📞

Đại hội Đảng XII trên báo nước ngoài

23:17 | 22/01/2016
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII diễn ra từ 20 – 28/1 nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ trong nước mà cả báo chí và dư luận nước ngoài.
Các đại biểu biểu quyết chương trình nghị sự của Đại hội Đảng XII. (Nguồn: Global Times)

Nhiều quan điểm cho rằng: Đường lối đối ngoại của Việt Nam sau sự kiện này có thể sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng chính những cải cách và quyết sách mới sẽ giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực quốc gia và tăng cường vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Hội nhập kinh tế là ưu tiên

Ngày 21/1, chuyên gia Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, sau Đại hội Đảng XII, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục gắn liền ba vế: Tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. 

Theo chuyên gia này, bản dự thảo Báo cáo Chính trị được công bố trong năm 2015 kêu gọi cải thiện tính hiệu quả của các hoạt động trong ngành ngoại giao và đề ra mục tiêu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập với thế giới, trong đó, hội nhập kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Việc Hội nghị Trung ương lần thứ 14 ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một dấu hiệu tốt cho thấy định hướng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Đồng thời, dự thảo Báo cáo Chính trị cũng kêu gọi tăng cường an ninh và quốc phòng “trong tình hình mới”. Những yếu tố nói trên cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam.

Ông Carl Thayer cũng cho rằng, Việt Nam sẽ không từ bỏ chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ đối ngoại và trở thành một đối tác đáng tin cậy đối với tất cả các nước. Ngoài lĩnh vực kinh tế, Việt Nam dường như sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với châu Âu, Nhật Bản và Mỹ trong các lĩnh vực khác, như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Việt Nam sẽ cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào nước láng giềng phương Bắc. Việt Nam sẽ cố gắng tận dụng mối quan hệ của mình với các cường quốc chính để hưởng lợi, nhưng tránh rơi vào quỹ đạo của một trong số những cường quốc này. Việc Trung Quốc gần đây triển khai giàn khoan HD-981 và hối hả hoàn tất xây dựng các đường băng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa cho thấy Việt Nam, cũng như một số nước Đông Nam Á khác, sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc.

Cần cải cách

Báo Global Times (Trung Quốc) nhận định: Trên thực tế, thách thức chủ yếu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt là làm sao để thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế trong nước. Ở Việt Nam đang thay đổi từng ngày, ưu tiên hàng đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam là phải bắt kịp với những thay đổi, đảm bảo sự phát triển ổn định của xã hội và bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, với một đất nước chỉ có một Đảng duy nhất cầm quyền, điều có ý nghĩa sống còn là (i) sự chuyển giao ổn định và (ii) tiếp tục đi sâu cải cách mở cửa một cách năng động.

Theo trang tin CNBC (Mỹ) ngày 21/1, bất chấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2015, Việt Nam đang rất cần những cải cách cơ cấu. Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của HIS/Global Insight (Mỹ) Rajiv Biswas nói: “Nhà lãnh đạo mới cần nắm bắt thời cơ để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm châu Á của các mặt hàng chế tạo xuất khẩu. Mặc dù sự chuyển đổi này đang diễn ra, nhưng các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam cần củng cố tiến trình này bằng việc tiếp tục tự do hóa kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh”. Dù các công ty xuyên quốc gia lớn như Samsung và Intel đang tăng cường sự có mặt tại Việt Nam và TPP dự kiến sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo hãng tin AP (Mỹ), đội ngũ lãnh đạo kế tiếp sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định tốc độ cải cách của nền kinh tế Việt Nam, vốn đã thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, thiết lập nên một thị trường chứng khoán non trẻ và tăng gấp ba mức thu nhập bình quân đầu người.

Công tác chuẩn bị cho Đại hội XII. (Nguồn: Reuters)

Không đi chệch hướng

Báo chí Campuchia cho rằng, do TPP liên quan đến việc cắt giảm thuế quan hàng may mặc, mà xuất khẩu hàng may mặc lại là ngành trụ cột trong phát triển kinh tế của Campuchia, nhờ có TPP mà Việt Nam sẽ ngày càng có vị trí lợi thế hơn so với Campuchia, vì vậy trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng bỏ xa Campuchia. Là một thành viên của ASEAN, sau Đại hội, Việt Nam có thể sẽ có được địa vị kinh tế ngày càng cao trong ASEAN.

Các chuyên gia cho rằng, cho dù ai đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao nhất, thì việc Việt Nam phê chuẩn TPP và việc cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra. Chuyên gia phân tích rủi ro thuộc Công ty nghiên cứu BMI Research (Singapore) Chan Jin Lai nhận định: “Chúng tôi không thấy có bất kỳ lý do nào để các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam đi chệch ra khỏi các chính sách kinh tế hiện nay. Động lực của nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi một tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy nhanh chóng, và dường như không thay đổi nào tại Hà Nội có thể làm chao đảo mức tăng trưởng ổn định được thể hiện rõ trong những năm gần đây”.

Sự quan tâm của công luận quốc tế đến Đại hội Đảng lần thứ XII cho thấy những thành công của Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh trên thế giới, cũng như tầm quan trọng của sự kiện này. Thành công của Đại hội XII sẽ giúp Việt Nam bước vào 5 năm phát triển ổn định và lâu dài tiếp theo. Việc duy trì một thể chế chính trị ổn định và một môi trường kinh tế hấp dẫn, đầy tiềm năng sẽ là chìa khóa để Việt Nam củng cố và nâng cao sức mạnh quốc gia trong thời đại mới.  

(tổng hợp)