Các nhà lãnh đạo ASEAN trong lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 tại Lào. (Nguồn: AP) |
Từ khi thành lập cách đây gần 50 năm với chỉ 5 thành viên tập trung vào vấn đề an ninh và đối ngoại, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển lên thành 10 thành viên, với tổng dân số 630 triệu người và GDP của khối là 2.500 tỷ USD.
Nhiều vấn đề tồn đọng
Đối với một số nhà lãnh đạo trong khu vực này, ưu tiên hàng đầu hiện nay là kinh doanh, đầu tư và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, những bất đồng chính trị và kinh tế, sự đối đầu giữa các nước lớn và tốc độ tăng trưởng trì trệ đã khiến ASEAN đứng trước nguy cơ chia rẽ. Đã có một số ý kiến chính thức về việc tái cơ cấu khối. Thách thức chính của các nước thành viên ASEAN là giải quyết những bất đồng của họ hoặc đối mặt với nguy cơ đánh mất toàn bộ động lực để xây dựng khối.
9 tháng sau khi ASEAN thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với mục đích thúc đẩy tự do giao thương hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong khu vực, trụ sở của ASEAN dường như là biểu tượng cho cả tham vọng lẫn những hạn chế của tổ chức này.
Trước kia,Liên minh châu Âu (EU) từng nổi tiếng với Cộng đồng kinh tế châu Âu, nhưng việc ASEAN thông qua cái gọi là “Cộng đồng kinh tế ASEAN” không có nghĩa là nhóm này sẽ đủ sức cạnh tranh với các biện pháp hiệu quả của EU như một đồng tiền chung, một ngân hàng trung ương và tự do di chuyển lao động trong nội khối. Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng phát triển châu Á tại Manila Jayant Menon cho rằng: “Tôi không nghĩ sẽ có một đồng tiền chung trong khối ASEAN và tôi cũng không nghĩ đó là một điều tồi tệ”.
Các nước thành viên ASEAN hầu hết là các nền kinh tế nhỏ và vừa với những khác biệt lớn về mức sống giữa các nước giàu như Singapore và các nước nghèo như Lào và Myanmar. Xét về toàn cầu, sự liên kết của khối phần lớn dựa vào vị trí của khối này đối với các cường quốc ở châu Á. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Singapore, Tang Siew, nhận định: “Đứng giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi sẽ không có gì để chào hàng nếu như không có một thị trường thống nhất”.
Đối với nhiều nước thành viên, nhu cầu nâng cấp đường bộ, sân bay và các nhà máy điện là các nhu cầu cấp thiết để hoàn thành cam kết AEC. Đối với các nền kinh tế phát triển hơn, như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, thì ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng ít hơn. Tuy nhiên, các nước nghèo nhất ASEAN tụt hậu khá xa, ở một khoảng cách khó san bằng.
Một khối hiệu quả hơn
Để biến ASEAN trở thành một tổ chức hiệu quả hơn đòi hỏi phải có những cải cách bên trong và một cách tiếp cận mới tiến tới xây dựng sự nhất trí của toàn khối.
Sau khi công bố quá trình hội nhập của khối thành một “Cộng đồng” hồi năm 2015, ASEAN đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017. Sự kiện này sẽ bao gồm việc đánh giá những nhiệm vụ đã hoàn thành, xem xét các kế hoạch cho việc đặt ra các mục tiêu đến năm 2025.
ASEAN ngày nay đã tiến một bước xa so với những năm đầu thành lập, trở thành một thể chế khu vực hoàn chỉnh hơn. Những người được phép đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là 10 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ các nước thành viên. Nhưng điều khiến cho ASEAN trở thành một khối lớn hơn nhiều so với ban đầu chính là việc tìm ra phương thức chung của khối trong các quyết định và thỏa thuận mang tính khu vực thông qua các cuộc thảo luận được mở màn bằng Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ tháng 12/2008.
Năng lực mang tính thể chế của ASEAN đã phát triển với một vai trò lớn hơn dành cho chủ tịch luân phiên thường niên của ASEAN. Ủy ban Đại diện thường trực làm việc với Tổng thư ký ASEAN và Ban thư ký ASEAN để điều phối quy tắc về quan hệ đối ngoại và thực thi các quyết định của ASEAN. Các nhà phân tích đã nhấn mạnh rằng, việc củng cố hệ thống quản lý chính thức của các cơ quan trong ASEAN đòi hỏi sự ủng hộ mang tính hành động mạnh hơn. Thừa nhận sự yếu kém tương đối của ASEAN trong “trung tâm đầu não”, hồi năm 2014, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cam kết tăng cường vai trò của Ban thư ký ASEAN, ít nhất là tăng lương và các khoản trợ cấp. Động thái này đã tăng thêm 2 triệu USD cho ngân sách hoạt động của Ban thư ký ASEAN, đưa ngân sách của đơn vị này từ mức 17 triệu USD trong năm 2014 lên 19 triệu USD trong năm 2015.
Tuy nhiên, thách thức mà Hiệp hội đối mặt vẫn là yêu cầu những phản ứng kịp thời hơn đối với các vấn đề khẩn cấp. ASEAN không phải là một thực thể siêu quốc gia, 10 nước thành viên hoạt động trên cơ sở nhất trí và không can thiệp. Kết quả cuối cùng thường là sự thỏa hiệp. Điều này có thể vẫn là lựa chọn “tốt hơn là không có gì” cho ASEAN trong bối cảnh đối mặt với những thực tế đang tồn tại ở khu vực này, trong đó có cả những động lực chiến lược đang chuyển hướng, xoay quanh Đông Nam Á.
Bốn con đường phía trước
Vậy, làm thế nào để ASEAN đạt được sự hội nhập lớn hơn trong vài năm tới. Đầu tiên, chương trình nghị sự cần được thu gọn lại. AEC là tham vọng, một kế hoạch đầy khích lệ cho khu vực trong thời gian tới. Thỏa thuận này bao gồm 17 yếu tố cốt lõi và soạn ra 176 hành động ưu tiên gồm nhiều lĩnh vực như tự do di chuyển đầu tư, lao động nhập cư tay nghề cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập thị trường vốn, phát triển bình đẳng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các nhóm làm việc cấp Bộ trưởng có nhiệm vụ soạn thảo các quy định cụ thể cho tiến trình hội nhập của mỗi lĩnh vực, tiến đến mục tiêu cuối cùng là nhận được sự tán thành của tất cả các bên.
Một trọng tâm thu hẹp hơn sẽ giúp thúc đẩy tiến trình này, tạo ra những kết quả hữu hình để xây dựng AEC. Chương trình nghị sự toàn diện hiện nay là nhằm tận dụng các nguồn lực hành chính, đặc biệt đối với các thành viên nhỏ hơn, đã gây ra những sự trì hoãn hay thậm chí đình trệ trong một số lĩnh vực. Việc rà soát trên phạm vi rộng của AEC thường cho phép các nhà đàm phán tuyên bố thành công, thông báo tỷ lệ hoàn thành ở mức cao, thế nhưng một vài vấn đề nổi bật còn tồn đọng mới thường là những vấn đề đóng vai trò quan trọng nhất.
Điểm thứ hai là ASEAN đòi hỏi một cơ chế quản lý mạnh hơn, độc lập để giám sát việc đàm phán và tiến trình thực hiện. Ban thư ký ASEAN vẫn trong tình trạng thiếu người, với ngân sách hoạt động chưa đến 20 triệu USD trong năm 2015. Một bộ máy lớn hơn sẽ hỗ trợ các nước nghèo hơn cách thức và tư vấn cho các nước này những điều cần thiết trong các thỏa thuận có tính phức tạp cao. Điều này không có nghĩa là Ban thư ký ASEAN nên phát triển thành một đơn vị hoạch định siêu nhà nước như Ủy ban châu Âu. Một Ban thư ký ASEAN được tăng cường nội lực có thể công bố hoặc thúc đẩy các quyết định và hoạt động như một cơ quan hỗ trợ độc lập về các chính sách nhằm thúc đẩy sự hội nhập ASEAN.
Điểm thứ ba là ASEAN cần cải thiện sự kết nối giao thông của tổ chức này. Mục tiêu này đã được đề ra trong chương trình nghị sự của ASEAN nhiều thập kỷ qua nhưng các dự án chính vẫn đang nằm trên giấy. Sự hài hòa của các quy định sẽ không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn nếu các doanh nghiệp không thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác và khu vực biên giới vẫn trong tình trạng không liên kết. Đặc biệt ở tại khu vực đất liền của Đông Nam Á, cần xây dựng thêm nhiều đường bộ, cầu, đường sắt để kết nối các nền kinh tế với nhau và giải phóng những lợi ích của việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
Điểm cuối cùng liên quan chặt chẽ đến điểm thứ ba: tăng cường sự hội nhập tài chính. Trong khuôn khổ AEC, các nước thành viên đã soạn ra chiến lược để dỡ bỏ các rào cản đối với dịch vụ tài chính trong ASEAN, xây dựng một thị trường vốn hội nhập và làm hài hòa các dịch vụ thanh toán và chi trả đến năm 2020. Dĩ nhiên, đây là một tiến trình phức tạp và thời gian biểu dường như là khá tham vọng. Một tiến trình như thế chắc chắn phải có trình tự và không nên là kết quả của quá trình hội nhập toàn diện mà không cần cân nhắc đến các yêu cầu của các địa phương. Tuy nhiên, tài chính đóng vai trò chủ chốt trong thúc đẩy tăng trưởng và việc hội nhập nhanh hơn sẽ hỗ trợ triển khai những khoản tiết kiệm hay thay đổi vào những mục đích sử dụng hiệu quả nhất.
Một chương trình nghị sự gọn gàng hơn, tập trung vào việc hình thành tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ có lựa chọn, tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy hội nhập tài chính, tăng cường năng lực của Ban thư ký ASEAN, sẽ là những động thái chủ chốt để thúc đẩy hội nhập ASEAN và hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở thời điểm mà thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp bắt đầu giảm sút. Sau tất cả, lịch sử của ASEAN đã chứng minh sức mạnh thương mại trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng. Từ giờ trở đi, các cơ hội đó đang tiến đến gần khu vực này hơn bao giờ hết.