Một cô gái Colombia bày tỏ nỗi buồn trước kết quả cuộc trưng cầu ý dân của đất nước. (Nguồn: AP) |
Canh bạc của tương lai đất nước
Ngày 2/10 vừa qua, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã thua một canh bạc cho tương lai của đất nước mình khi người dân Colombia không thông qua thỏa thuận hòa bình đã đạt được giữa chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).
Sau 4 năm ròng rã đàm phán tại Havana (Cuba), đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia và đại diện FARC đã đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt 52 năm nội chiến - cuộc xung đột kéo dài nhất lịch sử khu vực Mỹ Latin. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc chấp nhận hay không thỏa thuận hòa bình nói trên. Và kết quả mặc dù rất sít sao nhưng rất tiếc người dân Colombia đã nói “Không”.
Đây là một kết quả gây bất ngờ với không chỉ người dân Colombia mà cả cộng đồng quốc tế, vì kết quả này cũng đồng nghĩa với việc đẩy tiến trình hòa bình Colombia đến bên bờ vực thẳm, đồng thời làm suy yếu sức mạnh của chính quyền Tổng thống Santos. Nhiều người đã tỏ ra giận dữ, thậm chí có người đã rơi nước mắt khi lo ngại thoả thuận hoà bình vốn mở ra hy vọng chấm dứt 52 năm nội chiến tại Colombia có thể đi vào ngõ cụt.
Hiện nay, tuy cả Chính phủ Colombia và FARC đều tuyên bố duy trì lệnh ngừng bắn song phương nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ được tiếp tục trong dài hạn.
Chính phủ Colombia dường như đã quá tự tin về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước nên đã không lường trước kết quả đáng buồn nói trên. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Economist, ông Santos khẳng định chắc chắn các cử tri sẽ lựa chọn “Có”, nhưng sự thực là 50,23% cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận và số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%. Mặt khác, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng rất thấp, chỉ 13 triệu cử tri trong tổng số 35 triệu dân của Colombia. Thậm chí, người ta còn đùa rằng bão Matthew quét qua đã làm chán nản các cử tri ở vùng ven biển Caribbean, nơi mà hầu hết mọi người đều ủng hộ hòa bình.
Có lẽ người vui mừng nhất với kết quả này là đối thủ hàng đầu của ông Santos, cựu Tổng thống Alvaro Uribe - người dẫn đầu chiến dịch nói “Không” với cuộc trưng cầu ý dân với lập luận rằng ông Santos đã nhượng bộ FARC quá nhiều và lo sợ thoả thuận này sẽ giúp FARC "rửa sạch" những tội ác trong quá khứ.
Hành trình tìm kiếm hòa bình vẫn tiếp diễn
Mặc dù choáng váng bởi kết quả trưng cầu nhưng cả FARC và Chính phủ Colombia đều không muốn xung đột tái diễn. “Tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm hoà bình cho tới những ngày cuối cùng nắm quyền”, ông Santos tuyên bố trên truyền hình. Trong khi đó, thủ lĩnh của FARC Rodrigo Londono cho hay lực lượng này “sẽ chỉ sử dụng đàm phán để xây dựng con đường hướng tới tương lai”. Điều này đồng nghĩa với việc FARC vẫn sẽ giữ nguyện vọng thiết lập hoà bình tại Colombia, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.
Sắp tới, Chính phủ Colombia sẽ nhóm họp với đại diện FARC để thảo luận về những kế hoạch tiếp theo. Theo ông Santos, cuộc thảo luận đó chắc chắn phải bao gồm cựu Tổng thống Uribe và các phe đối lập khác. Ông Santos cho biết ông sẽ kêu gọi một cuộc đối thoại với sự tham dự của tất cả các lực lượng chính trị.
Về phần mình, FARC cũng phải thay đổi nếu muốn xây dựng hòa bình. Kết quả bỏ phiếu rõ ràng đã thể hiện sự bất bình của người dân Colombia trước những vụ bắt cóc, tống tiền, buôn bán ma túy... của FARC. Chỉ trong những ngày gần đây, lực lượng phiến quân này, với hy vọng trở thành một đảng chính trị, mới hứa hẹn sẽ kê khai tài sản của mình và sử dụng chúng để bồi thường cho các nạn nhân. "Kết quả này cho thấy thách thức đối với chúng tôi thậm chí còn lớn hơn một phong trào chính trị", thủ lĩnh của FARC Rodrigo Londono nói.
Lần gần đây nhất người Colombia đi trưng cầu ý dân là năm 1957, khi họ chấp thuận sự hình thành Mặt trận Quốc gia. Theo đó, hai đảng Tự do và Bảo thủ chia sẻ quyền lực, cùng nhau điều hành đất nước, kết thúc một thập kỷ của bạo lực phe phái. Tuy nhiên, thỏa thuận đó chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn. Nhiều vấn đề bất công xã hội và chính trị tiếp diễn đã thúc đẩy sự hình thành của các nhóm tìm kiếm quyền lực bằng bạo lực, trong đó có FARC. Đối chiếu với tình hình hiện nay, bài học về trưng cầu ý dân của người dân Colombia có lẽ vẫn không thay đổi: hòa bình phụ thuộc vào sự thiện chí của tất cả các lực lượng chính trị tại Colombia.