📞
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973-27/01/2023):

Đặc sắc mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Vũ Nam Bình * 08:08 | 29/01/2023
Ký Hiệp định Paris, Mỹ phải chấp nhận thất bại và lùi một bước về chiến lược, nhưng mưu đồ sâu xa của Mỹ là vẫn tiếp tục xâm lược Việt Nam bằng “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ vẫn chỉ huy quân đội và chính quyền Sài Gòn tiến hành cuộc chiến tranh “lấn chiếm và bình định”.
Các thành viên trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên tại Trại Davis.

Rút kinh nghiệm từ việc thi hành Hiệp định Geneva, ta coi đấu tranh thi hành Hiệp định Paris về thực chất là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng, nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh đổ chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Chiến tranh Việt Nam hóa” là Mỹ và chính quyền Sài Gòn xóa bỏ hoàn toàn Hiệp định Paris.

Sau sáu tháng thi hành Hiệp định Paris, Bộ Thống soái tối cao (tức Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân, các cơ quan giúp việc ở Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao) đã nhìn rõ tình hình - Hòa bình không thể được lập lại mà tình hình phát triển theo khả năng chiến tranh ngày càng nghiêm trọng. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 21 diễn ra tháng 07/1973 đã phân tích: “18 năm chống Mỹ cứu nước ta đã giành được thắng lợi to lớn, nhưng một số nơi còn lừng chừng, chập choạng trong đối phó với địch, nên chúng lấn chiếm thêm được đất, kìm kẹp thêm được dân”. Hội nghị đã khẳng định nhiều vấn đề cực kỳ quan trọng về đường lối cách mạng, chiến tranh cách mạng và chỉ đạo chiến lược.

Kết luận của đồng chí Lê Duẩn ngày 06/07/1973 về Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 21 như sau: “Tinh thần cốt lõi của Hội nghị Trung ương lần này là cách mạng miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng. Chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp địch Paris để thắng địch. Nhưng nếu địch ngoan cố tiếp tục chiến tranh thì ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà”.

Sau Hội nghị, Đảng ta khẩn trương xác định: “Tạo lực thật vững mạnh, mạnh hơn hẳn địch. Tạo thế thật sâu rộng, vững chắc trên cả nước và ở từng chiến trường. Tạo thời cơ chuẩn bị kế hoạch chiến lược cơ bản và kế hoạch chiến lược thời cơ, kịp thời nắm thời cơ để sẵn sàng đánh thắng địch”.

Vào cuối năm 1974, nhận thấy thời cơ lớn đang đến gần, Bộ Thống soái tối cao quyết định: “Rất khẩn trương chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chiến lược và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm - 1975 và 1976. Nếu thời cơ phát triển, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Kế hoạch chiến lược cơ bản bắt đầu được thực hiện. Đòn điểm huyệt chiến lược vào 2h sáng ngày 10/03/1975 ở thành phố Buôn Mê Thuột rất thành công. Đột phá khẩu đã mở chỉ trên một tuần lễ, ngày 18/03/1975, chiến trường Tây Nguyên cơ bản được giải phóng.

Đòn chiến lược thứ hai: giải phóng Trị Thiên - Huế ngày 26/03/1975 và liên tiếp ngày 29/03/1975 giải phóng Đà Nẵng. Đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được triển khai. Ngày 26/04/1975, ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao phối hợp rất đẹp tấn công vào thành phố Sài Gòn. Đúng 11h30 ngày 30/04/1975, Sài Gòn được giải phóng và tiếp theo toàn bộ miền Nam được giải phóng. Đây là thắng lợi rất vĩ đại, rất nhanh chóng, rất oanh liệt hào hùng, kết thúc thắng lợi rất trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ông Vũ Nam Bình (giữa) tại Trại Davis.

Vậy ngoại giao quân sự đã được giao làm những nhiệm vụ gì để phục vụ đắc lực cuộc Tổng tiến công nổi dậy chiến lược và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trong suốt 55 ngày đêm?

Là đội quân duy nhất của cách mạng Việt Nam có thế đứng hợp pháp, công khai trong lòng địch, ở giữa khu vực đầu não của đối phương, hiểu sâu sắc về kẻ thù, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh trực diện với đối phương và có đủ bản lĩnh, trí tuệ niềm tin và được hội tủ đủ những điều kiện trong tình hình hết sức sôi động để bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Một là, nhiệm vụ góp phần tích cực nhất - phát huy cao độ đấu tranh dư luận, triệt để cô lập kẻ thù. Tập trung chỉ rõ và vạch trần mưu đồ sâu xa của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh”, phá vỡ tất cả các điều khoản, đặc biệt là các điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

Từ tháng 10/1973, Bộ Tư lệnh miền Nam đã lên án việc Mỹ lấn chiếm và bình định và tuyên bố đánh trả những nơi kẻ thù đánh chiếm. Mỹ-ngụy vẫn lấn tới, càng quyết liệt đánh phá ở khắp miền Nam Việt Nam. Ta phải dùng bạo lực cách mạng để đánh bại chúng. Với Mỹ - ngụy lúc này, không có pháp lý nào có tác dụng bằng pháp lý bạo lực cách mạng.

Ta mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy với quy mô lớn. Ta càng đánh mạnh, thắng to càng phải đấu tranh dư luận mạnh mẽ hơn nữa - tố cáo và lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn là thủ phạm phá Hiệp định Paris để cô lập chúng cao độ, nhanh chóng đánh bại chúng.

Nhiệm vụ thứ hai là phát huy mạnh mẽ, có hiệu lực, kịp thời “hàn thử biểu” chính trị - quân sự - đó là Trại Davis - lúc này ở ngay trong lòng địch. Nắm tình hình địch là yêu cầu trọng tâm công tác đầu tiên của Bộ Thống soái tối cao và lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

Tin tình báo chiến lược, tình báo kỹ thuật, quan sát tại chỗ và quan hệ tiếp xúc tại vùng tâm đầu não của đối phương có giá trị rất cao. Ta đang tiến công như vũ bão, chiến thắng lớn và rất nhanh, nên kẻ địch - nhất là giới chóp bu của Mỹ và Sài Gòn, rất quan tâm, thăm dò, phán đoán cuộc tấn công chiến lược của ta như thế nào, tấn công ở đâu, những lực lượng nào, tấn công xong có dừng lại để thương lượng hay không...?

Từ Đại sứ Mỹ Graham Martin đến Thomas Polgar - trùm tình báo CIA Mỹ ở miền Nam, cũng dấn sâu vào việc thăm dò lực lượng ta, và càng bộc lộ ra những ý đồ bí mật của chúng, nhằm đối phó lực lượng của ta. Lại có CIA từ Mỹ phái sang và thực sự họ đã hé lộ rằng quân Mỹ đã chịu thua – có cần đánh vào Sài Gòn nữa hay không? Ông hãy báo cáo với chính phủ Việt Nam là đừng làm nhục người Mỹ nữa? Tức là không đánh quân sự vào Sài Gòn.

Các loại chóp bu của chính quyền Sài Gòn nhốn nháo chạy đến trụ sở đoàn ngoại giao quân sự của ta. Nhiều nhân vật đến với tư cách khác nhau, đề nghị cho bàn giao chính quyền và đừng đánh vào Sài Gòn, đề nghị thương lượng chính trị... Trần Văn Hương, Tổng thống mới lên thay Nguyễn Văn Thiệu cử Phan Hòa Hiệp mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thông tin đến xin cho ra Hà Nội gặp chính phủ VNDCCH để có việc khẩn cấp – đề nghị thương lượng - nhưng ta quá hiểu ý đồ của họ nên đã từ chối.

Tất cả những thông tin có tính chất chiến lược ngoại giao quân sự nêu trên đều được ta kịp thời báo cáo lên Bộ Thống soái tối cao ở Hà Nội và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trước giờ kẻ địch đang giãy chết, những tin như vậy thật giá trị.

Ba là, nhiệm vụ góp phần nghi binh chiến lược về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy chiến lược cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với đội quân ngoại giao quân sự có những đặc điểm riêng biệt, có những điều kiện cụ thể để góp phần nhất định vào nghi binh chiến lược. Trong tiếp xúc rộng rãi với mọi đối tượng, chúng ta chỉ nói rằng “phải ở lại đây để đấu tranh thi hành Hiệp định Paris” và đòi đối phương cũng phải làm như vậy.

Tuy Ban Liên hợp quân sự 2 bên và Tổ liên hợp quân sự 4 bên ngừng hoạt động, ta vẫn tổ chức rất đều đặn các cuộc họp báo hàng tuần, đưa nhiều tin về việc địch phá hoại Hiệp định Paris.

Ta vẫn thường xuyên gặp phóng viên của 77 hãng thông tấn báo chí nước ngoài ở Sài Gòn bất kể ngày đêm.

Ta vẫn gửi công hàm tố cáo địch vi phạm các điều khoản của Hiệp định và đòi Ủy ban Quốc tế điều tra những vụ quá nghiêm trọng.

Ta tăng cường làm việc với Ủy ban Quốc tế, nhất là với phái đoàn Hungary và Ba Lan, qua đó biết thêm được nhiều tin quan trọng nội bộ của chính quyền Sài Gòn và cũng qua các bạn nhờ đưa tin nên địch khó phán đoán được dự định của ta.

Mọi sinh hoạt của ngoại giao quân sự vẫn giữ nề nếp như thường lệ, không có gì tỏ ra là sắp có cuộc chiến đấu xảy ra ở nơi đây. Đặc biệt khi chúng ta bí mật đào trận địa chiến đấu, gần mấy chục vọng gác của địch sát hàng rào không biết một tý gì.

Địch rõ ràng là bị dính đòn nghi binh chiến lược của Bộ Thống soái tối cao, mà trong đó với đặc điểm ngoại giao quân sự nằm giữa lòng địch cũng góp phần nhất định.

Ông Vũ Nam Bình.

Lời kết

Tôi thật vinh dự, tự hào được đứng trong đội ngũ những người tham gia trực tiếp vào đấu tranh ngoại giao quân sự để thực hiện các điều khoản quân sự của Hiệp định Paris.

Tôi suy ngẫm sâu sắc rằng chính do Đảng ta có đường lối, chiến lược, phương pháp cách mạng, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nên từng bước tạo nên những thắng lợi có ý nghĩa to lớn.

Trong đó phải kể đến sự chỉ đạo chiến lược rất sáng suốt, là mở mặt trận tiến công ngoại giao thật đúng lúc vào năm 1967. Từ đó kết hợp chặt chẽ ba mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

Vì vậy, sau 14 năm chiến đấu, ta buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Sau năm năm đàm phán, ta buộc Mỹ ký hiệp định Paris và chỉ trong 823 ngày đêm thi hành Hiệp định Paris, ta buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thua hoàn toàn triệt để và toàn dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Riêng mặt trận ngoại giao quân sự, Đảng rất chủ động nêu ra tập trung vào những điều khoản quân sự của Hiệp định Paris, nêu ra tổ chức Liên hợp quân sự để thực hiện, dưới sự chỉ đạo của 4 bên tham gia ký Hiệp định Paris. Từ đó, Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Quân ủy Miền Nam theo dõi sát sao, chỉ đạo rất chặt chẽ, kịp thời nên đạt hiệu quả rất chắc chắn.

Cũng còn do Đảng chọn lựa được một đội ngũ đi vào lòng địch đấu tranh ngoại giao quân sự đảm bảo chất lượng, rất nghiêm túc. Và cũng chính đội ngũ đó có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu, ý thức cảnh giác cách mạng được đề cao, luôn nắm vững tư tưởng tiến công trong đấu tranh với đối phương, lại vừa quán triệt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, nên đã thực sự xây dựng được một pháo đài cách mạng thật vững chắc - vừa là pháo đài chính trị vững vàng, vừa là pháo đài đấu tranh ngoại giao sắc bén và là pháo đài đấu tranh quân sự sáng tạo, kiên cường.

Đó là cơ sở rất cơ bản để đấu tranh ngoại giao quân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống gay go, ác liệt và phức tạp mà do kẻ địch phá hoại hết sức thâm độc, xảo quyệt và quyết liệt.

Ngay khi hoàn thành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 02/05/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử công bố: “Trại Davis là đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh năm cánh quân chủ lực của đại quân ta tiến vào Sài Gòn, đoàn đại biểu quân sự ta là mũi tiến công thứ sáu - mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam”.

Sau này, đội quân ngoại giao quân sự đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định 1553/QĐ-CTN ngày 12/09/2011.

Ngày 09/03/2017, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch có Quyết định 827/QĐ xếp hạng Trại Davis là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và xác định đây là một biểu tượng độc đáo của mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự về thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam.

* Đại tá Vũ Nam Bình tên thật là Nguyễn Văn Khả, sinh ngày 16/6/1929 tại Phú Mỹ, Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội, nguyên Trưởng Ban bảo vệ an ninh kiêm phó Trưởng Tiểu ban trao trả của Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.