và Indonesia cần phải chủ động trong quá trình xây dựng sự gắn kết của các nước ASEAN để đạt được mục tiêu đó.
Không phân biệt “ưu tiên chính sách”
Các vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Natuna đã thuyết phục chính quyền của Tổng thống Jokowi rằng cần có biện pháp cương quyết, cứng rắn với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng tàu cá của họ đánh bắt trong vùng “đường chín đoạn”, thuộc “ngư trường truyền thống” và nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giaoIndonesia Retno Marsudi phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần khu vực quần đảo tranh chấp trên Biển Đông tháng 3/2016. (Nguồn: AP) |
Các cuộc họp gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (tháng 9/2016) đã diễn ra trong tình trạng căng thẳng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Trong mắt các nước ASEAN, Trung Quốc hiện đã làm “xói mòn lòng tin, liên tiếp có các hành động làm gia tăng căng thẳng và có khả năng phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Chính phủ Indonesia hiện đã xác định lập trường chính thức của mình ở Biển Đông để đánh giá về các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là việc xây dựng các kế hoạch bảo vệ, phát triển kinh tế ở khu vực quanh quần đảo Natuna.
Điều này cũng đòi hỏi Indonesia cần có lập trường cơ bản trong việc tiến tới xây dựng COC, không phân biệt “ưu tiên chính sách đối ngoại” của mình đối với Trung Quốc, nước đang tích cực có các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Indonesia.
“Đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) theo Công ước luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bác bỏ và điều này cần phải được thể hiện trong tuyên bố chung của ASEAN.
Do đó, cam kết xây dựng Biển Đông thành một “khu vực hòa bình và ổn định” là phù hợp với UNCLOS 1982. Tiếp đến, sự hợp tác, cùng khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực chồng lấn cần phải đạt được sự thỏa thuận của các bên liên quan, kể cả là việc đàm phán song phương hay đa phương. Trong giai đoạn hướng tới việc đạt được các thỏa thuận này, các bên liên quan không được có các hành động làm phức tạp tình hình, không có các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng, cản trở việc đạt được các thỏa thuận, chẳng hạn như việc khai thác, thăm dò dầu khí, cải tạo xây dựng, quân sự hóa các đảo tranh chấp. Đó là lý do cần sớm xây dựng COC.
Indosesia cần tích cực thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong ASEAN, khích lệ tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên ASEAN trong việc tiếp cận vấn đề Biển Đông để tạo ra một sự “tích hợp” ở khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng “đối mặt với bất kỳ ảnh hưởng hay sự can thiệp từ nước ngoài cả về kinh tế cũng như quân sự”.