Nhỏ Bình thường Lớn
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973-27/01/2023):

Công tác bảo vệ an ninh cho hai Đoàn đại biểu quân sự cách mạng

Chúng ta đã bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thông tin; tuyệt đối không để đối phương đánh phá vào đội ngũ, lợi dụng xâm nhập vào nội bộ hay lấy cắp các thông tin...
Tháp nước ở Trại Davis, nơi hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lúc 9h30 sáng, ngày 30/04/1975.
Tháp nước ở Trại Davis, nơi hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lúc 9h30 sáng, ngày 30/04/1975.

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973 là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, nhưng Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã ra sức chống phá, từ trước ngày văn bản Hiệp định được chính thức ký kết và có hiệu lực thi hành.

Ngay trong quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ thi hành Hiệp định Paris, Bộ Chính trị đã kịp thời chỉ đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (Bộ Nội vụ) và Bộ Ngoại giao có kế hoạch tổ chức lực lượng làm công tác này. Các Bộ đã khẩn trương chuẩn bị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ cho hai đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT) (Đoàn B).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trong công tác bảo vệ an ninh cho hai Đoàn ta làm nhiệm vụ của Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên.

Âm mưu của đối phương

Ngay từ đầu, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã lên kế hoạch đầy đủ để phá hoại Hiệp định và triển khai kế hoạch này ngay cả trước khi Hiệp định được ký kết, qua việc bố trí trụ sở cho hai Đoàn ta là những trại lính cũ, bẩn, xung quanh là hàng rào kẽm gai, vọng gác để khống chế sự đi lại, tiếp xúc của lực lượng cách mạng với quần chúng nhân dân trong vùng chúng kiểm soát; khống chế mọi sinh hoạt, ăn ở, đi lại của các thành viên của ta…; bố trí xung quanh các lực lượng sẵn sàng nổ súng cùng bom, pháo, xe tăng, chất độc… hòng hủy diệt nơi đóng quân của ta.

Như câu chuyện sáng ngày 28/01/1973, đối phương hẹn đón đoàn ta ở sân bay Thiện Ngôn nhưng đã dùng máy bay ném bom vào đúng điểm hẹn. Rất may ta đã an toàn, vì đã đoán trước âm mưu, thủ đoạn này.

Ở Bảo Lộc, đối phương đã phục kích khi ta đến vị trí tập kết, làm cho bốn đồng chí hy sinh và một số bị thương; đồng thời dùng máy bay trực thăng quần thảo, xe bọc thép chạy xung quanh trụ sở, cùng các lính của chính quyền Sài Gòn lăm lăm súng trong tay.

Ở những nơi khác, đối phương cho bọn lưu manh, côn đồ… hành hung cán bộ, chiến sĩ ta ở khu vực I, II, III Đức Phổ, Quảng Ngãi; tiến hành ghi hình các cán bộ, chiến sĩ ta để sử dụng nhằm lôi kéo, mua chuộc, rung dọa… Tận dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng còn cài đặt các công cụ nghe trộm, quan sát từ xa trong các đồ vật, quà tặng… đặc biệt, tại các phòng của lãnh đạo hai Đoàn tại Trại Davis. Bên cạnh đó là việc phá sóng vô tuyến điện hòng ngăn chặn liên lạc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài của hai Đoàn ta; bố trí các trạm quan sát, thu âm, thu hình xung quanh trụ sở để theo dõi mọi sinh hoạt, chuyện trò bên trong…

Tấm biển đề dòng chữ “Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Liên hợp quân sự  hai bên Trung ương” đặt bên trong hàng rào kẽm gai gần cổng Trại Davis.
Tấm biển đề dòng chữ “Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương” đặt bên trong hàng rào kẽm gai gần cổng Trại Davis.

Đối phương cũng sử dụng các nhân viên lái xe, sửa chữa điện nước, cung cấp lương thực, thực phẩm… cho Trại Davis là người của các cơ quan an ninh, tình báo như: CIA, DIA Mỹ; Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, Tổng nha cảnh sát, Phòng 2 Bộ Tổng tham mưu và Cục An ninh Quân đội của chính quyền Sài Gòn. Những người này trực tiếp lôi kéo, dụ dỗ từng người của ta khi tiếp xúc tại nơi làm việc. Họ rất ranh mãnh khi gặp gỡ, trò chuyện, vì cho rằng các cán bộ, chiến sĩ ta tham gia cách mạng đã nhiều năm xa gia đình, quê hương, sống thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, bom đạn ác liệt… sẽ bị đời sống đủ đầy, ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng của đô thị Sài Gòn lôi kéo quật ngã.

Chưa hết, chúng còn tìm hiểu nhân thân của các đồng chí lãnh đạo hai Đoàn ta, dùng thủ đoạn lôi kéo người thân của họ… Chúng cho tay chân về gặp mẹ của một đồng chí ở Đoàn B, dụ dỗ bà lên Sài Gòn gặp con trai. Nhưng bà cụ đã thẳng thừng từ chối, nói rõ con bà đi theo cách mạng là để “đánh quân xâm lược”, “giải phóng quê hương” và vạch rõ âm mưu của chúng là “mượn tay” bà để lôi kéo con rời bỏ hàng ngũ cách mạng.

Cũng có một số đối tượng là bạn học cũ, đồng hương của các cán bộ, chiến sĩ tìm cách nài nỉ, mời họ về nhà riêng rồi kể chuyện bạn bè, khoe khoang cuộc sống sang giàu, nhà cao cửa rộng, hẹn đưa xe đến đón, hứa chuyển thư, quà cáp giúp đến tay người nhận...

Chúng cũng tìm hiểu các đối tượng có người thân làm việc trong phái đoàn ta, cho vào làm việc tại trụ sở của ta ở Trại Davis để tiếp cận người nhà. Ta đã chủ động cho họ gặp nhau và đã giải thích chính sách của cách mạng để họ hiểu, khuyên bảo họ không nên đứng về phía lực lượng ngoại xâm, có điều kiện nên giúp đỡ cách mạng…

Nguy hiểm hơn, đối phương còn âm mưu đưa các chất độc vào nguồn nước, lương thực, thực phẩm… để gây hại đến sức khỏe và tính mạng của đoàn ta và còn có hẳn kế hoạch tiêu diệt hoàn toàn địa điểm đóng quân của hai đoàn…

Khi hai Đoàn đại biểu quân sự ta tiếp quản ngày 28/01/1973, xung quanh Trại Davis có 13 tháp canh của quân đội Sài Gòn. Tấm ảnh chụp một trong 13 tháp canh lúc đó.
Khi hai Đoàn đại biểu quân sự ta tiếp quản ngày 28/01/1973, xung quanh Trại Davis có 13 tháp canh của quân đội Sài Gòn. Tấm ảnh chụp một trong 13 tháp canh lúc đó.

Chủ động phòng chống

Trước những thủ đoạn phá hoại hết sức tinh vi, xảo quyệt nói trên, chúng ta đã chủ động và kịp thời có ngay những biện pháp phòng chống hiệu quả.

Ta đã đề cao cảnh giác nên đã tránh được thiệt hại, như khi chúng dùng máy bay ném bom xuống điểm hẹn Thiện Ngôn.

Khi đối phó bọn lưu manh, côn đồ hung hãn, ta khéo léo sử dụng những dụng cụ có trong tay chống đỡ và lực lượng cảnh vệ được huấn luyện dày dạn kỹ năng đã kịp thời ngăn chặn những tên cầm đầu, xông xáo nhất…

Ta bóc gỡ triệt để các phương tiện nghe lén đã được bố trí sẵn tại các phòng ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo hai Đoàn cũng như tại phòng họp và lập ra các căn phòng an toàn để họp bàn, đặt tên là “Phòng hạnh phúc”. Ta cũng đưa ra những quy định trong phát ngôn, giao tiếp, trò chuyện tại những vị trí an toàn, không để đối phương nghe trộm được những nội dung cần bảo mật.

Công văn tài liệu của Đoàn đã được bảo mật hết sức chặt chẽ. Ta quy định không đem theo tài liệu khi đi làm việc với đối phương, tiêu hủy công văn tài liệu không để chúng tìm kiếm trong rác thải…

Đối phó với việc phá sóng vô tuyến, ta kịp thời cho chuyên gia giàu kinh nghiệm vào trụ sở để khắc phục, nỗ lực, giữ vững thông tin liên lạc thường xuyên và thông suốt nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn bí mật. Ta cũng liên tục thay đổi quy ước liên lạc, đổi sóng đài cấp trên, tăng công suất máy, số lần phát không theo quy ước…

Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn ta là việc làm được đặc biệt quan tâm. Với trang bị phương tiện kỹ thuật hạn chế trong phân tích các độc chất trong nước ăn, lương thực, thực phẩm, ta đã phải sử dụng các phương pháp có trong tự nhiên là sinh vật cảnh để thử nghiệm các chất gây hại cho sức khỏe con người. Thậm chí, cán bộ bảo vệ an ninh cũng là một khâu thử nghiệm, để đảm bảo độ tin cậy an toàn nhất cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ta…

Đề phòng khả năng chống đột nhập bắt cóc ngay trong doanh trại, cơ quan an ninh cũng đã xây dựng những căn hầm bí mật tại phòng nghỉ của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài liệu khi có những tình huống bất ngờ xấu nhất.

Các cán bộ, chiến sĩ của ta đứng trước cổng Trại Davis, tháng 11/1973.
Các cán bộ, chiến sĩ của ta đứng trước cổng Trại Davis, tháng 11/1973.

Tận dụng mọi khả năng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hai Đoàn đại biểu quân sự cách mạng đã kiên cường, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh buộc Mỹ - ngụy phải thực hiện những nội dung cơ bản của Hiệp định Paris. Đó là: Quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và phải trao trả cho ta những người bị bắt trong chiến tranh.

Ngoài những điều cơ bản trên, do điều kiện sống trong vùng địch kiểm soát, chúng ta đã tận dụng mọi khả năng để thực hiện các nhiệm vụ.

Ta đã tận dụng các diễn đàn công khai đấu tranh góp phần cô lập đối phương, kịp thời cung cấp thông tin giúp nhân dân thế giới và cả nhân dân tiến bộ Mỹ thấy được sự thật cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chính sách nhân đạo, yêu chuộng hòa bình, tự do độc lập của chúng ta.

Do được tiếp xúc với nhiều đối tượng, trong đó có nhiều người cảm tình với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ta, nên ta đã thu thập được nhiều tin tức quý báu, giúp cho cấp trên có những đánh giá kịp thời, chính xác, đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn trong cuộc chiến và đã đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.

Ông Đinh Quốc Kỳ.
Ông Đinh Quốc Kỳ.

Công tác bảo vệ an ninh cho hai Đoàn ta trong thực hiện nhiệm vụ thi hành Hiệp định Paris là một bộ phận của cuộc đấu tranh với kẻ thù vô cùng thâm độc, xảo quyệt tại sào huyệt của chúng. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ta đã can đảm, dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó. Chúng ta đã đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thông tin; tuyệt đối không để đối phương đánh phá vào đội ngũ, lợi dụng xâm nhập vào nội bộ hay lấy cắp các thông tin...

Trên mặt trận này, chúng tôi đã luôn nhận được sự chỉ đạo và chi viện kịp thời, hiệu quả của cấp trên, nhất là các đồng chí lãnh đạo của cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an, đặc biệt trong đó có đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Cục Bảo vệ an ninh quân đội.

Nhờ có tinh thần cảnh giác cao độ, lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn, ta đã chiến thắng mọi thủ đoạn xảo quyệt của đối phương và góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên ngày Đại thắng mùa Xuân 30/04/1975.

* Đại tá, nguyên Sĩ quan liên lạc, Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B)
Hội nghị và Hiệp định Paris qua những con số

Hội nghị và Hiệp định Paris qua những con số

Hội nghị Paris gồm 2 giai đoạn, kéo dài tổng cộng 4 năm, 8 tháng, 14 ngày.

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ...

Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp

Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp

Hiệp định Paris đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử Việt Nam, đồng thời là sự kiện quan trọng với thành phố Verrières-le-Buisson, ...

Paris và những ngày tháng đấu trí, đấu lý nhưng cũng đậm tình

Paris và những ngày tháng đấu trí, đấu lý nhưng cũng đậm tình

Với nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân Hà Đăng, một thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ...

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân ...