📞

Cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu: Đến lúc đặt trẻ em vào trung tâm hành động

AN CHU 12:36 | 04/03/2022
Cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa đang hiện diện và tiếp tục tăng tốc ảnh hưởng đến toàn cầu. Trong số nạn nhân của cuộc khủng hoảng này, trẻ em chịu tác động nặng nề nhất.
Đã đến lúc trẻ em cần được đặt vào trung tâm của chiến lược hành động vì khí hậu. (Nguồn: UNICEF)

Tuyên bố của bà Russell được đưa ra sau khi Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo "Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương".

Báo cáo mang tính bước ngoặt này đã loại bỏ mọi nghi ngờ còn tồn tại: Khủng hoảng khí hậu không phải là một mối đe dọa trong tương lai. Nó đang hiện diện, tăng tốc và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới theo những cách ngày càng tàn khốc.

Khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng của trẻ em

Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho hay: “Hiện nay, cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến gần như mọi trẻ em trên mọi lục địa phải đối mặt với nguy cơ rủi ro khí hậu thường xuyên hơn, dữ dội hơn và có sức tàn phá nặng nề hơn từ các đợt nắng nóng, hạn hán đến lốc xoáy và lũ lụt, từ ô nhiễm không khí đến các bệnh do véc tơ truyền.

Nhưng đối với nhiều trẻ em, khủng hoảng khí hậu không chỉ là một mối nguy khôn lường. Đó là một thực tế gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em do UNICEF công bố mới đây - báo cáo phân tích toàn diện đầu tiên về rủi ro khí hậu và môi trường từ góc độ của trẻ em - cho thấy 1 tỷ trẻ em đang sống ở các quốc gia có nguy cơ cực cao, nơi các em phải đối mặt với những hiểm họa, cú sốc và yếu tố gây căng thẳng nghiêm trọng nhất.

Những đứa trẻ này, gia đình, tương lai và cả xã hội của các em đang chịu ảnh hưởng rất lớn.

Theo bà Russell, “hôm nay, 1 tỷ trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang bị đe dọa. Ngày mai sẽ là mọi trẻ em nếu thế giới không hành động".

Những bằng chứng không thể chối cãi đã chứng minh khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng của trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em luôn bị bỏ qua trong quá trình lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Việc đầu tư vào nhu cầu của những trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu chưa được ưu tiên. Trong nhiều trường hợp, điều này thậm chí còn không được đưa vào chương trình nghị sự.

Người đứng đầu UNICEF cảnh báo: “Thế giới không thể tiếp tục bỏ qua trẻ em khi phải vật lộn với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Đã đến lúc đặt con em của chúng ta vào trung tâm hành động vì khí hậu".

Báo cáo "Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương" do 270 tác giả và 195 chính phủ tham gia hoàn thiện và phê duyệt.

Là đánh giá lớn nhất về tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng, báo cáo xem xét các tác động mà biến đổi khí hậu đang gây ra đối với các hệ sinh thái và xã hội con người; xem xét các tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực của cộng đồng để thích ứng với những thay đổi hiện tại cũng như tương lai.

Bên cạnh đó, báo cáo nêu bật những rủi ro khi lượng khí thải tiếp tục tăng lên gây ra cho con người và môi trường, đồng thời phân tích những điểm dễ bị tổn thương của nhiều khu vực và hệ thống tự nhiên khác nhau.

Các nhà lãnh đạo thế giới chụp ảnh chung đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra từ ngày 31/10-12-11/2021 tại Glasgow, Anh. (Nguồn: AP)

Cần thực hiện chiến lược thông minh

Giám đốc UNICEF cho rằng, trước hết và luôn luôn, chính phủ các nước cần thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải đầy tham vọng. Đây vẫn là giải pháp dài hạn duy nhất vì khả năng thích ứng với khí hậu có hạn.

Tuy nhiên, cần phải hành động ngay bây giờ để giúp những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, sống ở các quốc gia có lượng phát thải bình quân đầu người thấp nhất, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, để các em có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Việc chuẩn bị cho các quốc gia và cộng đồng thông qua phát triển thích ứng với khí hậu, lấy khả năng thích ứng làm trọng tâm chính, là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cuộc sống của trẻ em dễ bị tổn thương và sinh kế của gia đình.

Biện pháp này đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ khí hậu đối với trẻ em. Nó nâng cao khả năng chống chịu trước những cú sốc khí hậu có thể xảy ra ​​trong tương lai, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Mặc dù vậy, theo bà Russell, nhiều quốc gia hoặc hoàn toàn thiếu kế hoạch thích ứng, hoặc có kế hoạch nhưng kế hoạch đó không bảo vệ hay giải quyết được nhu cầu cụ thể và cấp bách của đất nước.

Điều này có nghĩa là hầu hết trẻ em vẫn chưa được bảo vệ và chuẩn bị trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

UNICEF kêu gọi mọi quốc gia cam kết đảm bảo thích ứng lấy trẻ em làm trung tâm là sợi chỉ xuyên suốt tất cả các kế hoạch vì khí hậu và là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.

Để làm được điều này, kế hoạch thích ứng lấy trẻ em làm trung tâm và biện pháp tăng cường khả năng chống chịu cần phải kết hợp đa lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực trọng yếu hỗ trợ sự sống còn và phát triển lành mạnh của trẻ em, bao gồm nước sạch vệ sinh; sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục; chính sách xã hội và bảo trợ trẻ em.

Các kế hoạch và biện pháp cũng cần tập trung nguồn lực và sự quan tâm vào việc tiếp cận những trẻ em chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất sống trong ​​các cộng đồng nghèo nhất.

Một điểm quan trọng không kém là phải khuyến khích người trẻ tuổi tham gia xây dựng và triển khai các kế hoạch, biện pháp - đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe và nhu cầu của họ được phản ánh trong các quyết định.

Cuối cùng, cần khẩn trương huy động nguồn vốn và nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các kế hoạch và biện pháp đó.

Nhấn mạnh những người trẻ đã chờ đợi hành động sâu sắc, quyết liệt từ phía các nhà lãnh đạo nhằm ngăn chặn khủng hoảng khí hậu quá lâu, Giám đốc UNICEF kêu gọi: "Đừng bắt họ chờ đợi. Hãy thực hiện những hành động chiến lược, thông minh để giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng”.